Thứ Hai ngày 07 tháng 10 năm 2024

Nỗi nhớ dắt dây

Câu chuyên thầy Võ Xuân Sơn không ngại đường xa ngàn dặm và sức khỏe của một người tuổi “thất thập cổ lai hy” mà “bên trong tan nát hết cả rồi” vượt Thái Bình Dương từ Việt Nam sang Mỹ thăm lại đôi vợ chồng người bạn đồng nghiệp tri kỷ tri giao gần nửa thế kỷ xa cách nhau làm người ta khó kiềm chế được xúc động. Huống chi đó là tôi, một học trò của cả ba vị ân sư này: thầy Võ Xuân Sơn, thầy Đỗ Ngọc Trang và cô Nguyễn Thị Bích Thủy.

Từ trái qua: cô Bích Thủy, thầy Ngọc Trang và thầy Xuân Sơn tại “Đông Đình hồ” sau nhà thầy cô Trang – Thủy ở Elk Grove.

Tôi là người làm chứng cho câu thầy Sơn nói với thầy Trang khi gặp lại nhau tại nhà thầy cô TT Cali (Gia đình Trung học Kiến Tường đặt ngoại hiệu TT Cali cho thầy Trang – cô Thủy ở California để phân biệt với TT Colo là thầy Nguyễn Hữu Thành – cô Huỳnh Kim Thọ ở Colorado) rằng: “Vì Trang Thủy không thể về Việt Nam, nên tôi qua Mỹ gặp hai người. Tôi quyết lòng như vậy đã lâu.” Thầy đã nói như vậy với tôi từ mấy năm trước. Khi Gia đình THKT ở Mỹ tổ chức cuộc họp mặt đầu tiên tại Wichita (bang Kansas) năm 2014, thầy Sơn càng nung nấu quyết tâm làm một chuyến Mỹ Du. Thậm chí thầy còn muốn đi cả đoàn gia đình mình 5-6 người nữa. Nhưng rồi do sức khỏe cũng như chuyện làm visa, mãi tới nay, thầy mới có thể thực hiện được.

Trong bài của mình, thầy Trang viết rằng: “Chúng tôi biết nhau trong lớp tuổi hai mươi, nay gặp lại nhau mọi người đều đã trên bảy mươi.” Khoảng cách giữa hai mốc thời gian “biết nhau” và “gặp lại nhau” đó kéo dài tới gần nửa thế kỷ. Nếu biết rằng ngày xưa họ thân nhau tới chừng nào thì mới hiểu thấu được họ đau ra sao khi phải cách biệt nhau tới 45 năm. Trong tuổi đời của mình, họ đã phải trừ đi tới 45 tuổi thương nhớ nhau ở hai phương trời cách biệt. Hãy tưởng tượng thêm một chút, thầy Sơn năm nay 77 tuổi, thầy Trang về dạy chung trường với thầy Sơn từ 1966 tới 1972, nghĩa là 6 năm bên nhau, khoảng thời gian bạn tâm giao bị “cắt đứt dây chuông” dài gấp 7,5 lần thời gian họ ở bên nhau. Tôi không biết ba người bạn này đã sử dụng quỹ thời gian quá ngắn ngủi của lần gặp lại nhau này như thế nào. Tôi đoan chắc rằng họ không thể đủ thời gian hồi tưởng những tháng năm đẹp nhất cũng đồng thời khốc liệt nhất đời mình từng trải qua bên nhau. Thầy Sơn ắt không đủ thời gian để giúp cô Thủy bạn mình ghi lại những bit dữ liệu vào bộ nhớ trong bộ não đã bị hư hao dần vì căn bệnh hiểm của người lớn tuổi. Không dám nói ra, nhưng mọi người trong và ngoài cuộc đều ngậm ngùi thầm ca bài “Lần Đầu Cũng Là Lần Cuối” của Chế Linh mà họ từng nghe trước năm 1975. Biết làm sao được với cái quy luật cuộc đời. Năm hay họ đã gần 80 tuổi rồi. Thầy Trang thì không bao giờ về lại Việt Nam. Còn thầy Sơn thì khó lòng đủ sức để làm thêm một chuyến Mỹ Du. Sở dĩ phải nói chuyện thực tế mà đau lòng này là để hiểu những người bạn này ắt phải tận dụng từng giây phút bên nhau và rồi cuối cùng đành buông tay chia tay nhau với nhiều nỗi niềm riêng khôn tả. Chắc chắn họ đã chào nhau “See you again soon”. Chỉ mong rằng các sư tử vẫn giữ được những mối quan hệ tốt đẹp với nhau và với các học trò cũ của cha mẹ mình.

Đó là lý do mà lâu nay hễ có dịp là tôi thiếu điều van nài các thành viên Gia đình THKT phải tận dụng tối đa mọi giờ phút mà Thượng đế ban tặng thêm cho mình – gọi là extra hay bonus – để vui thú bên nhau. Từ tuổi 60 trở đi, mỗi ngày còn sống là một ngày được Thượng đế gia hạn nhiệm kỳ. Hễ có dịp “gặp mặt nhớ nhau” là chớ bỏ lỡ. Mà nếu tích cực hơn thì chủ động tự tạo cớ để gặp nhau. Kẻo rồi thì mai kia một nọ….

Thầy Trang có nói tới cái “Động Đình hồ” mà thầy cô đã đưa “old friend” của mình ra ngồi hàn huyên tâm sự. Đó là khoảng sân sau nhà thầy cô được thầy Trang bày biện như một Cõi Thiên thai của mình. Sở dĩ gọi đây là “Động Đình hồ” không phải muốn nói tới nơi theo truyền thuyết là nơi ở của một Long Vương là ông ngoại của Lạc Long Quân đâu, mà dựa theo sách xưa nói đây là một nơi ẩn cư của các đạo sĩ. Nghe nói thầy Trang từng thường “trốn việc nhà” ra đây ngồi Thiền – mà cô Thủy phu nhân thầy gọi là “ngủ ngồi”.

Cái “Động Đình hồ” của thầy Đỗ Thiền sư cách đây vài năm đã tiếp đón một “hiền đệ” cũng là đồng nghiệp chung trường của thầy cô là thầy Ngô Bảo Toàn từ Việt Nam sang chơi. Trước đó, trong hai lần đến thăm thầy cô vào năm 2010 và 2011, tôi và thầy cô của mình đã có những phút bên nhau nơi cái “Động Đình hồ” này.

Tôi đang “diễn kịch” tưới cây tại “Động Đình hồ” năm 2010.

Thầy Trang bên “Động Đình hồ” bị phu nhân mình dùng làm nơi phơi ớt khô năm 2011.

Chuyện thầy Sơn cùng hai “sư tử” (tụi tôi gọi con của thầy cô mình là sư tử vì “sư” là thầy cô và “tử” là con) tới thăm thầy cô TT Cali bất giác làm tôi nhớ lại một bài thơ thất ngôn bát cú mà mình từng học trong giờ Cổ văn thời học ở Trung học Kiến Tường. Đó là bái “Bạn Đến Chơi Nhà” của cụ Nguyễn Khuyến – Tam Nguyên Yên Đỗ:

“Đã bấy lâu nay bác tới nhà.

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

Ao sâu nước cả, khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.

Cải chửa ra cây, cà mới nụ,

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.

Đầu trò tiếp khách, trầu không có,

Bác đến chơi đây ta với ta.”

Nhắc lại bài thơ mà ngày xưa thầy Trang vốn là một giáo sư Quốc văn của Trung học Kiến Tường đã dạy, tôi chỉ cốt mượn cái tứ và những tình huống vui mà thấm của bài thơ. Chứ thầy Trang – cô Thủy ở Mỹ từ năm 1975 tới nay và gần nhà là những siêu thị làm sao có cảnh “Bác đến chơi đây ta với ta”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 24-4-2017)

+ Mời đọc bài của thầy Đỗ Ngọc Trang: Old friend.