Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nét đẹp Philippines: bayanihan với bạn bè, bayanihan với chính mình…

131114-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-queue-food-003

 

Mấy hôm trước, khi viết bài “Vì sao người Việt mình “mắc nợ” người Philippines?” để chia sẻ cái cảm nhận rất riêng của mình, tôi đã bị một số bạn trẻ ở cách Saigon 1.710km “ném đá”, cười rằng đó là điều “nhảm nhí” và thậm chí còn “phong tặng” cho tôi cái chức danh “lều báo”. Tôi đã cẩn thận nói rõ đó là suy nghĩ của riêng mình, để chữ mắc nợ trong ngoặc kép, và gọi đó là “món nợ ân tình”. Cơ sự là tôi nghĩ do vị trí địa lý “trời sắp đặt” mà các bạn Philippines phải sống ở quần đảo “lá chắn” cho Việt Nam, đón chịu những trận bão Thái Bình Dương trước khi chúng mò tới Việt Nam. Nhờ đã hoành hành, trút cơn thịnh nộ lên Philippines mà hầu hết các trận bão khi tới Việt Nam nếu chưa hả giận thì cũng đã mệt nhoài, sức lực giảm hẳn. Các bạn trẻ kia thì lập luận, do địa lý thì họ phải ráng mà chịu thôi, chẳng ai phải mang ơn, mắc nợ ai hết. Ừ thì tôi có ý của tôi, các bạn có ý của họ, chẳng sao hết – tất cả tùy thuộc vào cái nền mà mỗi người đang đứng. Nếu ai cũng như ai thì thế gian này đã trở thành hoặc là địa ngục, hoặc là thiên đàng mất rồi. Vấn đề tốt lành cho tất cả là cộng đồng xã hội luôn thiệt là sáng suốt chẳng dễ gì để bị tôi hay ai khác “dụ khị”.

Thiệt tình tôi cũng chẳng muốn viết gì về “chuyện thường ngày ở… mạng” này nếu như sáng nay tôi không đọc được trên báo Tuổi Trẻ bài viết về những tấm lòng người Việt dành cho các bạn Philippines hoạn nạn. Trong đó, tôi chú ý nhất là đoạn: “Thầy giáo đã về hưu Bảo Minh lại mang theo cả một câu chuyện về “món nợ phải trả” với những người dân Philippines. Năm 1968, khi đang là học sinh, thầy đã tham gia chương trình tình nguyện viên cứu trợ chiến tranh ở một trường học tại Sài Gòn và thật tình cờ tất cả hàng hóa cứu trợ thầy nhận được trên tay đều đến từ Philippines. “Lúc đó, tất cả chúng tôi đều rất xúc động và cứ nghĩ mãi về tấm lòng của người Philippines, sao mà họ tốt quá, lại đi giúp đỡ người ở một nơi xa đến như thế này. Mấy hôm nay, nghe tin bão dữ ập đến Philippines, tôi thấy như mình có một món nợ canh cánh trong lòng vậy, dù bận đến mấy cũng phải thu xếp đến đây đóng góp đôi chút” – thầy xúc động cho biết.”

Thầy Bảo Minh đã làm tôi nhớ lại một quãng đời nhóc tì của mình ở vùng rốn lũ của Đồng Tháp Mười. Hồi đó, tỉnh Kiến Tường sát biên giới Campuchia mà tôi sống năm nào cũng có nước lụt từ thượng lưu sông Mekong đổ sang. Dân gian gọi đó là “nước lụt”, giới văn gừng văn nghệ thi vị nó thành “nước nổi” (híc, tôi từng có cái bút ký “Mùa nước nổi” được giải thưởng báo Văn nghệ Vàm Cỏ của tỉnh Long An). Có những năm nước dâng cao khủng khiếp, nhận chìm cả tỉnh trong biển nước. Người dân chúng tôi vẫn thường nhận được hàng cứu trợ, hầu hết là của Mỹ có dán cái huy hiệu hai bàn tay nắm lấy nhau với hai biểu tượng cờ của Hoa Kỳ và VNCH. Và tôi vẫn nhớ có những món quà của người Phi Luật Tân (tên đọc theo âm Hán Việt mà ngày trước gọi Philippines) gửi sang cứu trợ, cho dù xứ sở của họ đầu sóng ngọn gió năm nào cũng phải oằn mình vì bão dữ, lũ hung, kể cả động đất kinh hoàng.

Philippines không phải là nước giàu trong khu vực Đông Nam Á. GDP (PPP) bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 4.660 USD (trong khi của Thái Lan là 10.849 USD;  Indonesia 5.182 USD; Malaysia 17.675 USD). Chuẩn nghèo do Nhà nước đưa ra là có mức thu nhập đầu người từ 16.841 peso/năm trở xuống (khoảng 385 USD). Theo số liệu của Ủy ban Điều hợp Thống kê Quốc gia (NSCB), vào quý 1-2012, có 27,99% số dân Philippines sống dưới mức nghèo (trong khi ở Thái Lan và Indonesia chỉ có 8,5% số dân sống dưới mức nghèo), và bình quân mỗi năm cái tỷ lệ đáng buồn này tăng 1%!

Thế thì vì sao người Philippines luôn hào hiệp? Tất nhiên, phải tính tới cái đặc trưng của dân hải đảo vốn phóng khoáng giữa biển trời, sóng gió. Một yếu tố rất quan trọng là hơn 90% số dân nước này theo đạo Thiên chúa vốn được đặt trên 2 nền tảng tín lý “kính Chúa, yêu người” và cốt lõi giáo lý phải biết thương người, rộng tay làm việc từ thiện, chia sẻ vật chất cho tha nhân hoạn nạn.

Có lẽ những cái tốt đẹp nhất của dân tộc, văn hóa và tôn giáo của người Philippines đã hội tụ lại thành triết lý hay cũng là tinh thần sống gọi là “bayanihan” (đọc là “bai-a-ni-hân”). Xuất phát từ chữ “bayan” có nghĩa là thị trấn, quốc gia hay cộng đồng, từ “bayanihan” (là một cộng đồng) được dùng để chỉ tinh thần đoàn kết và hợp tác cộng đồng. Với truyền thống này, người Philippines luôn sẵn sàng và rộng lòng để chia sẻ tinh thần và vật chất với những người hoạn nạn. Với tinh thần “bayanihan”, người Philippines luôn chìa tay ra giúp đỡ những dân tộc khác đang gặp hoạn nạn và choàng tay nhau để cùng nhau vượt lên những khi dân tộc mình chịu khó khăn, thử thách.

Tôi nhớ trong lời thăm hỏi và chia buồn của mình gửi nhân dân Philippines hôm 11-11-2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama có nhấn mạnh: “Tôi biết về tinh thần quật cường phi thường của người dân Philippines, và tôi tin rằng tinh thần bayanihan sẽ ở cùng các bạn qua thảm họa này.”

Vì thế, một tuần sau trận siêu bão Haiyan tàn phá miền trung nước bạn, từ đất nước Việt Nam trải dài bên bờ Biển Đông may mắn có quần đảo Philippines làm lá chắn tiền tiêu trước sóng gió Thái Bình Dương, tôi muốn gửi tới các bạn Philippines lời cầu chúc mang tinh thần bayanihan! Các bạn đã sống với truyền thống luôn chìa tay ra cho bạn bè các nước, cộng đồng thế giới cũng chẳng bao giờ để các bạn phải đơn độc!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 16-11-2013)

+ Như bao thế hệ đã qua, rồi những người bạn Philippines sẽ nhanh chóng đứng lên từ những đổ nát, hoang tàn sau thảm họa thiên tai. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

2013nov-philippines-typhoon-haiyan-tacloban

2013nov-philippines-typhoon-haiyan-tacloban-2

131110-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-104

131112-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-007

131112-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-014

131112-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-015

131112-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-020

131112-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-city-convention-center-004

131114-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-evacuation-002