Cảm nghĩ về nước Mỹ nhân ngày Fourth of July và World Cup bóng đá nữ
Hôm nay, Fourth of July, ngày mừng lễ Độc lập của Mỹ. Một ngày đã trở thành biểu tượng của thế giới với nhiều nghĩa. Chiều hôm Fourth of July, vợ chồng chúng tôi đi xem đốt pháo bông ở sân vận động tỉnh Milpitas, hạt Santa Clara (California). Milpitas là một thung lũng nhỏ với những đồi cỏ bao quanh. Vào mùa xuân những đồi này được phủ kín bởi cỏ xanh xen lẫn những đóa hoa đỏ và vàng rất đẹp. Bây giờ là mùa hè, cỏ đã khô, chúng phản chiếu một màu vàng duy nhất của nắng chiều.
Trong sân vận động rất đông người. Tôi thấy ở đó một dạng thức biểu lộ những gì gọi là tinh thần nước Mỹ. Bạn hãy tưởng tưởng một đám đông người sát kề nhau, có thể nói là mặt đối mặt, nhưng họ không hề đụng chạm nhau, và ngay cả không nhìn vào mặt nhau. Người Mỹ không có thói quen xâm phạm đời tư kẻ khác, dù chỉ bằng ánh mắt. Trước mặt tôi, một cô “hippie” đi qua đi lại, tay dí cái cell phone vào tai, cười nói lung tung. Có bà Ấn Độ cuốn nguyên tấm áo sari và giữa trán có điểm một nốt son bước đi lững thững. Có những người da đen nhảy loi choi theo điệu nhạc. Nhưng cặp uyên ương da trắng uốn éo thân mình. Và những gia đình Á Châu, như Việt Nam, quây quần ngồi ăn chả giò và bánh mì thịt. Đối với người Việt, đã gọi là lễ hội mà không có ăn sao đặng.
Hình ảnh trên cụ thể hóa biểu tượng melting pot (nồi thức ăn thập cẩm) của xã hội Mỹ. Dân Mỹ là tập hợp của tất cả mọi chủng tộc trên địa cầu. Họ trộn lẫn vào nhau như các thức ăn trong một nồi thập cẩm. Nhưng, nhìn kỹ trong nồi đó, rau muống vẫn riêng là rau muống, khoai tây vẫn riêng là khoai tây, nho vẫn là nho, cheese vẫn là cheese… chứ không bị nghiền tan thành một dung dịch duy nhất. Người ngoại quốc có thể tự hỏi, với những cá biệt chủng tộc như vậy làm sao có đoàn kết. Chính điều này là nét đặc thù của tinh thần Mỹ, một tinh thần như nét gạch nối giữa hai cực văn hóa đối nghịch. Chẳng hạn nước Mỹ rất rộng lớn, bề ngang của nó kéo dài từ bờ Thái Bình Dương qua tới bờ Đại Tây Dương. Bề dọc của nó kéo dài từ mũi Alaska tận đỉnh Bắc Mỹ xuống tới Hawaii ở Á Châu. Về chiều cao Mỹ đã vươn tới Mặt trăng và vừa lên tới Hỏa tinh. Tuy nhiên người Mỹ lại không vươn tới nhà người hàng xóm chỉ cách vài bước kế bên. Mỹ là nước đầu tiên xóa bỏ chế độ nô lệ kỳ thị da đen. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ với câu: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Thượng đế ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm; quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” là một tư tưởng cách mạng tuyệt vời. Ý thức đó đã cho Mỹ một Tổng thống da đen, là ông Obama hiện nay. Tuy nhiên họ vẫn còn những cá nhân chưa gạt bỏ được óc kỳ thị chủng tộc. Nước Mỹ là một quốc gia giàu có nhất thế giới. Đồ ăn thức uống làm sẵn trong tiệm mà bán không hết trong ngày, họ đổ vào thùng rác. Mọi người đều tin rằng không thể có ai bị chết đói ở Mỹ. Tuy nhiên Mỹ vẫn có nhiều dân vô gia cư nằm ngủ trong bụi cây và ăn xin ngoài đường phố. Một du khách Ần Độ, với cái tên khó đọc Aniruddh Chaturvedi, kể rằng khi anh nói với các bạn ở quê nhà: bên Mỹ nhà nào cũng có ô tô. Sau khi mua món hàng, trong vòng 30 ngày nếu mình không thích, mình có quyền trả lại, “các bạn tôi không ai tin”. Mỹ còn có những chuyện khó tin to lớn hơn thế. Mỹ chấm dứt Thế chiến thứ hai. Mỹ diệt bệnh Ebola. Có thể nói, không có tai nạn nào trên thế giới mà Mỹ không bỏ ra hàng triệu dollar để cứu giúp.
Xem thế, Mỹ không phải là một quốc gia tuyệt hảo, điều này dễ hiểu. Nhưng điều khó hiểu ở chỗ nó có nhiều ưu điểm vượt trội khó tìm thấy ở những quốc gia khác. Đầu tiên, với một khối “hợp chủng” nghèo, khai quốc từ vùng đất hoang, mà mới trải qua 240 năm, tại sao Mỹ có thể vượt trội những nước đã có cơ sở hàng ngàn năm. Nó phải có một sức mạnh ẩn tàng nào đó để gọi là tinh thần Mỹ. Tinh thần này đã nâng nước Mỹ lên hàng cường quốc.
Liền kế sau ngày July 4th là trận World Cup bóng đá nữ ở sân BC Place Stadium, Vancouver (Canada). Đó là trận chung kết giữa hai đội Mỹ và Nhật Bản. Sân vận động BC Place chỉ có sức chứa khoảng 60 ngàn người. Người Mỹ vội đổ xô đến Vancouver khoảng 52 ngàn người để ủng hộ đội banh nhà. Nếu có thể vào được sân vận động thì họ chiếm gần hết số ghế. Những người may mắn mua được vé, họ ngồi chung vào một nơi trên khán đài. Họ vẽ hình lá cờ Mỹ trên mặt, trên người, và cầm cờ Mỹ. Họ muốn cho thế giới biết họ là người Mỹ.
Nhưng họ là những ai. Họ là người đủ mọi chủng tộc tiêu biểu cho cái “melting pot” của dân tộc Mỹ. Họ cũng giống như những người đứng trong sân vận động ở tỉnh Milpitas để xem đốt pháo bông. Khi pháo bông bắn lên tất cả cùng la lên một tiếng chung “Wow! Wow!”, lẫn trong tiếng nhạc God Bless America. Những người khác chủng tộc ngồi bên nhau trên khán đài ở Vancouver cũng đều la hét như nhau để cổ võ đội nhà. Hơn lúc nào hết, dù họ khác nhau, nhưng đều có một tinh thần quốc gia giống nhau. Đó là sức mạnh đoàn kết trong một niềm tin vào những giá trị nhân bản của những người tự do.Theo tôi, đó là sức mạnh của nước Mỹ. Khi cần, sức mạnh đó sẽ vượt qua những dị biệt chủng tộc để thành một khối ý chí duy nhất.
ĐỖ NGỌC TRANG
(Cựu Giáo sư Việt văn Trung học Công lập Kiến Tường trước 1975, hiện định cư tại California)