Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Sau Kiều Giang là…

Vậy là 8 ngày sau khi bị nhà chức trách bất ngờ kiểm tra dẫn tới một vụ bê bối thực phẩm có vấn đề được làm cho ồn ào trên truyền thông, thương hiệu Cơm tấm Kiều Giang (TP.HCM) nổi tiếng đã được minh oan.

Ngày 29/8/2018, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết họ vừa lập biên bản xử phạt Công ty Kiều Giang 3 lỗi: khu vực chế biến không bảo đảm vệ sinh, có côn trùng động vật gây hại trong bếp (cụ thể là ruồi), và người lao động không mặc trang phục bảo hộ đầy đủ. Tiền phạt vi phạm hành chính chỉ 2,3 triệu đồng.

Theo kết luận của Đội quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) số 2 (TP.HCM), không hề có cái gọi là “phụ gia lạ” gây khốn khổ cho Cơm tấm Kiều Giang hỗm rày. Các chất có tổng trọng lượng hơn 1 tấn bị gọi là “gia vị lạ” đã được Kiều Giang cung cấp giấy tờ chứng minh chỉ là “đường”, “muối” và “bột ngọt” được mua từ những cơ sở có uy tín.

Điều này quay ngoắt 180 độ với những gì mà nhiều báo chí đã công bố trong vô số tin bài của mình từ sau cuộc kiểm tra bất ngờ này. Như báo Lao Động (21/8/2018) tường thuật: ” Đặc biệt quán cơm trên còn sử dụng nhiều gia vị lạ có mùi hắc, vị ngọt lợ, màu trắng được đóng thành từng cây với trọng lượng từ 10 -12kg, bên ngoài ghi chung chung là “nước mắm” hoặc “đồ chua” nhưng khi được hỏi, nhân viên trong cửa hàng đều trả lời là…đường. Tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 89 cây “đường” như trên với tổng trọng lượng 1.029kg. Khi được hỏi về gói có chữ “đồ chua”, nhân viên quán cho biết khi chế biến chỉ cần cho thứ gia vị đó hòa cùng với nước, bỏ nguyên liệu vào là thành đồ chua để ăn kèm với các món ăn. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra còn phát hiện những thùng nhựa chứa các loại gia vị có màu vàng lợt được đóng trong từng gói nilon nhỏ, bên ngoài ghi các thông tin như: Xương hầm, bì, gà…”

Người ta dễ thắc mắc, nếu với những gì đã được mô tả trên truyền thông trước đây, rõ ràng là “có vấn đề”. Vậy thì ai mới đúng? Chẳng lẽ đoàn kiểm tra liên quận (quận 2, quận 9, Thủ Đức) thuộc Ban ATTP TP.HCM lại không đủ năng lực để xác định ngay tại hiện trường đó là những gia vị cơ bản thường nhật là đường, muối, và bột ngọt?

Được vạ thì má đã sưng. Ông Nguyễn Trung Phong, Giám đốc Công ty Kiều Giang, cho báo Tuổi Trẻ hay rằng từ ngày xảy ra vụ việc tới nay, lượng khách tới các quán cơm tấm Kiều Giang giảm 50%. Và ai cũng hiểu rằng, thương hiệu cơm tấm nổi tiếng 10 năm nay sau sự việc này chắc chắn không thể nào lấy lại được 100% uy tín như trước. Tiếng lành đồn xa, mà tiếng dữ còn đồn xa hơn, nhất là trong cái hệ sinh thái xã hội thích những vụ bê bối như thế này.

Mà Kiều Giang không phải là trường hợp đầu tiên.

Hồi tháng 4-2016, truyền thông và dư luận ồn ào với vụ Viet Foods. Ngày 21/4, khi thực hiện kiểm tra tại một công ty ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), Đội Quản lý thị trường 14 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tạm giữ khoảng 2,2 tấn xúc xích do Công ty Viet Foods (Bình Dương) sản xuất với nghi vấn chứa chất cấm. Mấy ngày sau, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định chất sodium nitrade (E251) mà cơ quan QLTT Hà Nội nghi là chất cấm nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng. Nhiều nước trên thế giới vẫn cho phép dùng chất này trong chế biến thực phẩm, thậm chí có nước còn cho phép hàm lượng cao gấp mấy lần lượng có trong xúc xích Viet Foods. Hơn nữa, chất này không phải do Viet Foods thêm vào mà là tồn dư trong rau, củ, quả, trứng, cá, sữa (dạng nitrat chuyển hóa thành nitrit). Mãi tới ngày 29/5, người ta mới tổ chức họp báo minh oan cho xúc xích Viet Foods. Đại diện Viet Foods cho biết đang phục hồi sản xuất, nhưng mới đạt 10% công suất thiết kế, giảm 40% so với trước đây.

Ngay sau đó, vào tháng 10-2016, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống, đặc biệt là ở Phú Quốc, Phan Thiết,… lao đao với vụ tung tin nước mắm truyền thống có chỉ số chất arsen (thạch tín) độc hại cao. Đầu đuôi cớ sự là do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) công bố mập mờ chỉ số arsen có trong nước mắm truyền thống. Ngày 18/10/2016, Vinastas công bố trên website của mình: “Chỉ có 25 trong tổng số 150 mẫu nước mắm được lấy thử nghiệm (tương ứng 16,67%) đạt theo TCVN 5107:2003, 104 (69%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về asen (thạch tín), một loại á kim cực độc.” Ngày 22/10, Bộ Y tế công bố kết quả kiểm nghiệm 247 mẫu nước mắm ngẫu nhiên của 82 cơ sở sản xuất cho thấy không phát hiện mẫu nước mắm nào có nồng độ arsen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép. Nhà chức trách vào cuộc và sau đó, Vinastas cùng một số cơ quan truyền thông liên quan đã bị xử phạt.

Tháng 7/2018, truyền thông và dư luận lên cơn sốt nóng với nghi án hệ thống cửa hàng mẹ và bé Con Cưng kinh doanh hàng giả. Chiều 22/7, sau vụ khách hàng Trương Đình Công Vĩnh (ngụ tại Q.Tân Bình) đưa lên mạng sự nghi ngờ sản phẩm mà ông mua từ cửa hàng Con Cưng về bị cắt và thay thế tem nhãn, Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Chi cục QLTT TP.HCM đã kiểm tra nhiều cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng. Ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT, Tổ trưởng Tổ 334, thậm chí cho biết, lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ cho kiểm tra hệ thống Concung.com trên cả nước (hơn 300 siêu thị). Chiều 25/7, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM cho biết, sau 3 ngày 24 đội QLTT tiến hành kiểm tra đồng loạt 70 cửa hàng Con Cưng trên địa bàn TP.HCM theo chỉ đạo khẩn của Cục QLTT, họ đã tạm giữ hơn 10.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Mọi chuyện cứ như cực kỳ kinh khủng, đặc biệt khi đây là sản phẩm liên quan tới trẻ em. Và ngày 17/8, Bộ Công Thương công bố kết luận kiểm tra Công ty Con Cưng cho thấy về cơ bản, công ty đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Hồ sơ nhập khẩu của công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu. Theo Bộ này, Con Cưng chỉ vi phạm 3 lỗi: vi phạm về nhãn hàng hóa, vi phạm về khuyến mại và vi phạm quy định về thương mại điện tử. Con Cưng không hề bán hàng giả. Và Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra lại việc kiểm tra của Tổ 334 với tuyên bố sẽ xử lý những nhân sự nào có vi phạm.

Tất nhiên, ai cũng hiểu thương hiệu Con Cưng bị thiệt hại ra sao sau vụ này.

Từ những vụ việc tương tự nhau, người ta khó lòng không đặt ra nghi vấn về động cơ đằng sau những vụ việc này. Phải chăng là do sự tắc trách của những người thi hành công vụ hay là đòn dưới thắt lưng của những đối thủ cạnh tranh muốn mượn tay nhà chức trách và truyền thông để triệt hạ những thương hiệu nổi tiếng?

Vấn đề ở đây là nếu như nhà nước không có những biện pháp ngăn chặn những hành vi này, nhiều thương hiệu khác sẽ lần lượt trở thành nạn nhân của những kẻ kinh doanh bẩn.

Việc kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ là cần thiết, thậm chí phải chặt chẽ hơn nữa, để bảo đảm một thị trường lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng đây là một hoạt động nhạy cảm có ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Vì thế, nhà chức trách cần có những quy định và thực thi nghiêm chỉnh chúng để bảo đảm các cuộc kiểm tra diễn ra trung thực, chính xác, đúng pháp luật. Các thông tin liên quan tới các cuộc kiểm tra như thế cần giữ bí mật cho tới khi có kết luận chính thức, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp cần ngăn chặn mối nguy hiểm cho người dùng.

Còn như tình hình hiện nay, người ta dễ thắc mắc rằng, sau Cơm tấm Kiều Giang là tới ai?

PHẠM HỒNG PHƯỚC