Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đinh Thị Thu Vân: Tình buồn “one way”

150808-tho-dinhthi-thuvan-02_resize

 

Anh chàng bưu tá quen mang chiếc bao thư màu vàng chứa tập thơ của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân tới nhà tôi với dấu nhật kỳ ghi 22-7-2015, chỉ một ngày sau khi cô gửi nó đi từ thành phố Tân An (Long An). Nhưng tôi đang bị tẩu hỏa nhập ma lục phủ ngũ tạng kinh mạch rủ nhau làm reo sau hơn nửa thế kỷ bị cưỡng bức lao động với cường độ đêm 7 ngày 3 ca, tới nay mới có chút “hồi dương” mà “đập hộp” để “trên tay”.

Đừng Trôi Nữa Tình Yêu Mang Phận Cỏ là tập thơ mới nhất (nộp lưu chiểu quý 3-2015) của Thu Vân. Trước đó thì chưa quen nên không tính, kể từ ngày “hai đứa chung một con đường Nguyễn Huệ có lá me bay” hồi năm 1976 tới nay, Thu Vân thêm lần này là lần sinh thứ ba. Cô thai nghén thật kỹ tính. Đứa con đầu lòng Thay Cho Lời Hát Ru Anh ra đời năm 1980, đợi tới 25 năm sau mới có đứa em Một Ngày Ta Ngoái Lại (2005), và mãi tới năm 2015 mới lại có thêm một đứa con nữa. Vốn cẩn thận, tôi chỉ kê những tập thơ mà mình được khai báo, còn Thu Vân có tạt chỗ này, ghé chỗ kia hay không thì như cô tự thú “em chỉ là yêu để giữ ấm trái tim mình” (bài Chỉ Là Thương  Chính Mình Thôi, tập thơ Đừng Trôi Nữa Tình Yêu Mang Phận Cỏ). Mà tôi và các bạn yêu thơ Thu Vân chẳng bao giờ muốn trái tim cô bị giá lạnh.

Tập thơ mới của Đinh Thị Thu Vân được trình bày nhìn là biết… buồn, dung dị với phong cách và cá tính của tác giả. Trên bìa, chỉ có chữ “thơ” được in màu và với cỡ lớn nhất. Hình như nó chỉ để giúp người đọc nhận biết đó là thơ chứ không phải văn, tiểu luận hay thể loại nào khác. Tên tập thơ chữ đen với kích thước nhỏ nhất. Ở giữa hai cung bậc ấy là tên tác giả. Bên trong tập thơ cũng chẳng bị chèn, bị chêm thêm một hình ảnh hay tranh minh họa nào. Thu Vân vốn tự tin vào mình. Và người yêu thơ Thu Vân cũng chẳng hề quan tâm tới tên bài thơ chứ đừng nói chi tới tên tập thơ. Cái mà họ cần là thơ của Đinh Thị Thu Vân. Họ chỉ cần biết như vậy. Và họ chỉ yêu như vậy.

150808-tho-dinhthi-thuvan-04b_resize

Tập thơ Đừng Trôi Nữa Tình Yêu Mang Phận Cỏ có 108 trang ruột, bỏ qua bài tựa của Trung Trung Đỉnh và bài bạt của Nguyễn Đông A là 51 bài thơ của Đinh Thị Thu Vân. Tất cả đều là thơ tình. Tất cả đều là tình buồn và không trọn vẹn. Nhiều câu thơ của Thu Vân giống như những nhát dao mổ. Có đường dao banh ruột, banh tim của cô ra cho thiên hạ nhìn thấy. Có đường dao điệu nghệ và tài hoa cắt bỏ những khối u, những vết hoại tử trong tâm hồn của nàng hay chàng để rồi… người con gái đa cảm, đa tình trở lại “đã quen rồi lạnh lẽo nhân gian” (Giếng Cạn).

Để lý giải vì sao mình yêu dữ dội như vậy, Thu Vân thổ lộ:

“Không có kiếp sau, nên bao yêu mến kiếp này.

em gom góp trao anh, mong đầy thương vẹn nhớ

không thể làm thềm rêu, không thể làm bậc cửa

thì cam lòng làm tất cả… những mong manh!”

(Gió Bụi Chông Chênh)

Có vẻ như tác giả Nguyễn Đông A hiểu nhiều cả về người lẫn thơ của Đinh Thị Thu Vân. Trong bài bạt có cái tựa Đinh Thị Thu Vân Và Nỗi Buồn Tay Trắng…, tác giả này viết: “Thơ của Thu Vân là thơ tình yêu đau khổ. Thơ của cô càng đọc càng thấm bởi độ đậm đặc của sâu lắng. Bởi thơ của cô là tiếng thở dài trăn trở, là tiếng khóc, tiếng thổn thức từ trong lòng – thơ mang một tậm trạng day dứt đến thẫn thờ, một nỗi buồn sâu thăm thẳm. Bởi thơ của cô là tình yêu từ một phía, cô cho mà không nhận lại hoặc có nhận nhưng rất ít….. Thu Vân đã trải lòng, đã đi tới tận cùng cảm xúc qua từng câu thơ gan ruột.”

150808-tho-dinhthi-thuvan-03_resize

Nhớ lại chút chơi. Hồi nhỏ, tôi sống ở Kiến Tường, một tỉnh nhỏ sát biên giới Campuchia giữa Đồng Tháp Mười, nơi có những lúc chìm trong chiến tranh khốc liệt (nay là thị xã Kiến Tường thuộc tỉnh Long An). Thời tiểu học thì “chỉ biết học và chơi thôi chả biết gì”. Vào lớp đệ Thất (nay là lớp 6), bị bạn bè cặp đôi, ghép đôi miết tôi đâm ra “tức khí thành thi” khi mới 13, 14 tuổi. Tôi tuổi Gà nên thơ cũng đẻ như gà dẻ trứng. Có năm, trường tổ chức cho các lớp thi làm bích báo (nay gọi là báo tường), tôi dám một mình độc diễn nguyên một tờ bích báo, tất nhiên thơ tôi ký tên tùm lum tà la, và đoạt giải. Tôi cũng có thơ được chọn in trên các giai phẩm xuân của trường Trung học Công lập Kiến Tường. Cuối năm 1975, tôi bắt đầu viết cho báo Long An, khi ấy mới 18 tuổi, qua năm sau thì rời Kiến Tường lên Tân An bắt đầu cuộc đời làm báo. Trời xui đất khiến sao mà tòa soạn báo Long An – nơi tôi làm – sát vách với Hội Văn nghệ Long An và tòa soạn tạp chí Văn nghệ Vàm Cỏ – nơi Thu Vân làm, trên đường Nguyễn Huệ – con đường tình nhất Tân An bấy giờ. Ngay tới cái nhà ở tập thể cũng chung vách luôn. Từ phòng ngủ của mình, ngày đêm tôi cứ phải nghe ké mấy bạn văn nghệ bàn chuyện thơ văn – dĩ nhiên là có nàng Thu Vân ở bên đó. Báo Long An và Hội Văn nghệ như anh em một nhà. Thậm chí báo còn là nơi để các anh chị em bên văn nghệ lấy ngắn nuôi dài, kiếm chút cháo (nhuận bút) cầm hơi xóa đói giảm nghèo mà chờ ngày sinh các tác phẩm văn chương. Tôi và Thu Vân đều ở độ tuổi đôi mươi. Lại chung vách. Nhưng may mắn cho Trái đất là sông Vàm Cỏ Tây vẫn yên bình nước ròng, nước lớn. Mới đây có bạn hỏi tôi vậy hồi đó có nghe theo lời chế từ bài hát Yêu Người Chung Vách của nhạc sĩ Vinh Sử mà “anh cứ thèm khoét vách chun qua” không? Úy trời, nền thi ca Việt Nam vẫn còn “hồng phước”, chớ hồi đó mà tôi “khoét vách” thì bây giờ làm sao mọi người có được một nhà thơ Đinh Thị Thu Vân đáng trân quý như thế này.

Thơ của Đinh Thị Thu Vân là tiếng lòng của một người con gái rồi là một người phụ nữ khắc khoải tình yêu vô bờ bến dành cho một người đàn ông không được cấp sổ đỏ chứng nhận quyền sở hữu của mình. Quý bà đọc thơ của Thu Vân để hiểu rằng có những người phụ nữ yêu như vậy, đồng thời soi rọi vào chính tình yêu của mình. Quý ông đọc thơ của Thu Vân để hiểu hơn nữa về tình yêu mà những người phụ nữ dành cho mình. Rồi để làm gì? Có thể đã muộn. Có thể chẳng nên manh động bây giờ. Mà chỉ để:

“Biết đâu còn lúc cô đơn

đôi ba phút nhớ… mà san sớt về!”

(Biết Đâu Còn Lúc Cô Đơn)

Tôi thì có cơ duyên làm một chứng nhân cho một Thu Vân yêu từ tuổi đôi mươi. Còn đọc tập thơ Đừng Trôi Nữa Tình Yêu Mang Phận Cỏ này, bạn có thể cảm nhận được một người đàn bà tuổi 60 yêu “one way” như thế nào. Nhà giáo dục Mỹ William Arthur Ward (1921 – 1994) viết: “Yêu không chỉ là một danh từ – nó là một động từ; nó không chỉ là cảm xúc – nó là quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh…” Với Thu Vân, yêu chỉ đơn giản là để được yêu người mà mình yêu – chỉ cần yêu mà không riết róng phải được đáp trả khi mà người này hoặc người kia không thể. Cô viết: “Giá mà em làm được điều này, giá mà em ngăn được cho anh mọi xót đau cơ cực, giá mà thương yêu của em có thể làm được một điều gì…” (Trái Tim Của Những Câu Thơ Đã Khóc).

Trên Facebook sáng 8-8-2015, Thu Vân viết: “Anh Phạm Hồng Phước không nói thì thôi, chứ đã nói thì em vừa đọc vừa run lắm, tưởng tượng như có một người đang đứng khoanh tay nhìn mình, biết cả mình đang… che che giấu giấu gì gì gì! Nói vậy chứ, em đang đi trên cầu…đoạn trường, nghênh ngang dữ lắm, rất có kinh nghiệm… tự băng bó!” Ừ, vậy đó. Đinh Thị Thu Vân là vậy đó. Có gì thì tôi sẽ dùng 50.000 đồng (giá bìa tập thơ) mua bông băng gửi Express về Tân An cho người thơ tiếp tục “tự băng bó”.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-8-2015)

*****

+ Đừng Trôi Nữa Tình Yêu Mang Phận Cỏ, Đinh Thị Thu Vân, Tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2015. Giá bìa: 50.000 đồng.