Thứ Ba ngày 23 tháng 4 năm 2024

“Hai-cu” thiệt là lợi hại

 

Haiku (hài cú) thường được đọc là “hai-cư”, nhưng chắc nhiều người thích thấy sao đọc vậy là “hai-cu”. Và để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt tránh đầu độc tư tưởng mọi tầng lớp nhân dân, sách báo của người Việt nên kiên trì giữ vững cách phiên âm tiếng Latinh của loại thơ “độc” này, không “đọc sao viết vậy”. Cụ thể là viết “haiku” thay vì “hai cu” dễ bị cho là ảo tưởng, hoang đường làm ảnh hưởng tới việc thưởng thơ “hài cú”.

Đây là một thể loại thơ cổ của Nhật Bản, có từ thế kỷ 17. Một bài thơ haiku truyền thống gói gọn trong vòng tối đa 17 âm tiết (tiếng Nhật là on) và gồm 3 câu với số âm tiết tối đa là 5-7-5.

haiku

Một bài thơ haiku Nhật Bản. (Nguồn: Internet. Thanks)

Nguyên tắc cơ bản của thơ haiku là không diễn tả cảm xúc. Nó chủ yếu là mô tả cảnh vật đương thời hay sự việc đang xảy ra. Nhưng nó phải hội đủ 2 yếu tố là “mùa trong năm” (các mùa có thể được liên tưởng bằng một hình ảnh, vật thể nào đó, như hoa mai tượng trưng cho mùa xuân, lá vàng cho mùa thu,…) và “tính tương quan giữa hình ảnh được mô tả với hình ảnh có ý nghĩa rộng lớn hơn” (như biển cả có thể suy rộng ra là lòng mẹ).

Làm thơ hailku giống như viết thư pháp hay vẽ tranh thủy mặc, chỉ phóng cọ vài nét là có thể ý tưởng tâm đắc của tác giả.

101123-27-phphuoc-japan-epson-220_resize

Một haiku nhân (người haiku) thấy được ở Nhật Bản hồi năm 2010. (PHP tại Nhật Bản)

Nhân tiện, lặp lại không bao giờ thừa. Những người viết lách rất sợ chữ nghĩa của mình viết ra bị cắt cúp, trích cú, suy diễn theo ý chủ quan của người khác.

Làm thơ haiku có khó không? Dễ ẹt, sáng nay vừa uýnh răng, tôi vừa ê a bài thơ haiku mới nảy ra trong đầu:

 

Haiku ta lá rơi

Dẻo dai và lão luyện

Nàng thích

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 12-12-2015)