Thứ Hai ngày 29 tháng 4 năm 2024

Có phải đây là “hoa ưu đàm của Phật”?

Vào cái ngày đặc biệt của trăm năm 12-12-2012, ông anh tôi từ dưới quê ở Long An gọi lên hỏi tôi rằng cái chuyện hoa ưu đàm đang sôi nổi trên web có thiệt không? Thú thiệt, nghe ông anh nói tôi mới biết – có lẽ một phần do tôi không phải là Phật tử. Khi biết ông anh đang có loài hoa này, tôi nói anh mô tả và chụp ảnh gởi cho tôi. Giàng ơi, loài hoa trong ảnh ông anh chụp y chang như các hình ảnh gọi là hoa ưu đàm đang có trên Internet.

Theo từ điển bách khoa Wikipedia, hoa ưu đàm còn gọi là ưu đàm bát la, ưu đàm ba la, ưu đàm bạt la, ưu đàm bà la, ô đàm bà la, ô đàm la, ưu đàm bát, ưu đàm, ô đàm, là phiên âm Hán-Việt của từ “udumbara” trong tiếng Phạn hay tiếng Pali, có nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ Trời”, có truyền thuyết nói rằng “3.000 năm mới nở một lần”. Theo kinh Phật, loài hoa này nở để báo hiệu chuyển luân vương hoặc một vị Phật giáng sinh. Kinh văn nhà Phật đều có nói về loài hoa ưu đàm thường tượng trưng cho những gì hiếm có khác thường, chỉ trên tiên giới, không có ở trần gian. Hoa chỉ xuất hiện khi có Đức Phật hay vị Kim Luân Vương, Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện, đó là điềm lành hiếm có của nhân gian. Có hai giả thuyết khác nhau về việc nó nở ra sao. Một cho rằng, loài hoa chỉ nở 3.000 năm một lần. Thuyết khác lại cho rằng nó nở 12 năm một lần để báo hiệu. Việc đề cập thời gian nở của hoa ưu đàm 3.000 năm một lần mang ý nghĩa biểu tượng hơn là nghĩa thực của nó. Kinh Phật có ghi vào thời khắc Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời có hoa ưu đàm nở, tức là thể hiện sự hiếm hoi lắm nhân loại mới gặp được một vị Phật tại thế.

Cũng theo theo Wikipedia, hoa ưu đàm xuất hiện trong các chương 2 và 27 của Diệu pháp Liên Hoa Kinh, một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng nhất. Từ trong tiếng Nhật udonge (ưu đàm hoa) được thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền (1200-1253) sử dụng để nói tới hoa của cây ưu đàm hoa trong chương 68 của Chính pháp Nhãn tạng (shōbōgenzō). Đạo Nguyên đặt khung cảnh của hoa ưu đàm trong hoa thuyết pháp được Thích-ca Mâu-ni đặt trên đỉnh Kền kền.

Từ điển Phật học Hán Việt giải thích: hoa ưu đàm, tiếng Phạn là Udumbara, Trung Quốc dịch là Ô-đàm, gọi đầy đủ là Ưu-đàm-bát-la, Ô-đàm-bạt-la, Ô-đàm-bát-la, Uất-đàm, Ưu-đàm-bát hoa, gọi tắt là Đàm hoa, dịch nghĩa là hoa Linh thụy (điềm lành linh thiêng), hoa Thụy ứng (hoa ứng hiện điềm lành), hoa Không khởi.

Có một số tư liệu nói rằng loài cây ưu đàm của nhà Phật có kích thước to lớn, thân cây cao hơn một trượng (3,33m); lá có hai loại: một phẳng trơn, một thô nhám, cả hai loại lá đều dài khoảng 4,5 tấc ta (15cm), nhọn đầu. Hoa lưỡng tính rất bé, mọc kín ở lõm sâu trong đài hoa nên thường nhầm là loại cây không hoa.

Theo trang Tin Mới (15-8-2012), Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Phật giáo Việt Nam, cho biết: “Tôi chưa được nhìn trực tiếp nên không rõ đó là hiện tượng gì. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó là tin đồn nhảm và là sự việc phi logic vì không có cơ sở nào để cho thấy một loài hoa có thể mọc được trên chất liệu bằng đồng, nhôm…”. Trang Tin Mới nói thêm: Theo tài liệu của nhà Phật, hoa ưu đàm có cây, có lá, thân cây cao lớn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là các khái niệm được đọc chứ bản thân Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu và hàng ngàn người tu hành khác chưa bao giờ được trực tiếp biết về hoa ưu đàm.

Hồi tháng 6-2012, với những mẫu vật do nhà báo thu thập tại Hải Phòng, qua kính hiển vi có độ phóng đại 400 lần, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Trịnh Tam Kiệt, Phòng Công nghệ và giống gốc nấm, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã khám phá những nét đẹp trong như pha lê của loài “hoa” này. Bước đầu nghiên cứu GS Kiệt cho hay, đây không phải là hoa mà là sinh vật bậc thấp chưa có cấu trúc mô. Đồng thời, đây không phải là thực vật, không phải loài nấm chính thức. Nhiều khả năng cho thấy đây là nấm nhầy với cơ thể là một khối nhầy. (Tham khảo: “Hoa Ưu Đàm” qua kính hiển vi long lanh như thủy tinh.)

PHP và chiếc lá sưa có loài hoa lạ. Ảnh chụp ngày 15-12-2012).

Bây giờ trở lại chuyện loài hoa lạ của ông anh tôi. Vào dịp đám giỗ 3 năm của mẹ chúng tôi hồi tháng 7-2012, ông anh đem về nhà ươm trồng mấy cây giống của cây sưa. Mấy tháng sau đó, trong lúc đang tỉa bớt lá của mấy cây sưa giống này, anh phát hiện trên một chiếc lá bị cắt rơi xuống đất có những “tua” (râu) tí hon mà mình chưa từng thấy bao giờ. Thấy lạ, anh cất chiếc lá có những “tua” lạ đó vào tủ kính rồ quên mất tiêu. Chừng 2 tháng sau, vào ngày 12-12-2012, khi mở tủ kính lấy con ngựa búp bê ra cho đứa cháu ngoại ở Canada (qua webcam) coi, ông anh tôi “gặp lại” chiếc lá kia. Lá đã bị héo nhưng những chiếc “tua” vẫn tươi như ban đầu. Xin lặp lại, hôm đó là 2 tháng sau khi phát hiện thấy chúng.

PHP và ông anh có loài hoa lạ. Ảnh chụp ngày 15-12-2012.

Ngày 15-12-2012, mấy anh em tôi tụ họp lại nhà ông anh để mừng sớm sinh nhật của người mẹ quá cố (25-12). Tất nhiên là tôi đã được mục sở thị loài hoa lạ mọc trên lá cây sưa đó.

Hàng chục tua trắng gần như trong suốt trông như những cọng lông heo (xin lỗi ví von hơi “ngả mặn” một chút) mọc thẳng lên với chỗ ngọn tua là một đốm nhỏ xíu màu trắng đục có hình dáng tròn tròn và như đóa hoa tulip thu nhỏ. Thật sự trông giống như những cành hoa tí hon. Chúng mọc thành hàng dài trên một chiếc lá cây sưa.

Với những gì mình hiểu biết, tôi nghĩ ngay đây có thể là một loài nấm ký sinh nào đó. Bào tử của nó có thể theo gió bay tới đậu trên chiếc lá cây sưa này rồi phát triển. Cũng có thể chúng đã có sẵn dưới dạng “hoa” hoàn chỉnh (mà không để ý) hay dưới dạng bào tử trên một cây sưa giống mà ông anh tôi trồng.

Tôi chớ hề có đủ cứ liệu để xác định đây là loài gì. Nhưng rõ một điều là chúng rất ấn tượng và đẹp. Vì thế cho dù đó có phải là loài hoa ưu đàm của nhà Phật như trên các phương tiện truyền thông đang bàn tán ì xèo hay không, được tận mắt nhìn thấy chúng cũng thật thú vị – đặc biệt khi mà loài “hoa lạ” này vẫn còn đang được các nhà khoa học nghiên cứu khám phá (chỉ nội với cái vụ các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ về chúng cũng đủ sướng rồi). Mà rõ rành rành đây là một “sinh vật” hiếm có, trước nay chớ hề có nhiều người có cơ duyên được “diện kiến” chúng. Những “cây hoa” này trông mong manh vậy mà bền chắc lắm, thậm chí khi tôi di chuyển chiếc lá có chúng mà chúng vẫn chẳng lung lay.

Một người bạn Việt kiều Mỹ thuộc diện tu tại gia kể rằng cách đây chừng 10 năm có theo đoàn hành hương sang Tây Tạng và tận mắt nhìn thấy loại hoa lạ này mọc từ cây bồ đề của Đức Phật. Cô mô tả nó y chang như những gì tôi thấy hôm nay và nói rằng sinh vật là này tồn tại tới gần 6 tháng rồi biến đi đâu mất. Cô cho biết ở Tây Tạng người ta cũng cho đây là loài hoa của Phật, là điềm lành mà ai có cơ duyên mới được nhìn thấy tận mắt.

Bất luận thế nào, tôi gọi chúng là “sinh vật lạ” mà mình hên quá chừng được mắt thấy – tai nghe – tay chạm. Và tôi chỉ chia sẻ với mọi người theo ý nghĩa như vậy! Giàng ơi, có điềm hên, sự lành mà không chia sẻ cùng nhau thì coi chừng 3.000 friend FB rượt tôi chạy tóe khói văng ra khỏi cõi ta bà Mạng với Net! Và vì những lý do cực kỳ tế nhị, tôi cũng chỉ có thể mời các bạn cùng thưởng lãm trên Internet như thế này. Có gì, xin hẹn bạn 3.000 năm tới nhé..

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 15-12-2012)

MỘT SỐ HÌNH ẢNH LOÀI HOA LẠ ĐƯỢC CHO LÀ HOA ƯU ĐÀM

(Ảnh PHP chụp ngày 15-12-2012)