Thứ Sáu ngày 03 tháng 1 năm 2025

Có nên cho trẻ em tiếp cận quá sớm với thiết bị công nghệ?

 

Cuối năm có lễ Noel liền kề với đầu năm có ngày Tết là mùa mua sắm của người lớn và mùa nhận quà của trẻ em. Và trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người chọn những thiết bị công nghệ làm quà tặng nhau, dĩ nhiên bọn nhóc vốn hiếu động, ham những gì mới lạ và hấp dẫn luôn hoan nghênh kịch liệt những món quà công nghệ này.

Trong một lần ghé lại Taipei (Đài Loan) chờ bay tiếp qua Mỹ, tôi ngồi gần một chị Việt kiều có 3 con nhỏ ở tuổi mẫu giáo và tiểu học. Thấy mỗi đứa trẻ chúi mắt vào một chiếc iPad riêng của mình, tôi bâng quơ: “Ngon lành nghen. Mỗi nhóc một chiếc, khỏi lo xử chuyện tranh giành nhau.” Mẹ của “ba iPad” phân bua: “Ở Mỹ đồ này rẻ mà anh, nhất là trong những dịp sale hàng. Đi học về, tụi nhỏ chơi iPad khỏi quấy nhiễu cha mẹ, để tôi rảnh tay lo cơm nước, chuyện nhà. Tụi nó vừa chơi, vừa học trên iPad đó.”

Trong thực tế, ngày trước là máy tính, nhất là laptop, sau này là máy tính bảng và smartphone đã được ngày càng nhiều phụ huynh sử dụng như phương tiện giải cứu cho mình rảnh tay với bọn trẻ. Chỉ cần đưa chiếc máy tính bảng và điện thoại cho bọn trẻ là cha mẹ mặc sức làm gì thì làm. Hệ quả là trẻ em được tiếp cận với các thiết bị điện tử từ rất sớm, thậm chí mới biết ngồi đã biết thao tác trên màn hình thiết bị rồi.

Đó là lý do mà trên cả thế giới trong thời gian qua vẫn luôn xuất hiện những câu hỏi chung: liệu có nên cho trẻ em tiếp cận với thiết bị công nghệ? Tất nhiên luôn có 2 luồng ý kiến khác nhau: ủng hộ và phản đối. Có lẽ nhiều người rơi vào tình huống chẳng đặng đừng, không còn cách nào tốt hơn. Tôi không phải dĩ hòa vi quý, nhưng nghĩ có lẽ chính xác hơn nên đặt câu hỏi “liệu có nên cho trẻ em tiếp cận với thiết bị công nghệ QUÁ SỚM?” Và như thế người ta có thể tìm thấy câu trả lời ngay trong câu hỏi này.

Có thể nói ngay rằng, hầu hết các cuộc khảo sát và ý kiến của giới chuyên môn đều không phản đối việc cho trẻ em tiếp cận với các thiết bị điện tử có màn hình, họ chỉ khuyến cáo không nên cho trẻ tiếp xúc chúng ở độ tuổi quá nhỏ và nói chung là cần quan tâm, quản lý việc trẻ em – bất cứ độ tuổi nào – chứ không thể cứ theo cách làm của nhiều người: cứ quăng cho trẻ chiếc điện thoại hay tablet rồi để mặc chúng làm gì thì làm, miễn là không quấy rầy cha mẹ.

Có lẽ những người làm công nghệ hiểu rõ hơn ai hết cái lợi, cái hại của các thiết bị công nghệ. Đơn giản là cũng giống như mọi công cụ, các thiết bị công nghệ chỉ có lợi khi người dùng biết cách sử dụng chúng một cách tốt đẹp và đúng đắn. Cho dù là người góp công xây dựng nên một trong những vương quốc công nghệ lớn nhất thế giới mà những chiếc iPhone, iPad giờ đây đang nằm trên tay nhiều trẻ em, “huyền thoại Apple” Steve Jobs lại hạn chế một cách nghiêm khắc việc con mình tiếp cận với những thiết bị công nghệ. Trong một bài viết trên báo New York Times năm 2014, nhà báo Nick Bilton đã kể lại một cuộc chuyện trò của mình với Jobs sau khi Apple tung ra chiếc iPad đầu tiên. Nghe hỏi liệu các con của ông có thích chiếc tablet mới này, Jobs trả lời: “Chúng chưa được dùng nó đâu. Chúng tôi hạn chế mức độ bọn trẻ của mình sử dụng công nghệ ở nhà.” Jobs rất vui khi khoe rằng: “Bọn nhóc của chúng tôi dường như không bị nghiện chút nào với các thiết bị công nghệ.”

Nhưng CEO của Apple không đơn độc. Không ít nhân vật công nghệ nổi tiếng khác cũng cẩn trọng trong việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ. Chris Anderson, cựu biên tập viên của tạp chí công nghệ Wired và đồng sáng lập công ty sản xuất thiết bị bay không người điều khiển (drone) 3D Robotics kể rằng ông bị các con của mình “buộc tội” là quan ngại thái quá về công nghệ, càm ràm rằng chẳng có đứa bạn nào của chúng lại bị cha mẹ quản lý việc tiếp cận với thiết bị công nghệ quá nghiệt như vậy. Anderson giải thích: “Đó là vì chúng tôi đã mắt thấy tai nghe nhìn thấy được những sự nguy hiểm của công nghệ. Tôi đã nhìn thấy điều đó ngay từ bản thân mình, tôi không muốn nhìn thấy nó xảy ra với các con mình.”

Trong bài này, chúng tôi không nói lại về những cái lợi và cái hại của các thiết bị công nghệ đối với trẻ em. Chúng tôi chỉ xin chia sẻ với bạn đọc những kinh nghiệm mà các chuyên gia khuyên dùng để giảm thiểu những tác hại và tối đa hóa các ích lợi mà smartphone và tablet có thể đem lại cho trẻ em:

– Hãy làm cho thời gian sử dụng thiết bị công nghệ là một cuộc tương tác giữa cha mẹ và con trẻ. Nghĩa là cả nhà cùng chơi. Bộ não và ngôn ngữ của trẻ sẽ được giúp phát triển tốt hơn nếu như bạn nói với chúng về những gì đang xuất hiện trên màn hình. Ở đây tác dụng càng sâu rộng hơn khi bọn trẻ được trải nghiệm một không gian 3 chiều hấp dẫn hơn chỉ nghe đọc sách. Bạn và con trẻ có thể trao đổi với nhau về những gì trên màn hình, trao đổi những ý tưởng, liên hệ những gì trên màn hình với cuộc sống thực. Theo các nhà nghiên cứu, các nội dung có tính tương tác ảnh hưởng tới não bộ nhiều hơn là những nội dung thụ động như xem truyền hình, xem phim, đọc sách.

– Nếu như thiết bị có tích hợp tính năng kiểm soát của phụ huynh (parental control), bạn hãy tận dụng nó một cách cao nhất có thể được. Điều này giúp cha mẹ có thể kiểm soát được con trẻ cả về thời gian sử dụng thiết bị lẫn những gì chúng làm khi online.

– Không bao giờ cho trẻ chơi thiết bị có màn hình ở ngoài trời. Mắt người lớn còn khốn khổ và có hại trong môi trường này, huống chi những đôi mắt còn non yếu và đang phát triển của trẻ. Chớ có cả tin vào những quảng cáo rằng màn hình ứng dụng công nghệ mới có thể sử dụng ngoài trời.

– Chớ bao giờ sử dụng thiết bị công nghệ như một món đồ chơi để dỗ hay dụ trẻ nín khóc hay không quậy phá.

– Hãy chọn các ứng dụng, trò chơi, nội dung bổ ích, có tính giáo dục phù hợp với độ tuổi của trẻ. Xin lưu ý là không được áp đặt trẻ chỉ được chơi những thứ mà cha mẹ thích. Hồi năm 2014, Trung tâm Y khoa Trẻ em Cohen ở New York (Mỹ) có tiến hành một cuộc khảo sát xem liệu trẻ từ 3 tuổi trở xuống bị ảnh hưởng ra sao khi chơi với thiết bị có màn hình cảm ứng. Kết quả là những trẻ chơi những trò chơi không có tính giáo dục trên màn hình cảm ứng càng nhiều thì càng có điểm phát âm, nói thấp hơn.

– Mỗi ngày chỉ cho phép trẻ tiếp xúc với thiết bị trong một thời gian hợp lý. Trẻ càng dán mắt vào màn hình thiết bị lâu (tức sống ảo) thì càng có ít thời gian cho các hoạt động trong cuộc sống thực. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị rằng thời gian tiếp xúc với màn hình thiết bị được giới hạn tối đa là 2 giờ mỗi ngày đối với trẻ em từ 3 tới 18 tuổi. Tuyệt đối không cho trẻ từ 2 tuổi trở xuống tiếp cận với màn hình thiết bị. Cần khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ em tương tác trực tiếp ngoài đời thực với bạn bè, người khác chứ không phải thông qua thiết bị.

Có thể tóm gọn như thế này: có thể cho trẻ em ở các độ tuổi thích hợp tiếp cận với các thiết bị công nghệ. Nhưng nếu cha mẹ không thể cùng chơi hay quản lý chăt chẽ được việc trẻ tiêp xúc với thiết bị công nghệ (cả về thời gian sử dụng lẫn nội dung) thì tốt cho tất cả vẫn là giữ trẻ tránh xa các thiết bị công nghệ. Huyền thoại công nghệ Steve Jobs đã làm như vậy đó.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 25-12-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online