Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Cuộc chiến tranh trên mạng Internet ở Trung Đông

 

Trong một căn phòng rộng 40 mét vuông nằm gần Bộ Quốc phòng Israel tại Tel Aviv có rất nhiều chiếc máy tính đặt trên những chiếc bàn. Không có súng đạn hay bất cứ thứ gì liên quan tới quân sự. Người ta sẽ nghĩ đây là một thư viện trường học nếu như không có hàng chục người lính trẻ mặc quân phục đang ngồi cắm cúi trước màn hình máy tính.

Đây chính là đơn vị truyền thông New Media Desk (NMD) trực thuộc Phòng Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Israel (IDF).

Nhiệm vụ của đơn vị đặc nhiệm này là dùng các phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến như Twitter, Facebook và cả YouTube để giúp thế giới “hiểu và thông cảm” cho hoạt động của quân đội Israel. Trung úy Sacha Dratwa nói: “Tôi cho rằng mọi người trên thế giới đều nghĩ rằng chúng tôi là một quân đội rất, rất hiếu chiến. Chúng tôi có hai mục tiêu: tham gia vào cuộc cách mạng truyền thông mới này và thay đổi hình ảnh của IDF trước cộng đồng thế giới.”

Từ 4 năm nay, Bộ Quốc phòng Israel đã bắt đầu thực hiện một chiến lược truyền thông xã hội, khai thác triệt để các thế mạnh của các mạng dịch vụ xã hội trên Internet.

Đơn vị NMD đã cập nhật nhanh chóng mọi diễn biến của quân đội trong các cuộc tấn công vào các phiến quân trên Dải Gaza của Palestine năm 2012. Ngày 14-11, IDF đã tiến hành một vụ không kích vào một chiếc xe đang chở Ahmed Al-Jabari, người đứng đầu cánh quân sự của Hamas, tổ chức Hồi giáo cực đoan đang kiểm soát Dải Gaza. Đơn vị NMD đã cập nhật video vụ tấn công này lên mạng YouTube và loan báo qua dịch vụ nhắn tin Twitter. Nó cũng đưa video cảnh những người dân Israel đang chạy ẩn náu những vụ tấn công bằng tên lửa của phiến quân từ Gaza bắn qua. Có một bài trên blog giải thích mục đích của cuộc không kích. Những thông tin về diễn biến của cuộc không kích được cập nhật liên tục trên Twitter. Hầu như mỗi lần triệt hạ được một mục tiêu, IDF lại loan báo trên mạng. Với 160 “kẻ địch” bị tiêu diệt, quân đội Israel đã đưa tới hơn 330 tin nhắn trên Twitter.

Đơn vị đặc nhiệm truyền thông Internet New Media Desk của Bộ Quốc phòng Israel.

Do tính tương tác của các mạng xã hội, mọi người thuộc cả phe ủng hộ hay chống đối đã tung ý kiến của mình lên. Những cuộc đấu khẩu thường nổ ra giữa quân đội Israel và các tổ chức Hồi giáo. Cả hai bên đều biết tận dụng “vũ khí truyền thông hiên đại” để chống lại kẻ thù thay cho các loại truyền thông truyền thống.

Ngay sau khi loan báo đã triệt hạ được thủ lĩnh Al-Jabari, quân đội Israel đưa lên Twitter tuyên bố nhằm thẳng vào Hamas: “Chúng tôi khuyến cáo rằng không có một thành viên Hamas nào, dù là nhà lãnh đạo cấp thấp hay cấp cao, có thể chường mặt ra trên mặt đất trong những ngày tới.”

Các thành viên của Binh đoàn Ezzedeen Al Qassam Brigades, cánh vũ trang của Hamas, lập tức đáp trả trên Twitter kẻ thù: “Các bàn tay được chúc phúc của chúng tao sẽ chộp tới các lãnh đạo và binh lính bọn ngươi bất cứ nơi đâu chúng có mặt.”

Lần đó, cuộc chiến bằng lời trên mạng kéo dài cho tới khi hai bên đạt được lệnh ngừng bắn 7 ngày sau đó.

Hiện nay đơn vị NMD của quân đội Israel có hơn 40 quân. Họ sẽ đưa thông tin lên các mạng xã hội căn cứ vào quyết định được đưa ra tại các cuộc họp của cấp chỉ huy. Để tăng độ phủ, họ mở tới 5 tài khoản chính thức trên Twitter và dùng các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Arập và Hebrew để thông tin cùng một lúc. NMD có một đội ngũ đầy tài năng như một công ty quảng cáo, bao gồm các lập trình viên, nhà nhiếp ảnh, nhà sản xuất nội dung, nhà thiết kế đồ họa, biên tập viên.

Cho tới thời điểm này, quân đội Israel đã có một hình ảnh xấu trên trường quốc tế. Cuộc tấn công Dải Gaza bắt đầu từ cuối năm 2008 đã khiến hơn 1.400 người chết, trong đó có khoảng 400 trẻ em. Điều này khiến Israel bị cộng đồng quốc tế phê phán ngày càng gay gắt. Vì Israel tự nhận mình là nền dân chủ duy nhất ở Trung Đông, hình ảnh này thật là phản cảm.

Được truyền cảm hứng từ cuộc Cách mạng Mùa xuân Arập năm 2011 mà phe đối lập biết tận dụng các mạng xã hội để huy động dân chúng, người Palestine ở Dải Gaza cũng sử dụng các phương tiện trực tuyến này cho cuộc đấu tranh chống cả quân đội Israel lẫn phong trào Hồi giáo cực đoan Hamas. Một nữ blogger nổi tiếng 21 tuổi ở Dải Gaza cho biết hàng ngày trang blog của cô có 20.000 lượt trang được xem và nhận được 4.000 tin nhắn từ cộng đồng Twitter.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-4-2013)