Thứ Hai ngày 14 tháng 10 năm 2024

Cuộc đua marathon tang tóc ở Boston

Không phải chỉ là cảnh tang tóc mà còn là nỗi kinh hoàng của người Mỹ khi xảy ra vụ nổ bom kép ngày thứ Hai 15-4-2013 tại thành phố Boston (bang Massachusetts). Mục tiêu tấn công là cuộc chạy đua marathon truyền thống Boston Marathon lần thứ 117, một trong những cuộc đua marathon thường niên lâu đời nhất và có uy tín nhất thế giới. Theo số liệu vào cuối ngày 15-4 (giờ địa phương), có ít nhất 3 người chết và hơn 170 người bị thương (trong đó có ít nhất 17 người bị thương nặng). Hiện trường thiệt thê lương với những chân người bị bom thổi bay vương vải (có ít nhất 25-30 nạn nhân bị cụt mất 1 hay 2 chân).

Cơ quan FBI đang điều tra theo hướng một vụ khủng bố. Tổng thống Barack Obama thề rằng những kẻ chịu trách nhiệm về vụ đánh bom này sẽ bị “công lý trừng trị đích đáng” (“feel the full weight of justice”).

Tổng thống Obama đang ngồi trong Nhà Trắng nghe Giám đốc FBI cập nhật thông tin qua điện thoại về vụ nổ bom ở Boston.

Trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 16-4-2013  treo cờ rũ để tưởng nhớ các nạn nhân vụ đánh bom Boston.

Hai quả bom nổ cách nhau khoảng 10 giây và ở cách nhau gần 100 mét (100 yard). Cảnh sát tìm được hai quả bom chưa nổ ở gần đó. Các quả bom này được đặt gần mức đến của cuộc đua – nơi có đông người có mặt.

Không ai có thể tưởng tượng nổi mức độ thương vong nếu như những quả bom nổ sớm hơn vài giờ – vào lúc cao điểm của cuộc đua. Bom đã nổ sau khi cuộc đua khởi tranh được khoảng 4 giờ và 2 giờ sau khi người về nhất ở giải nam băng qua mức đến. Vào lúc bom nổ có hơn 17.000 vận động viên đã hoàn tất cuộc đua, nhưng còn hàng ngàn người khác vẫn còn đang tiếp tục chạy. Nhờ vậy mà lúc bom nổ, số người có mặt đã vắng rất nhiều. Nếu không…

Chưa có cá nhân hay tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này. Có người giàu óc liên tưởng đã gắn cự ly 26 mile của cuộc đua marathon với con số 26 người bị giết chết trong vụ thảm sát bằng súng tại trường tiểu học ở Sandy Hook (bang Connecticut) ngày 14-12-2012.

Có thể nói là kể từ sau vụ khủng bố bằng 4 chiếc máy bay hàng không chấn động địa cầu ngày 11-9-2001 vào tòa tháp đôi WTC ở thành phố New York giết chết khoảng 3.000 người, người dân Mỹ đã biết thế nào là nỗi ám ảnh chết chóc vì bạo lực khủng bố. Có lẽ họ cảm thông được tình cảnh của những người dân Afghanistan, Iraq,… không biết còn được sống tới lúc nào. Bạo lực dắt dây bạo lực cuốn con người vào cái vòng lẩn quẩn chết người ăn miếng trả miếng, miếng sau nặng hơn miếng trước.

Bất luận ra sao, vụ khủng bố này mang ý nghĩa đe dọa và thách thức toàn cầu. Nó được thực hiện trong một sự kiện có vận động viên và khán giả toàn thế giới tham dự và được quay phim truyền hình. Có thể nói, nó là một WTC 11-9 thứ hai. Chẳng ai ngây thơ và ấu trĩ tới mức chê bai nhà chức trách Mỹ bất lực, không đủ khả năng để ngăn chặn những vụ như thế này. Khi cái ác vẫn tồn tại, quái thú đội lốt người, và kẻ xấu muốn làm điều ác thì chỉ còn biết “trời kêu ai nấy dạ”. Vấn đề quy lại ở chỗ làm sao để cái ác không có chốn dung thân và không phát tán.

Người ta xưa nay thường nói nước Mỹ là chốn thiên đường hạ giới. Tôi không tranh cãi chuyện này. Nhưng theo tôi, nước Mỹ không phải là một “nơi bình yên chim hót”. Ngay chính quốc huy của Mỹ cũng mang hình một con chim đại bàng trắng (bald eagle) với bên móng trái quặp 13 mũi tên và bên móng phải cầm một nhành olive thể hiện tư tưởng “yêu hòa bình, nhưng sẵn sàng cho chiến tranh”. Nước Mỹ luôn ẩn chứa trong mình những nguy cơ bạo lực. Là một hiệp chủng quốc, nước Mỹ có đa dân tộc, đa văn hóa mà sự xung đột giữa chúng khó lòng mà tránh khỏi, có chăng là ở những mức độ khác nhau. Người Mỹ tôn sùng súng đạn, tự hào với quyền tự do sở hữu súng đạn được xác định ngay từ bản Hiến pháp lập quốc. Súng đạn trở thành một trong những thứ văn hóa đặc trưng của nước Mỹ. Theo thống kê, nước Mỹ có 270 triệu khẩu súng ở trong dân (số dân Mỹ 313 triệu người). Năm 2009 có 31.347 người Mỹ bị bắn chết. Một người bạn đồng môn thời trung học của tôi sống ở bang Colorado nói rằng trong nhà và trên xe của anh luôn có súng để sẵn sàng đối phó với những tên tội phạm có súng. Thiệt là khủng khiếp khi người ta nổi cơn thịnh nộ mà trong tầm tay có một khẩu súng!

Người Việt Nam mình từng trải qua bao nhiêu năm chiến tranh khốc liệt nên hiểu rõ hơn ai hết thế nào là cái giá trị của hòa bình và sự chết chóc của chiến tranh. Và cũng chính người Việt mình mới ghê tởm hơn ai hết những kẻ nhân danh cái tôi, nhân danh niềm tin của mình cũng như mưu cầu những lợi lộc cá nhân hay nhóm của mình để gây tang thương cho người khác. Không có một lời bào chữa nào có thể chấp nhận được cho bất cứ một hành động nào gây hại cho người khác chớ đừng nói chi là rẻ rúng mạng sống của người khác.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 16-4-2013)

CẬP NHẬT:

Cảnh sát Boston tuần tra thắt chặt an ninh chuẩn bị cho việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Boston dự lễ tưởng niệm các nạn nhân vào ngày 18-4-2013.

+ 18-4-2013:

Cơ quan FBI vào cuối ngày 17-4-2013 (theo giờ Mỹ) cho biết đã bắt được kẻ tình nghi gởi 2 lá thư có chất độc tới Tổng thống Barack Obama và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker của bang Mississippi ngày 16-4-2013. Paul Kevin Curtis đã bị bắt vào lúc 18:15 giờ EDT (giờ miền đông nước Mỹ) tại nhà hắn ở Corinth (bang Mississippi). Cho tới nay không có mối liên hệ nào giữa 2 lá thư này với vụ đánh bom kép ở Boston ngày 15-4-2013. Kẻ tình nghi còn gởi một lá thư tương tự tới một quan chức tư pháp bang Mississippi.

+ 18-4-2013:

Theo thông tin mới nhất, vụ đánh bom kép tại cuộc đua Boston Marathon ngày 15-4-2013 ở thành phố Boston (bang Massachusetts) đã làm 3 người chết và 176 người bị thương phải nhập viện, trong đó có hàng chục người bị cụt chân. Ba người thiệt mạng đều là khán giả cổ vũ ở mức đến là cậu bé học sinh lớp 3 Martin Richard 8 tuổi, cô quản lý nhà hàng Krystle Campbell 29 tuổi và nữ nghiên cứu sinh sau đại học Lingzi Lu 23 tuổi (người China).

Cơ quan FBI cho biết đã phát hiện được một kẻ tình nghi nhưng chưa có vụ bắt giữ nào được loan báo. Cuộc họp báo của FBI dự kiến vào lúc 17 giờ ngày 17-4 (theo giờ địa phương) đã phải hoãn lại tới tới vì lúc 15 giờ, tòa án Moakley Federal Courthouse ở South Boston – nơi diễn ra họp báo – đã phải sơ tán vì có đe dọa đặt bom. Hàng trăm nhà báo đã có mặt tại đây với nguồn tin cho biết FBI sẽ đưa kẻ tình nghi tới trình diện báo chí. Một phần của bệnh viện Brigham & Women’s Hospital cũng phải sơ tán vì có một chiếc xe tình nghi bỏ lại trong khu vực (nhưng bệnh viện đã hoạt động trở lại sau khi kiểm tra an toàn).

Nhà Trắng cho biết đã chặn được một lá thư gửi cho Tổng thống Barack Obama có chứa chất độc chết người ricin. Trong thư có câu: “To see a wrong and not expose it, is to become a silent partner to its continuance” (Nhìn thấy sai lầm và không bộc lộ nó là trở thành một đối tác im lặng cho nó tiếp tục) và được ký tên là “I am KC and I approve this message.” (Tôi là KC và chấp thuận thông điệp này).

Trước đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker của bang Mississippi cũng nhận được một lá thư tẩm chất độc tương tự.

Cả hai lá thư này đều cùng đóng dấu nơi gửi từ Memphis (Tennessee) ngày 8-4-2013. Chất độc ricin có thể gây chết người trong vòng 36 tới 72 giờ sau khi chỉ cần dính 1 lượng nhỏ bằng đầu cây kim. Không có chất giải độc đối với ricin.

HÌNH ẢNH HIỆN TRƯỜNG VỤ ĐÁNH BOM TẠI BOSTON NGÀY 15-4-2013.

Có những hình ảnh khủng khiếp quá. Xin các bạn cẩn thận khi xem. Mục đích của tôi chỉ là đưa sự thật để cho thấy cái tàn ác của những kẻ nào gây ra tội ác này. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

 

VIDEO CLIPS:

Deadly bomb blast strikes boston marathon – terrorists blamed.

Video Moment of Boston Marathon explosion

Twin blasts rock Boston

RAW FOOTAGE: Terrorism Strikes Boston Marathon As Bombs Explode 2013

 Cameras captured the moment two suspected bomb blasts went off at Boston

Witnesses Describe Boston Marathon Blasts

Obama speaks on Boston bombing.

CUỘC ĐUA BOSTON MARATHON 2013:

Hai người chiến thắng trong giải Boston Marathon 2013: Rita Jeptoo (giải nữ) và Lelisa Desisa (giải nam).
 
Cuộc chạy đua Boston Marathon dài 26,2 mile (42,1km) năm nay có 23.326 người xuất phát ở điểm khởi hành tại Hopkinton. Lelisa Desisa, một vận động viên Ethiopia 23 tuổi, về nhất ở giải marathon của nam với thành tích 2g10ph22gi. Nữ vận động viên Rita Jeptoo, 32 tuổi, người Kenya, về nhất giải cho nữ với thành tích 2g26ph25gi. Phần thưởng là 150.000 USD và một vòng lá olive truyền thống.
 

MỜI ĐỌC THÊM:

Thảm kịch Boston: người hùng và những nạn nhân nghiệt ngã.