Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Cà phê vẫn sạch cho dù bị truyền thông bẩn

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

Đêm qua, Chủ nhật 22-4-2018, chỉ còn 2 ngày nữa là hết hạn đưa cái mặt mốc của mình ra cho nhà mạng di động chụp một cái pô ảnh lưu hồ sơ nhận dạng, tôi có một giấc mơ trong giấc ngủ muộn vì mê tụng phim season nhiều episode trên Netflix.

Bác Ba Phi dùng smartphone dual-camera màn hình tràn viền 18.5:9 thực hiện một cuộc live stream trên YouTube và Facebook tra vấn tôi.

+ Bác Ba Phi: Đối tượng nào uống cà phê rang xay nhiều nhất?

– Tôi: Người lao động chân tay, người làm việc văn phòng, người nghèo, người nông thôn và những người ghiền cà phê.

+ Nơi đâu tiêu thụ cà phê rang xay nhiều nhất?

– Các tiệm quán cà phê, đặc biệt là các quán cóc, quán dù,… tại bất cứ hang cùng ngõ hẹp, thôn Đoài, xóm Đông trên cả nước.

+ Ai sản xuất ra cà phê hột để rang xay?

– Nông dân trồng cà phê, đặc biệt là ở những vùng chuyên canh cây cà phê.

+ Cà phê rang xay thuộc loại cà phê nào?

– Cà phê truyền thống.

+ Vậy nếu như bá tánh râm ran đồn thổi rằng “cà phê rang xay bị bẩn” thì ai sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, nặng nhất?

– Tất cả các đối tượng ở phần trả lời phía trên.

+ Bạn có còn nhớ những vụ xìcăngđan thực phẩm truyền thống bị truyền thông bẩn xuyên tạc để dọn đường cho thực phẩm công nghiệp từng sốt nóng ở xứ Việt không?

– Lâu quá, chủ yếu thì do liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc quá nên nhớ hỗng nổi. Chỉ nhớ là hồi tháng 5-2007, từ báo chí mà bùng nổ ra vụ “nước tương lên men truyền thống chứa chất gây ung thư 3-MPCD”. Sau khi thiên hạ hoang mang, hốt hoảng, nhìn những chai nước tương truyền thống truyền từ tổ tiên bằng con mắt đầy những dấu hỏi thì trên một loạt báo đài xuất hiện trận bão quảng cáo cho những loại nước tương công nghiệp của Tập đoàn M. “không chứa 3-MCPD”. Vụ thứ hai là tới nước mắm truyền thống nổ ra giữa tháng 10-2016 khi báo chí đua nhau đưa tin Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam VINATAS kết luận: 67% mẫu nước mắm truyền thống mà họ lấy trên thị trường để kiểm nghiệm có hàm lượng Arsen vượt ngưỡng cho phép. Họ lập lờ không nói rõ đó là chất Arsen vô cơ (một loại á kim cực độc mà dân gian quen gọi là “thạch tín”) bị thêm vào hay chất Arsen hữu cơ không độc tồn tại tự nhiên trong hải sản – nguyên liệu làm nước mắn truyền thống. Chỉ vài ngày sau, trên báo chí rộ lên bão quảng cáo nước mắm công nghiệp của Tập đoàn M. “không chứa Arsen”. Còn vụ cũng từ báo chí rộ lên chuyện “cà phê (trộn, nhuộm) pin” trung tuần tháng 4-2018 thì chưa biết ngọn nguồn. Trước đó chỉ đọc tin là hồi tháng 12-2017, Tập đoàn M. đã bỏ ra 1.700 tỷ đồng thâu tóm 100% cổ phần của công ty Vinacafé Biên Hòa ra đời từ năm 1968 để đẩy mạnh sản xuất cà phê công nghiệp.

(Tới đây, tôi kềm hỗng nổi bèn xả ra câu hỏi ngược lại Bác Ba Phi: “Vậy chớ bác có thấy có sự liên quan xuyên suốt nào trong các vụ thực phẩm truyền thống bị thực phẩm công nghiệp chơi bẩn này không?” Bác Ba Phi trừng mắt nhìn tôi rồi nói: “Hết pin rồi”. Vậy là tôi giựt mình tỉnh dậy vì có con gián nó bò lên mặt mình. Hôi hám và nhớp nhúa bắt chết á.)

Vụ “cà phê pin” đang sốt nóng được tóm lược như sau: Ngày 15-4, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt quả tang vợ chồng chủ cơ sở và một người làm công đang nhuộm tẩm tạp chất có cà phê bụi với than pin. Ngày 18-4, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo về vụ việc này. Nhưng cho tới nay, công an vẫn chưa áp dụng bất cứ biện pháp hình sự nào đối với những người có liên quan. Quá trình điều tra cho tới nay vẫn chưa thể kết luận số cà phê tạp này được sử dụng với mục đích gì.

Vấn đề của vấn đề là mặc dù ngay cả công an cũng cho biết chưa biết được số cà phê tạp này được nhuộm đen bằng bột lõi pin để làm gì. Cơ sở này khi bị bắt quả tang không hề có dụng cụ rang xay cà phê nào mà chỉ có thiết bị trộn thôi. Bà chủ khai trước đó có bán 3 tấn cà phê bụi (vỏ cà phê lẫn lộn đất đá chứ không có nhuộm hay trộn pin chi ráo) cho một bà nào đó không hề quen biết ở tỉnh Bình Phước. Còn cái “sáng kiến” nhuộm đen cà phê bằng lõi pin đáng được vô số tổ chức giải thưởng vinh danh xét tặng cúp chất lượng, tặng bằng chứng nhận chất lượng này là do ông chồng mới nghĩ ra. Dùng bột lõi pin nhuộm mới tạp chất thấy chúng đen kịt. Mà nhuộm rồi để đó, chẳng có ai mua mà cũng chẳng biết bán cho ai.  

Và vấn đề lại càng của vấn đề khi có một số truyền thông nhanh chóng xông vào tự suy diễn theo nếp nghĩ hễ là cà phê là để pha uống và tung lên rằng “số cà phê bẩn này đã được rang xay mang đi tiêu thụ trên thị trường”.

Báo hại hỗm rày không ít bạn là dân ghiền cà phê lẫn mê cô chủ quán em tiếp viên mỗi lần đưa ly cà phê rang xay lên miệng lại nhờn nhợn ngó cô chủ quán em tiếp viên đầy hoang mang (ở đây hoang mang không có nghĩa là “có chửa hoang” – đừng nghĩ bậy tội nghiệp cô chủ quán em tiếp viên).

Mà biểu sao không lung lay. Thời này xã hội này cái thứ gì mà không thể xảy ra. Thuyết âm mưu thả ra khắp mọi ngóc ngách cuộc đời. Nỗi ám ảnh thực phẩm bẩn luôn lởn vởn trong mỗi người, mở mắt nhìn quanh đâu cũng thấy ruồi bu kiến đậu. Ghét cay đắng Tào Tháo, bất luận là do cái sự hiểm độc hay bị đuổi chạy sút quần – nhưng cũng đành làm người nhìn đâu cũng thấy đáng nghi cho dù bị ném đá “đa nghi như Tào Tháo”.

Mà cho dù là thực phẩm truyền thống hay thực phẩm công nghiệp, chúng luôn là  sạch khi những người làm ra chúng có cái đầu sạch, cái tâm sáng, cái lòng trong. Bác Ba Phi, con mới gửi Twitter cho bác câu hỏi ngược: “Làm sao để thực phẩm truyền thống nói riêng và các giá trị truyền thống nói chung luôn được bảo vệ, duy trì và sống mãi?” À, nàng trợ lý Bixby sau khi tham vấn Giáo sư cái gì cũng biết tuốt luốt Wikipedia và cụ thông thái mà nhiều chuyện Google mới thỏ thẻ: “Truyền thống còn hay mất là tùy cách bạn đối xử với nó thôi mà!”

Vậy nên mới có thơ rằng:

“Truyền thông, truyền thống cùng vần

Kiếm tiền cách khác, đâu cần hại nhau”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.