Thứ Hai ngày 11 tháng 11 năm 2024

Bão người còn nguy hiểm hơn bão trời

Có lẽ nghĩ rằng không nên làm giảm đi sự vui mừng của công chúng sau khi ngày đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Cup 2018, hầu hết các báo trong ngày 16-12-2018 đều không đưa tin hay chỉ đưa “nhỏ nhẹ” về những thương vong do hậu quả của chuyện “đi bão” trên đường gọi là để mừng chiến thắng.

Zing News đưa tin: Thông tin từ Cục Cảnh sát Giao thông cho biết trong ngày đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Cup 2018(15-12-2018), cả nước xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông làm 14 người chết, 10 người bị thương.

Ảnh trích từ clip trên báo VnExpess ngày 16-12-2018.

Báo Thanh Niên cho biết: Trong đêm 15 rạng sáng 16-12-2018, CSGT TP.HCM đã xử phạt 141 trường hợp, tạm giữ 115 phương tiện vi phạm “đi bão” sau khi đội tuyển bóng đá VN lên ngôi vô địch tại Giải AFF Cup 2018.

Có nguồn còn nói rằng con số thương vong và số vụ tai nạn giao thông do “bão” này thực tế còn nhiều hơn những con số nói trên.

Nhiều người am tường nói rằng thực tế đại đa số những người “đi bão” bóng đá thuộc dạng ăn theo, thậm chí chẳng biết hay chẳng mê bóng đá.Có coi qua những video quay cảnh “đi bão” mới thấy người ta bất chấp luật pháp nên dẫn tới coi thường mạng sống của mình và của người khác. Và chính những người này đã làm cho hoen ố hình ảnh bóng đá, làm cho bóng đá xấu xí đi.

Thực tế, phải công bằng mà nói rằng, bản thân bóng đá không hề có tội. Đội tuyển Việt Nam nói chung, hay từng tuyển thủ, huấn luyện viên nói riêng cũng không thể bị quy trách nhiệm về cái vấn nạn vui quá độ tới lầy lội của một bộ phận công chúng. Mọi chuyện đều bởi những người đu theo sự kiện.

Tôi tin chắc như đinh đóng cột bêtông mác maximum rằng các người anh chị em thiện lành thiệt sự yêu bóng đá nói chung và thiệt sự mê giò cẳng ai đó đều có các cách thể hiện niềm vui, nỗi buồn một cách có chừng mực, văn minh – văn hóa đầy thần thái. Và không ai trong họ đồng tình mà không đồng tính với những hành vi phản bóng đá như vậy. Họ cũng giống như tôi, chẳng bao giờ thấy vui và nhẹ lòng khi những niềm vui chiến thắng của bóng đá bị lạm dụng để có mặt trái là nỗi ám ảnh, kinh hoàng đối với cộng đồng nói chung. Tôi rón rén nghĩ, có lẽ đã tới hồi chính các người anh chị em thiện lành này chung tay góp sức làm cho niềm vui bóng đá thiệt sự là niềm vui, không tiếp tục để bóng đá bị ai đó lợi dụng để thỏa mãn cái ham muốn được… nổi loạn của họ. Còn làm như thế nào thì có lẽ bắt đầu ngay từ hành động tự làm gương và không thỏa hiệp với “bão bóng đá”.

Nhân tiện, tôi cũng không thể đồng tình với quan niệm rằng đã vui là phải vui tới bến, thậm chí có người còn nâng tầm quan điểm rằng “ngay cả cái niềm vui mà cũng phải kiềm chế hay sao?” Không ai cấm ai vui, chỉ có không nên quá đà dẫn tới vượt đèn đỏ, lấn làn, leo lề,… gây ra những hệ lụy không chỉ cho mình mà cho những người khác. Không thể nhân danh tự do cá nhân hay niềm vui cá nhân mà muốn làm gì thì làm. Bất cứ nước nào trên hành tinh này cũng đều phải có pháp luật để kiểm soát quyền tự do cá nhân để nó không làm hại cho người khác hay cho cả xã hội.

Diễn hành mừng chiến thắng hoàn toàn không phải là “đi bão”!

Tôi rất tiếc khi không ít đồng nghiệp làm báo của mình trong vũng lầy lốc xoáy cạnh tranh và câu view đã buông thả mình để trực tiếp hay gián tiếp, ỡm ờ hay lồ thị lộ cỗ súy cho chuyện “đi bão” thay vì làm chức năng “hướng dẫn dư luận” vào nẻo vui lành mạnh tốt cho tất cả thập loại chúng sanh.

Mà từ khi nào có người coi chuyện đã vui là có thương vong thành chuyện thường ngày ở xứ Việt quốc?

PHẠM HỒNG PHƯỚC