Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024

Syria và nỗi lo sợ chết chóc mới

131020-syria-hama-truck-suicide-attack-01

 

Trong những ngày gần đây, khi tiến trình đàm phán hòa bình ở Syria đang tiếp diễn – cho dù đầy khó khăn và chậm chạp, truyền thông thế giới ít nói về những trận chiến giữa lực lượng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng nổi dậy. Dường như phe chống ông al-Assad bắt đầu cảm thấy mình không còn là nhân vật chính được phương Tây tập trung quan tâm tới nữa trong cuộc nội chiến kéo dài đã 31 tháng qua làm chết hơn 115.000 người và buộc khoảng 2 triệu người Syra phải chạy ra nước ngoài tị nạn.

Nhưng bây giờ, người ta đang lo ngại rằng Syria sẽ đi vào vết xe đổ của Iraq, Afghanistan, Ấn Độ, Pakistan,… khi những nhóm chống chính phủ sử dụng đòn đánh bom liều chết để vừa gây thiệt hại cho đối phương, vừa tạo bầu không khí khiếp sợ. Điều nguy hiểm nhất là những nhóm khủng bố cũng “ăn theo” gây nhiều tang thương chết chóc cho dân lành.

Ngày 20-10-2013, một kẻ đánh bom liều chết đã lái chiếc xe tải chất khoảng 1,5 tấn thuốc nổ lao vào một trạm kiểm soát của quân đội tại ngoại vi thành phố Hama. Trạm này gần một công ty xe nông nghiệp và trên con đường tấp nập xe cộ từ Hama đi Salamiyeh. Vì thế, rất nhiều xe đang chờ qua trạm đã bị thiệt hại. Theo tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR), có ít nhất 43 người chết, trong đó có tới 32 dân thường. Truyền thông nhà nước đưa tin có 37 người chết và cho rằng đây là hành động của quân nổi dậy.

Ngày hôm trước, một vụ đánh bom bằng xe đã xảy ra ở ngoại ô thủ đô Damascus. SOHR cho biết vụ tấn công này do một kẻ đánh bom liều chết thuộc nhóm Mặt trận Al-Nusra có liên hệ với hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda thực hiện và đã giết chết ít nhất 16 người thuộc lực lượng an ninh Syria. Truyền hình nhà nước tố cáo đây là một vụ đánh bom khủng bố. 

Trong khi đó, những trận chiến giữa quân chính phủ và quân nổi dậy vẫn diễn ra và dằng co ở nhiều nơi. Hôm 18-10, quân đội đã bắn pháo vào thị trấn Tal-Aram thuộc tỉnh Aleppo ở miền bắc giết chết 12 người Kurd. Ngày hôm trước tại đây đã có 9 người chết vì đạn pháo. Thị trấn này nằm trên con đường chiến lược giữa thành phố Aleppo và thị trấn Sfeirah đang nằm trong tay quân nổi dậy. Ở đây gần một căn cứ quân sự mà người ta cho rằng quân đội đang tàng trữ một số vũ khí hóa học. Cũng ở tỉnh này, có ít nhất 20 lính chính phủ và 7 quân nổi dậy đã chết khi quân nổi dậy tấn công một căn cứ phòng không tại thành phố Aleppo. Còn ở miền đông, máy bay chính phủ vẫn đang oanh tạc các cứ điểm của quân nổi dậy tại thành phố Deir Ezzor. Trước đó, quân nổi dậy đã chiếm được khu ngoại ô Rashdiya của thành phố này. Rashdiya là nơi Trung tướng Jamaa Jamaa, chỉ huy tình báo quân sự tại tỉnh Deir Ezzor, đã bị bắn tỉa chết ngày 17-10. Có tin nói rằng các tay súng của Mặt trận Al-Nusra đã hành quyết 10 binh lính mà họ bắt được tại Rashdiya.

Cộng đồng quốc tế đang kỳ vọng vào những nỗ lực đàm phán hòa bình để sớm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài ở Syria. Mỹ và Nga, hai nước chủ xướng cho cuộc hòa đàm hiện nay, đã đồng ý tiến hành vòng đàm phán thứ 2 tại Geneva (gọi là Geneva 2) vào tháng 11-2013. Ông Lakhdar Brahimi, đặc phái viên của Liên hiệp quốc và Liên đoàn Arập (AL) đã bắt đầu chuyến thăm mới ở Syria từ ngày 19-10, chặng đầu tiên của ông trong chuyến công du khu vực để chuẩn bị cho vòng đàm phán mới. Tình hình có phức tạp khi phe đối lập Syria đang tiếp tục chia rẽ, không ai phục ai. Điều này có nghĩa là cho dù có đạt được thỏa thuận giữa 2 bên tham chiến, sẽ vẫn có những lực lượng chống đối.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có kế hoạch tới châu Âu trong tuần này để thúc đẩy tiến trình đàm phán về Syria. Trong lịch trình, ông cùng các đại diện của nhóm London 11, nhóm cốt lõi của nhóm các nước “Bạn của Syria” gặp phe đối lập Syria tại Anh vào ngày 22-10.

Ngày 18-10, các thanh sát viên của Tổ chức Ngăn cấm vũ khí hóa học (OPCW) vừa đoạt giải Nobel Hòa bình 2013 cho biết họ đã tới được 14 trong tổng số hơn 20 điểm tình nghi có vũ khí hóa học ở Syria mà họ phải thanh tra. Việc thanh tra này là một yêu cầu của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm tránh cho Syria khỏi bị Mỹ tấn công quân sự sau khi xảy ra vụ tấn công bằng chất độc thần kinh sarin ngày 21-8 ở ngoại vi Damascus giết chết hàng trăm người. Theo nghị quyết mà HĐBA đã đạt được từ sự thỏa thuận giữa Mỹ và Nga, các loại vũ khí hóa học của Syria phải bị tiêu hủy hết vào giữa năm 2014.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-10-2013)

Hiện trường vụ đánh bom liều chết tại thành phố Hama (Syria) ngày 20-10-2013

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

131020-syria-hama-truck-suicide-attack-02

131020-syria-hama-truck-suicide-attack-03

131020-syria-hama-truck-suicide-attack-04

131020-syria-hama-truck-suicide-attack-05

131020-syria-hama-truck-suicide-attack-06

131020-syria-hama-truck-suicide-attack-07