Thứ Hai ngày 11 tháng 11 năm 2024

Vào Starbucks ở Mỹ uống cà phê… Việt Nam

 

Hỗng có giỡn đâu nghen. Hồi tháng 8-2015 kìa, trong một lần cùng Obi Smartphone ngao du San Jose (bang California, Mỹ), tôi có ghé một quán cà phê Starbucks để được sờ mó đụng chạm mấy cái bịch cà phê Đà Lạt được bày bán tại đây với thương hiệu Starbucks dưới mái nhà Starbucks.

Được bày bên cạnh cà phê Tanzania và Uganda – hai xứ châu Phi – ở ngay cửa ra vào quán Starbucks, cà phê Việt Nam được in nhãn có chữ Vietnam, Dalat bự chảng và chú thích là cà phê được trồng trong những cánh rừng ở vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam. Giá bán một túi cà phê hạt nặng 8.8oz (250g) là 12,5 USD (trong khi cà phê châu Phi giá 14,5 USD).

Nhân tiện, có bạn nói rằng có những người vào quán Starbucks không phải để uống cà phê, mà là để khẳng định mình thời thượng. Ờ, dân chơi hạng dế mèn cầu Ba Cẳng như tôi cũng hiểu ý đó. Cà phê Starbucks ngon dở chưa biết (mà cái này tùy khẩu vị mỗi người), nhưng rõ ràng là nó đắt lòi mắt ra kìa. Mà quái lạ nghen, ở trên đời này, có những thứ càng đắt, người ta càng khoái, vì nó càng làm tăng cái giá trị đẳng cấp cho ai đó được chạm tới nó.

Ờ nói cho nghe nghen, tôi xưa nay vào quán cà phê đâu có phải để uống cà phê – nhiều khi kêu ly trà đá á. Tôi vô quán cà phê chủ yếu vì ghiền cái chỗ ngồi và ghiền luôn ai đó á.

Cả gia đình tôi – cha mẹ, anh em đều ghiền cà phê, ngoại trừ mình ên tôi lạc loài ghiền…sữa. Bởi nên Starbucks là công ty cà phê và chuỗi quán cà phê lớn thứ 3 trên thế giới (năm 2017 có 26.690 quán tại hơn 75 nước và vùng lãnh thổ) mới ra đời ở Seattle (Mỹ) năm 1971 đâu có thâm niên như tôi. Cụ cái-gì-cũng-biết-tuốt Wikipedia giải thích: “Cà phê (bắt nguồn từ từ tiếng Pháp café) là một loại thức uống được ủ từ hạt cà phê rang, lấy từ quả của cây cà phê… Cà phê có ít tính axit và có thể gây kích thích đối với người sử dụng do có chứa hàm lượng cafein.” Tôi thì là đệ tử tự phong của bác Ba Phi xứ Chắc Cà Đao nên chỉ khoái hiểu cà phê là “cà chỗ phê mà phê chỗ cà”. Vậy á.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh chụp bằng chứng tại một quán cà phê Starbucks ở San Jose (Mỹ).