Thứ Hai ngày 22 tháng 4 năm 2024

Triều Tiên không phải là… Triều Tiên

Xin thưa ngay là tôi chớ hề theo cái tứ đột biến gien “thu giá không phải là thu phí” đâu.

Xưa giờ, từ hồi đầu óc vỡ ra, tai mắt mở ra, nếu không phải viết báo chính thống, tôi cố tránh dùng từ “Triều Tiên” để gọi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Democratic People’s Republic of Korea, DPRK) khi không thể hay không muốn viết đầy đủ. Tôi gọi là Bắc Triều Tiên. Tôi không gọi họ là Bắc Hàn có phần suồng sã.

Bởi gọi là Triều Tiên như vậy, không chỉ khiến nàng Dae Jang Geum và bà con Hàn Quốc buồn mà còn không chuẩn xác. Triều Tiên (Korea) là tên gọi cả cái Bán đảo Triều Tiên (Korean Peninsula) bao gồm cả hai nhà nước ở hai miền nam và bắc.

Hàn Quốc tên chính thức là Cộng hòa Triều Tiên (Republic of Korea). Do tên chữ của Hàn Quốc là Đại Hàn Dân Quốc (Daehan Minguk) nên trước 1975, người miền Nam Việt Nam gọi nước này là Đại Hàn. Nam Hàn là tên gọi theo miền Bắc Việt Nam trước 1975 và ở toàn Việt Nam sau đó để chỉ nước này. Lúc đó tôi thích gọi họ là Nam Triều Tiên hơn.

Hàn Quốc có diện tích 100.210 km vuông và hơn 51 triệu dân với thủ đô là Seoul (trước 1975 người Saigon gọi là Hán Thành) nằm ở phần phía nam và CHDCND Tiều Tiên có diện tích 120,540 km vuông và hơn 25 triệu dân với thủ đô là Pyongyang (Bình Nhưỡng) nằm ở phần phía bắc của Bán đảo Triều Tiên. Hai nước Đông Á cùng là thành viên Liên Hiệp Quốc này hiện nay được ngăn cách ở vĩ tuyến 38 (38th parallel).

Bán đảo Triều Tiên bị quân phiệt Nhật Bản thôn tính vào năm 1910. Năm 1945, sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 mà quân phiệt Nhật phải đầu hàng Mỹ và Đồng minh, Bán đảo Triều Tiên bị Liên Hiệp Quốc áp dụng chế độ chính quyền ủy trị (trusteeship administration) và chia làm 2 lấy ranh giới là vĩ tuyến 38, phía bắc là phần do Liên Xô đảm trách, còn phía nam là do Mỹ và Đồng minh bảo trợ. Cuộc Chiến tranh Triều Tiên (Korea War, 1950–1953) giữa hai miền khiến hơn 1,2 triệu người chết đã kết thúc bằng một hiệp định ngừng bắn giữa hai nước Triều Tiên. Và vì chưa ký kết hiệp định hòa bình, về kỹ thuật, hai nước Triều Tiên này cho tới hôm nay vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh với nhau.

Vì lẽ đó, nếu gọi miền bắc Triều Tiên là Triều Tiên thì người Hàn Quốc dễ cảm thấy bị xúc phạm, có thể hỏi “vậy họ là ai?” và với ý nghĩa nào đó dễ bị suy diễn là ta mặc định coi miền bắc mới chính thức là Triều Tiên và sau này có thống nhất thì cũng chỉ là miền Nam trở về “tổ quốc”, quyền chủ đạo là ở Bình Nhưỡng. Suy bụng ta ra bụng người. Kỳ cục kẹo!

Tôi nhớ, hồi trước, ông Trần Bạch Đằng (còn có bút danh Trần Quang) có kể rằng trong chuyến đi thăm Hàn Quốc, ông đã được nước này rất cảm kích, bày tỏ lòng biết ơn, khi ông không gọi họ là Nam Hàn trong bài viết của mình, mà gọi là Đại Hàn. Có lẽ người Hàn Quốc cũng bức xúc khi vẫn bị gọi là Nam Hàn như trong cái thời Bắc Việt. Sau đó, có lẽ với sự tác động của ông Trần Bạch Đằng, Ban Tuyên huấn Trung ương chỉ đạo báo chí từ nay bỏ chữ Nam Hàn mà dùng tên gọi Hàn Quốc. Tôi còn nhớ trong chỉ đạo có giải thích là thể theo nguyện vọng của nhân dân và chính quyền Hàn Quốc. Tôi nghĩ cái tên Hàn Quốc là để tránh “bắt chước” Saigon gọi Đại Hàn. Dù sao, Hàn Quốc có thể coi là viết gọn của Đại Hàn Dân Quốc.

Tôi xin tạt ngang một xíu. Cái tên gọi Trung Quốc lại không phải xuất phát từ tên gọi nhà nước Trung Hoa Dân Quốc (Chunghwa Minkuo) cai quản nước này từ năm 1912 tới 1949 đâu. Sử ghi năm 1912, sau khi Cách mạng Tân Hợi đánh đổ nhà Thanh, kết thúc 2 ngàn năm quân chủ ở Trung Hoa, nhà cách mạng Tôn Trung Sơn đã thành lập Chính phủ lâm thời tại Nam Kinh và tuyên bố kiến lập nước Trung Hoa Dân Quốc. Cuối năm 1949, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dưới quyền của Quốc Dân Đảng bị Đảng Cộng sản Trung Quốc của Mao Trạch Đông đánh bại phải di tản từ Đại lục ra đảo Đài Loan. Vì thế, bây giờ mà gọi Trung Hoa Dân Quốc thì lại là Đài Loan (Taiwan) với tên quốc tế là Cộng hòa Trung Hoa (Republic of China, ROC) có cơ quan hành chính đặt tại Đài Bắc (Taipei) để phân biệt với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa  (People’s Republic of China, PRC) có thủ đô là Bắc Kinh (Beijing).

PHẠM HỒNG PHƯỚC