Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tản mạn trong ngày kỷ niệm buồn của thần dân xứ Mặt trời

2012-japanese-Yasukuni Shrine-00

 

Ngày 15-8-2013 là một ngày kỷ niệm buồn của các thần dân xứ sở Phù Tang. Đó là ngày kỷ niệm 68 năm nước Nhật Bản thua trận và đầu hàng, kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai ở khu vực châu Á.

Hàng năm cứ vào ngày nay, người Nhật tới viếng ngôi đền thờ Thần đạo (Shinto) Yasukuni tại quận Chiyoda ở thủ đô Tokyo. Đây là nơi đã được Nhật hoàng Meiji (Minh Trị) xây dựng vào tháng 8-1869 để làm chốn tưởng niệm những người đã hi sinh trong khi phục vụ đế chế Nhật trong thời Minh Trị Phục hưng. Từ đó, đền thờ Yasukuni trở thành một đền thờ anh hùng liệt sĩ của Nhật Bản. Tại đây có ghi tên họ, quê quán, ngày sinh và nơi chết của 2.466.532 người Nhật (bao gồm cả người lớn và trẻ em) đã chết trong các cuộc chiến tranh suốt từ cuộc nội chiến Boshin (1868-1869) tới Chiến tranh thế giới thứ hai; cũng như những người đại diện cho các quân đội nước ngoài như Anh, Mỹ, Trung Hoa, Triều Tiên và Đông Nam Á. Đền thờ này còn được quy là một biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật.

Và giữa tình hình căng thẳng chính trị ở khu vực Đông Á, mỗi năm hễ tới ngày này, những nước châu Á từng bị quân phiệt Nhật xâm lược như Trung Quốc, Hàn Quốc,… lại dấy lên những sự phản đối gay gắt từ nhà cầm quyền cho tới một số dân chúng khi thấy các quan chức chính phủ Nhật Bản tới viếng Đền thờ Yasukuni. Là người dân của một dân tộc từng chịu thảm họa ngoại xâm của quân phiệt Nhật với nạn đói năm Ất Dậu 1945 khiến 400.000 tới 2.000.000 người chết đói, tôi hiểu được tâm trạng của người dân những nước từng rên xiết dưới sự cai trị hà khắc của quân phiệt Nhật. Nhưng tôi cũng dư hiểu rằng tuyệt đại đa số người dân ở các nước đó đều đã xếp lại quá khứ để thụ hưởng hiện tại và nhìn về tương lai cùng phát triển. Không ai được quyền quên quá khứ đã trở thành lịch sử máu thịt của dân tộc mình, nhưng cũng chẳng ai có thể cứ sống mãi với những quá khứ đau buồn đó. Quá khứ là bề dày của lịch sử, còn hiện tại là tiền đề của tương lai. Những sự ầm ĩ, náo động thực chất chỉ mang màu sắc chính trị là chính, chủ yếu phục vụ cho sự nghiệp của một thiểu số chính trị gia nào đó. Có một thực tế hiển nhiên, những nhân vật mà các nước từng bị quân phiệt Nhật xâm lược coi là những kẻ tội phạm chiến tranh thì với người dân Nhật lại là những anh hùng chiến tranh. (Đền thờ này dĩ nhiên có thờ 14 lãnh đạo chiến tranh từng bị tòa án Đồng minh xử là tội phạm chiến tranh.) Bi kịch lịch sử nó là như vậy, cuộc đời trớ trêu nó là như thế. Ngay cả ở những nước đang làm ồn ào mọi chuyện cũng đâu tránh khỏi tình huống tương tự! Thôi thì “thương nhau củ ấu cũng tròn; ghét nhau đến quả bồ hòn cũng vuông” (ca dao Việt Nam). Tốt nhất cho mình và cho tất cả là mỗi người biết điều một chút, nhất là biết khéo léo tôn trọng cảm nhận của người khác.

Năm nay, để không làm căng thẳng thêm cái tình hình vốn đang như đàn căng dây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ gửi lễ vật tới Đền thờ Yasukuni. Ông tâm sự với các nhà báo tại văn phòng thủ tướng rằng: “Tôi đã hỏi ý kiến trợ lý đặc biệt của mình… để có lễ vật đại diện cho tôi với lòng biết ơn và sự tôn trọng đối với những người đã chiến đấu và hy sinh mạng sống quý giá của mình cho đất nước.” Trên lễ vật có ghi tên người dâng cúng là “Shinzo Abe, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP)” chứ không phải với tư cách Thủ tướng Nhật Bản. Sự việc Thủ tướng Junichiro Koizumi tới viếng Đền Yasukuni trong nhiệm kỳ 2001-2006 từng gây sóng gió quan hệ Nhật – Trung.

Nhưng năm nay có ít nhất là 3 vị bộ trưởng nội các và hàng chục nghị sĩ các đảng phái đã trực tiếp tới lễ bái với tư cách cá nhân. Ai cấm được hè! Chỉ có điều, các quan chức này hơi bị to chức, như Bộ trưởng Nội vụ Yoshitaka Shindo, Bộ trưởng Cải cách Hành chính Tomomi Inada, 89 nghị sĩ – trong đó có Sanae Takaichi là sếp chính trị của đảng LDP, và các trợ lý của 101 nghị sĩ khác.  Chính điều này đã khiến chính phủ Bắc Kinh mời đại sứ Nhật Bản tới để phản đối. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết: “Đây không phải là vấn đề các nhà lãnh đạo chính trị Nhật Bản tới viếng Đền Yasukuni với hình thức hay cương vị bào, nó là một nỗ lực thực chất để phủ nhận và tô hồng cái lịch sử xâm lược của quân phiệt Nhật.” Trung tướng nghỉ hưu Luo Yuan, một trong những nhân vật quân đội Trung Quốc nổi tiếng là mạnh miệng nhất, viết trên tờ báo tiếng Anh Global Times của Trung Quốc rằng: “Bạn thử hình dung thế giới sẽ nghĩ gì về nước Đức nếu như người Đức tôn kính trùm Đức quốc xã Hitler?”

Việt Nam ta chỉ mới nếm mùi quân phiệt Nhật có 5 năm (từ 1940-1945) mà đã ớn da gà, huống chi nhiều vùng đất của Trung Hoa đã bị Đế chế Nhật cai trị từ những năm 1930 và bán đảo Triều Tiên trở thành thuộc địa của Nhật từ 1910 tới 1945. Các nhà sử học cho biết có tới 200.000 phụ nữ trẻ ở Trung Hoa, Triều Tiên, Indonesia và Philippines bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục trong các nhà chứa phục vụ binh lính Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã công khai xin lỗi các nước về những gì quân phiệt từng gây ra trong những năm chiếm đóng. Nhưng do tác động của giới chính trị gia, nhiều người ở Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn lăn tăn hoài nghi tính chân thật của những lời xin lỗi này. Bởi vậy câu chuyện mới dằng dai tới bây giờ.

Trong ngày 15-8-2013, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã tới lễ bái tại một bàn thờ tưởng niệm lập ở Sảnh Budokan (Tokyo). Thủ tướng Shinzo Abe cũng tới viếng. Trong lễ tưởng niệm có nghi thức các quan chức trao những đóa hoa cúc trắng cho thân nhân những người đã chết trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thôi thì chuyện tưởng niệm những người đã xả thân vì Tổ quốc của họ là chuyện riêng của từng dân tộc và thiệt ra là chuyện tốt đẹp phải làm. Tôi chỉ quan tâm tới ngày 15-8 với ý nghĩa một dấu mốc mang tính lột xác của một cường quốc Nhật Bản khi chuyển sức mạnh từ quân sự (thất bại thảm hại vì không đắc nhân tâm) sang khoa  học kỹ thuật và kinh tế. Người Nhật dạy học sinh ngay từ khi mới vào trường phổ thông rằng: “đất nước chúng ta nghèo tài nguyên, vì vậy chúng ta phải biết dùng tri thức để đưa đất nước lớn mạnh”. Các thế hệ người Nhật từ sau cuộc bại trận 1945 đã được rèn luyện tính tự lực, tự cường của cả một dân tộc hầu như phải đi lên từ con số 0 sau chiến tranh. Họ không bị mộng mị sa lầy vào các “của trời cho rừng vàng, biển bạc” mà hiểu rằng chỉ có thể sinh tồn và vươn lên bằng lòng yêu nước và tri thức. Nhật Bản đã trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới (chỉ sau Mỹ) kể từ năm 1968 sau khi “qua mặt” Tây Đức (cũ). Và mặc dù từ đầu năm 2010 đã phải nhường cho Trung Quốc để tuột xuống ngôi thứ 3, nhưng Nhật Bản vẫn được đánh giá là một “cường quốc kinh tế thật sự” (true power) chứ chẳng phải là một “con hổ giấy” (paper tiger). 128 triệu người dân Nhật Bản đã không hổ thẹn với sự hy sinh, mất mát của các thế hệ chiến tranh và hàng triệu người Nhật mất mạng sống trong các cuộc chiến tranh đã không hề bị uổng phí sự hy sinh của mình. Nihon wa sōdesu! Nhật Bản là như vậy!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 15-8-2013)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

130815-Japanese Prime Minister Shinzo Abe

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lễ bái tại một bàn thờ tưởng niệm lập ở Sảnh Budokan (Tokyo) ngày 15-8-2013.

130815-japanese-Yasukuni Shrine-02

Đền thờ Yasukuni ngày 15-8-2013.

130815-japanese-Yasukuni Shrine-01

130815-protest-japan-in-taipei

Ngày 15-8-2013 một nhóm người Đài Loan đã biểu tình chống Nhật Bản phía trước cơ quan Hội Trao đổi Văn hóa Nhật Bản tại Taipei. Họ mang mặt nạ giả làm (từ trái qua) Toru Hashimoto, Thị trưởng Osaka; Shintaro Ishihara, cựu Thống đốc Tokyo; Thủ tướng Shinzo Abe và Phó Thủ tướng Taro Aso, coi họ như những tội phạm phải chịu liên đới trách nhiệm đối với việc quân phiệt Nhật trước đây cưỡng bức hàng trăm ngàn phụ nữ trẻ ở các nước bị chiếm đóng làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật thời chiến tranh thế giới thứ hai.

2012-japanese-Yasukuni Shrine-03

Bên trong đền thờ.

20090406-japan-cherry-blossom-festival-Yasukuni Shrine-01

Lễ hội hoa anh đào tại Đền thờ Yasukuni tháng 4-2009.

20090406-japan-cherry-blossom-festival-Yasukuni Shrine-02

Đền thờ Yasukuni trong lễ hội hoa anh đào tháng 4-2009.

101123-27-phphuoc-japan-epson-094

101123-27-phphuoc-japan-epson-220

PHP ở Nhật Bản cuối năm 2010. Hình như hồi đó tôi cũng là người Nhật thì phải?