Định danh và xác thực bằng cấp bằng công nghệ
Vấn nạn bằng cấp và chứng chỉ giả, bằng không hợp pháp suốt nhiều năm nay vẫn nóng hổi tính thời sự. Không ai có thể tính nổi có bao nhiêu gấy tờ chứng nhận học lực giả mạo đang lưu hành, mà chỉ nóng lên mỗi khi có liên quan tới một nhân vật có tên tuổi, chức tước nào đó. Chỉ thấy rõ rằng những quảng cáo dịch vụ làm bằng giả vẫn đầy trên mạng, như một thách thức.
Và đây cũng là một vấn nạn toàn cầu chứ không phải chỉ có ở Việt Nam – nơi vẫn chuộng bằng cấp hơn thực lực và vẫn coi trọng những tấm bằng in trên giấy. Chẳng hạn, tờ Nature hồi tháng 11-2024 kể câu chuyện về một người đàn ông lớn tuổi tên André Hesselbäck đã ròng rã suốt 22 năm qua săn tìm các tổ chức lừa đảo và các trường đại học ma cung cấp bằng giả. Công việc của ông Hesselbäck trải dài trên nhiều khu vực, nhưng trọng tâm chính hiện tại của ông là Nam Á, nơi có lượng sinh viên lớn và nhiều trường đại học không được các tổ chức công nhận công nhận. Ông ước tính rằng, trong một số lĩnh vực bao gồm kinh tế và kỹ thuật, “10%-15% lực lượng lao động là sinh viên tốt nghiệp từ các trường cấp bằng hoặc các trường không được công nhận, kém chất lượng” ở một số quốc gia. Theo ước tính của ông Allen Ezell. một đặc vụ FBI nghỉ hưu, “nghề kinh doanh bằng giả” trên thế giới có quy mô khoảng 7 tỷ USD một năm.
Ảnh do AI Microsoft Copilot DALL-E 3 tạo. Thanks.
Các chuyên gia cho biết: trong cuộc chiến chống bằng giả, song song với việc cơ quan chức năng truy tìm các nguồn cung cấp bằng giả để triệt phá, cơ quan quản lý nhà nước cần phát triển các biện pháp ứng dụng công nghệ để định danh và xác thực bằng cấp, chứng chỉ.
Ngày 19-12-2024, Trường Cao đẳng Huế đã công bố bản quyền phần mềm tự xác thực giấy tờ. Trên mỗi tấm bằng của trường đều được tích hợp con chip NFC/RFID, khi người dùng sử dụng smartphone chạm vào sẽ hiện ra hình ảnh và thông tin của văn bằng có xác thực của trường. Và để xác định đây là văn bằng thật hay giả, người dùng có thể dùng ứng dụng Nomion để xác minh từ cơ sở dữ liệu trên blockchain, nếu là bằng thật sẽ hiện lên thông tin đầy đủ, còn nếu là bằng giả sẽ lập tức hiện lên cảnh báo đây không phải là văn bằng gốc.
Đây là một ý tưởng tốt, nhưng chỉ giới hạn ở một trường. Nếu mỗi trường đều phát triển ứng dụng xác thực riêng thì sẽ gây rối, có nguy cơ lộ lọt thông tin cao và gây nhiều tốn kém. Đó là chưa kể tính pháp lý ra sao để các nơi tiếp nhận bằng có cơ sở pháp lý sử dụng.
Tốt nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển website và ứng dụng chuyên biệt giúp các nơi có yêu cầu có thể đăng nhập và kiểm tra các loại bằng cấp, chứng chỉ. Bộ chuyên ngành này là nơi tập hợp các cơ sở dữ liệu về bằng cấp, chứng chỉ của các nhà trường trong cả nước. Bên cạnh đó, ứng dụng định danh điện từ công dân VNeID cũng cần tiến hành tích hợp tính năng xuất trình các loại bằng cấp, chứng chỉ đã được xác thực. Và cần nhất vẫn là các biện pháp này phải được pháp lý hóa.
Khi coi như “bó tay” trước các chiếc vòi bạch tuộc cung cấp bằng giả, việc dùng công nghệ để xác thực từ gốc chắc chắn sẽ giúp giảm được đáng kể tình trạng sử dụng bằng cấp giả.
Bản in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 29-12-2024 và trên báo NLĐ Online.
NGÔ LÊ