Thứ Bảy ngày 27 tháng 4 năm 2024

Lạm dụng AI mất tính chân thật

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Xin mời bạn hãy đọc lời chúc Tết này:

Xin chúc mừng năm mới, năm Giáp Thìn, đánh dấu sự khởi đầu mới của một chu kỳ mới đầy ý nghĩa. Chúc bạn và gia đình một năm mới tràn đầy niềm vui, sức khỏe dồi dào, và hạnh phúc bền vững.

Chúc bạn có một năm mới thắng lợi, đầy may mắn và được bảo vệ bởi sự an lành. Xin kính chúc Quý vị và gia đình một cái Tết sum vầy, đong đầy tình thân, và tràn ngập niềm hạnh phúc. Chúc cho mọi việc thuận lợi, công việc phồn thịnh, và sự nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Chúc mừng năm mới, vạn sự như ý!

Quả là một lời chúc Tết bài bản, đáng được 7, 8 điểm. Chỉ có điều, lời chúc Tết này không phải do con người chính tay viết mà được trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. Cụ thể là ứng dụng AI ChatGPT 3.5 đã tổng hợp ra lời chúc này từ yêu cầu của người dùng: “Viết giùm lời chúc Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024”.

Tết năm nay trên mạng sẽ bung lụa với vô số ứng dụng chúc Tết do công nghệ AI hỗ trợ. Bên cạnh các ứng dụng của những “ông lớn công nghệ” như Microsoft Copilot, Google Bard, hay ChatGPT của OpenAI, còn có rất nhiều ứng dụng khác, trong đó có không ít ứng dụng của Việt Nam. Và không chỉ với lời chúc bằng văn bản, người dùng còn có thể nhờ AI tạo ra những tấm thiệp Tết bằng hình và video.

Thiệp chúc Tết Giáp Thìn do AI tạo ra.

Thích thì thích thiệt, và tiện lợi nữa. Nhưng chắc chắn không ít người sẽ bị tụt cảm xúc khi biết những lời chúc Tết đó do “người máy” tạo ra. Chúng không còn chuyên chở những tình cảm, cảm xúc chân thật của người chúc. Và lẽ đương nhiên, những lời chúc Tết này bị coi là “đầu môi chót lưỡi”, không còn được trân trọng nữa.

Từ lâu, người ta đã cảnh báo về sự lạm dụng AI trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Sự lạm dụng này khiến cho con người bị lười đi, lười động não. Trước đây, cuộc cách mạng tự động hóa bằng máy móc đã giúp con người giảm bớt những công việc tay chân, thể xác; nhưng nếu lạm dụng lại khiến con người lười hoạt động, trở nên yếu ớt đi. Ngày nay, công nghệ AI lại ảnh hưởng tới hoạt động trí óc con người.

Không ai phủ nhận được những lợi ích do AI đem lại cho cuộc sống con người. Nhưng vấn đề là con người phải biết ứng dụng AI một cách hiệu quả, đúng lúc, đúng nơi. Việc lạm dụng AI, cho dù không phải cho những mục đích xấu, vẫn không có lợi cho người sử dụng.

Giới chuyên môn cũng lưu ý rằng trong bối cảnh bùng nổ ứng dụng AI, Tết năm nay sẽ xuất hiện thêm nhiều ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh cá nhân, sáng tạo từ hình ảnh người dùng. Vui thật đó, nhưng người dùng cần thận trọng chỉ sử dụng những ứng dụng từ những nhà cung cấp đáng tin cậy. Việc lạm dụng những ứng dụng “biến hóa gương mặt” có thể khiến người dùng bị “trộm nhân dạng” để sử dụng cho những mục đích không hay ho, thậm chí có hại.

Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo rằng đa số hoạt động chỉnh sửa khuôn mặt trên mạng có yêu cầu cung cấp hình ảnh khuôn mặt cá nhân, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn thông tin. Ông Nguyễn Duy Khiêm, đại diện Cục, cho biết: “Ngoài việc yêu cầu người sử dụng cung cấp hình ảnh, đa số các ứng dụng còn yêu cầu quyền cập kho ảnh, camera điện thoại, cũng như truy xuất địa chỉ email, số điện thoại,… Trên cơ sở đó, nhà cung cấp dịch vụ có thể thu thập thông tin, xử lý thông tin cá nhân của người sử dụng với những mục đích khác nhau.”

Thực tế thì với các hình ảnh chân dung cá nhân do chính người dùng cung cấp, các chủ ứng dụng có thể chế biến ra những hình ảnh khác, thậm chí làm dữ liệu của lừa đảo deepfake gây nhiều hậu họa khôn lường.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 10-1-2024 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN