Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên gặp nhau

Ngày thứ Năm 25-4-2019, cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Triều lần đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, 66 tuổi, và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, 35 tuổi, diễn ra tại thành phố cảng Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông Nga bên bờ Thái Bình Dương không xa biên giới Trung Quốc – Bắc Triều Tiên. Ngày 24-4, truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên phát hình ảnh cho thấy ông Kim từ biệt Bình Nhưỡng để đáp chiếc xe lửa bọc thép huyền thoại của mình đi phó hội ở Nga.

Ông Kim Jong-un đi xe lửa bọc thép đến thành phố cảng Vladivostok (Nga) ngày 24-4-2019.

Cuộc gặp này diễn ra chỉ gần hai tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ hai ở Hà Nội giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim hồi cuối tháng 2-2019 mà không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng, cũng như trong bối cảnh có những nguồn tin cho biết ông Trump đồng ý gặp ông Kim lần thứ ba sau màn “hờn anh giận em” của tình chính trị đùng đùng bỏ về từ Hà Nội.

Sau khi băng qua biên giới ở Khasan để vào Nga, ông Kim nói với truyền hình Nga: “Tôi đến Nga mang theo những tình cảm ấm áp của nhân dân chúng tôi và như tôi đã nói, tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ thành công và hữu ích. Tôi hy vọng rằng trong các cuộc hội đàm với Tổng thống Putin đáng kính, tôi sã có thể thảo luận theo một cách thức rõ ràng và cụ thể các vấn đề có liên quan tới việc giải quyết tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, và về việc phát triển các mối quan hệ song phương giữa chúng ta.”

Chuyện hòa bình và thống nhất Bán đảo Triều Tiên là chuyện nội bộ của người Triều Tiên và là chuyện song phương giữa hai nhà nước Nam và Bắc Triều Tiên. Còn chuyện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên lại là một vấn đề quốc tế. Và rõ ràng, chuyện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên này cũng không thể nào có thể giải quyết tay đôi giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Theo tôi, đây là chuyện của Mỹ, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và tốt hơn nữa là nên có cả Nhật Bản. Đó là các bên không chỉ tham gia thảo luận tìm ra giải pháp khả thi mà còn có trách nhiệm bảo đảm và giám sát thi hành sau này.

Nhưng bất luận thế nào, các bên tham gia cũng phải thấu hiểu cho thực tế của Bắc Triều Tiên để không xử ép hay dồn họ vào đường cùng. Sức mạnh hạt nhân có thể được các nước khác coi là “tử huyệt” của Bắc Triều Tiên, nhưng nó cũng được Bình Nhưỡng nhận thức là cái “gót chân Achilles” của mình. Thực tế đó chính là quân bài hay vốn liếng duy nhất mà Bắc Triều Tiên có thể đem ra mà mặc cả, trả giá trên các bàn thương thảo quốc tế. Đó là lý do mà Bắc Triều Tiên cần phải có được một sự bảo đảm có uy lực và vững chắc để có thể từ bỏ nó.

Cũng cần phải suy diễn chút đỉnh. Phải chăng Bắc Triều Tiên sẽ trở thành một mối quan tâm chung của cả Washington lẫn Moscow để tạo tiền đề cho hai cường quốc này hóa giải những căng thẳng bấy lâu nay giữa nhau?  Đặc biệt là với nghi án phía Nga và ông Trump có dính líu với nhau trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi mà nhà tỷ phú chưa từng làm chính trị Trump đã bất ngờ chiến thắng.

Về phần Bắc Triều Tiên, ông Kim cũng đã công khai mục đích của chuyến thăm Nga này là bàn chuyện tháo gỡ tình hình Bán đảo Triều Tiên. Ngoài Bắc Kinh là chính, Bình Nhưỡng có vẻ muốn tận dụng mối quan hệ phức tạp giữa Moscow và Washington, thậm chí mối quan hệ “đặc biệt” giữa Moscow và Bắc Kinh, để có thể đạt lợi ích hơn cho mình. Một số nhà bình luận quốc tế nghĩ thiện lành rằng chơi với Nga La Tư dù sao cũng ít lo bị ép duyên hơn chơi với xứ sở của Kim Vân Kiều.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.