Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Ngày giỗ Hai Bà Trưng – mang phấn son tô màu sơn hà, nợ nước phó tay người nhi nữ

Hôm nay là ngày mùng 6 tháng 2 năm Kỷ Hợi (11-3-2019) – ngày giỗ của Hai Bà Trưng. Nhạc sĩ Thẩm Oánh từng viết về hai Bà Trưng là người “mang phấn son tô màu sơn hà, nợ nước phó tay người nhi nữ”.

Ngày 27-2-1974, Bưu chính VNCH ở miền Nam đã phát hành bộ tem thư 3 mẫu kỷ niệm Hai Bà Trưng. Và đây là bộ tem cuối cùng của VNCH kỷ niệm 2 chị em nữ anh hùng của dân tộc Việt chống quân Đông Hán phương Bắc xâm lược nước Việt. Cuộc khởi nghĩa của Trưng Trắc và Trưng Nhị diễn ra vào năm 40. Sau khi chiến thắng đánh đuổi quân của thái thú Tô Định, kết thúc thời Bắc Thuộc lần thứ nhất, hai bà lập nhà nước đóng kinh đô tại Mê Linh. Bà Trưng Trắc lên ngôi gọi là Trưng Nữ Vương (hay Trưng Vương). Năm 43, sau khi bị quân của Mã Viện đánh bại trận, hai chị em Bà Trưng đã gieo mình xuống sông Hát Giang tự vẫn. Nước Việt vào thời Bắc Thuộc lần thứ Hai.

Các bộ phong bì tem ngày phát hành đầu tiên của bộ tem Hai Bà Trưng ngày 27-2-1974 của Bưu chính VNCH.

Trước năm 1975, chính quyền VNCH chọn ngày giỗ Hai Bà Trưng làm ngày Phụ nữ Việt Nam.

Ngày 10-11-2017, trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC ở Đà Nẵng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho rằng đất nước Việt Nam cũng có cùng tư tưởng dân tộc (đặt đất nước mình lên hàng đầu) như dân tộc Hoa Kỳ (khẩu hiệu hành động của ông là America First), từ gần 2.000 năm qua. Tổng thống Hoa Kỳ nói: “Đó là khoảng năm 40 sau công nguyên, khi Hai Bà Trưng khơi dậy tinh thần của những người dân đất nước này. Đó là lần đầu tiên dân tộc Việt Nam đứng lên vì nền độc lập và niềm tự hào dân tộc của các bạn.” Ông Trump nhấn mạnh: “Những người yêu nước trong lịch sử nắm giữ những câu trả lời cho tương lai của chúng ta. Họ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là ai, chúng ta cần phải làm gì…”

Tôi ghi những dòng này như những nén tâm hương kính viếng Hai Bà Trưng – hai nữ anh hùng dân tộc Việt đã dẫn tới câu châm ngôn: Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh.

Nhân ngày Giỗ Hai Bà Trưng 2019, xin mời các bạn nghe lại ca khúc Trưng Nữ Vương của nhạc sĩ Thẩm Oánh được nhà xuất bản Tinh Hoa (Hà Nội) in lần đầu năm 1951. Thẩm Oánh sinh ngày 14-8-1916 tại Hà Nội, dạy âm nhạc tại một số trường như Trưng Vương, Chu Văn An,… ở Hà Nội. Từng là Giám đốc Đài Phát thanh Hà Nội do chính ông thành lập năm 1945 thay cho đài của Pháp. Ông di cư vào Nam năm 1954, làm hiệu trưởng trường Ca Vũ Nhạc, Chủ sự Phòng Văn nghệ và Ngoại ngữ của Đài Phát thanh Saigon. Sau năm 1975, ông dạy Pháp văn tại một số trường ở TP.HCM. Ông sang Hoa Kỳ năm 1991 và định cư tại bang Virginia. Ông mất tại Hoa Kỳ ngày 10-1-1996, thọ 80 tuổi.

Nhạc sĩ Thẩm Oánh là tác giả của hơn 1.000 bản nhạc, nhưng những bản đắc ý nhất, được phổ biến rộng rãi nhất chỉ chừng vài chục bài. Nhạc của ông có thể được chia thành 4 nhóm đề tài: Nhạc anh hùng ca, Nhạc Phật giáo, Nhạc nhi đồng, và Nhạc tình cảm.

Tôi xin phép giới thiệu ca khúc Trưng Nữ Vương với một số sắc thái, tùy gu thưởng thức của các bạn. Xin đừng để ánh mắt của mình bị dính những hạt bụi mà mình nghĩ là “bụi bặm chính trị” phù vân phù du.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh từ Internet. Thanks.

Ca khúc Trưng Nữ Vương của nhạc sĩ Thẩm Oánh với dàn Hợp ca Đài Phát thanh Saigon trước 1975.

Hoạt cảnh Trưng Nữ Vương – Les Reines Trung do Tổng hội Sinh Viên Việt Nam ở Pháp tổ chức nhân Tết THSV Paris AGEVP 31-3-2013.

Ca khúc Trưng Nữ Vương của nhạc sĩ Thẩm Oánh do các cựu nữ sinh Trưng Vương nhiều niên khóa trình diễn tại Hoa Kỳ ngày 20-3-2016.

Ca khúc Trưng Nữ Vương của nhạc sĩ Thẩm Oánh do các phụ nữ Việt kiều ở bang Victoria (Úc) trình diễn trong ngày lễ Hai Bà Trưng tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương bang Victoria ngày 8-3-2017.

Ca khúc Trưng Nữ Vương của nhạc sĩ Thẩm Oánh do các cựu nữ sinh Trưng Vương nhiều thế hệ trình diễn trong Lễ hội truyền thống Trưng Vương 30-3-2014 tại trường PTTH Trưng Vương (TP.HCM).