Thứ Ba ngày 08 tháng 10 năm 2024

Từ “Made in C.” tới “Made in V.”

150508-lumia-640-01_resize

 

Khi cầm chiếc smartphone Microsoft Lumia 640 với chiếc hộp cũng hình vuông dẹp quen thuộc nhưng có kích thước lớn hơn hộp Lumia 730 chừng 1cm, theo phản xạ có điều kiện, tôi bèn lật bên hông hộp ra coi xuất xứ và thông tin sản phẩm. Thiệt là nhẹ lòng khi thấy dòng xuất xứ “Made in Vietnam”. Nhà sản xuất ghi là “by Microsoft Mobile”, sản xuất ngày 31-3-2015.

Thông tin chi tiết hơn được ghi trên tem của nhà phân phối FPT. Ghi là “Nhà sản xuất: Microsoft Mobile (Vietnam) LLC. Địa chỉ nhà sản xuất:….. Khu công nghiệp và đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh”.

150508-lumia-640-05_resize

Mở nắp lưng máy ra, dòng xuất xứ trên label bên trong thân máy cũng rành rành “Made in Vietnam”.

150508-lumia-640-03_resize

Tiếp tục khám phá, tôi đọc trên vỏ hộp của Lumia 730 sản xuất ngày 22-11-2014 cũng với nhà sản xuất “by Microsoft Mobile”, nhưng dòng xuất xứ ghi là “Assembled in China” (được lắp ráp ở Trung Quốc). Có lẽ để tránh cái xuất xứ “Made in China” giờ đây đầy nhạy cảm, Microsoft Mobile dùng cái từ chung chung là “lắp ráp”.

Thế nhưng trên hộp của chiếc Lumia 430 sản xuất ngày 30-3-2015 vẫn ghi là “Made in China”.

150508-lumia-640-04_resize

Xin lưu ý là cả 3 chiếc smartphone Lumia này đều được xuất cho thị trường Việt Nam với ký hiệu “VN” trên mã số.

Thiệt lòng tôi năn nỉ xin đừng có phê phán là tôi theo “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” hay “bài ngoại”. Tại sao tôi mê mẩn cả xác lẫn hồn trước những dòng xuất xứ “Made in USA”, “Made in Germany”, “Made in France”,… mà sao mấy năm sau này lại “nổi sẩy” với cái dòng “Made in China”? Cũng thiệt lòng mà nói, đâu phải hàng “Made in China” nào cũng là đồ tệ đâu. Vấn đề đá tới đá lui vẫn là “sự sáng suốt của người dùng” (tôi không dùng chữ “thông minh” bởi tôi cảm thấy hình như mình có chút chút “smart” để nhận ra từ đó “nhạy cảm” và bị lạm dụng). Nói thiệt lòng (lại thiệt lòng nữa kìa), trong thời buổi phân công lao động và tối ưu hóa sản xuất kinh doanh này, ai mà cực đoan với cái nhãn “Made in China” thì có nước như cái ông vua gì gì đó trong chuyện cổ tích Andersen. Biết mần răng khi ta phải sống giữa bao la các sản phẩm thương hiệu quốc tế được sản xuất ở “Xứ lạ”. Ăn thua là biết chọn mua mà thôi.

Lâu nay cũng có không ít người bỉu môi nói rằng: “có chi mà ham hố với cái nhãn Made in Việt Nam, mình chỉ lắp ráp thôi chớ có sản xuất được cái gì đâu”. Hiện tượng thì đúng là như vậy thiệt. Nhưng bản chất thì hỗng phải như vậy. Cái nhãn “Made in Vietnam” không phải từ trên trời rơi xuống và mặc nhiên nằm trên các sản phẩm thương hiệu quốc tế. Trầy vi tróc vẩy chớ đâu có chơi. Tại sao người ta lại chọn Việt Nam để mở nhà máy hay gia công sản xuất? Kết quả nhãn tiền là những nhà máy này sẽ đem lại công ăn việc làm và tay nghề cho biết bao người lao động Việt Nam (như các nhà máy Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên hiện có hơn 100.000 công nhân Việt Nam). Chúng còn làm nghĩa vụ với Việt Nam, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam. Trong chừng mực nào đó, chúng cũng đem lại công ăn việc làm cho nhiều dịch vụ phụ trợ của Việt Nam (cái này nhiều ít tùy theo nội lực của chính người Việt mình thôi). Và đâu phải chỉ có cái “Made in Vietnam” mới như vậy. Ngay cả những sản phẩm “Made in USA” cũng có những thành phần do nước khác sản xuất kia mà. Vì thế, xin hãy nhìn cái nhãn “Made in Vietnam” trên sản phẩm của các thương hiệu quốc tế một cách fair play và công bằng (chưa cần phải tự hào nếu chưa tâm phục khẩu phục).

Đó là lý do vì sao tôi luôn hào hứng săn tìm những sản phẩm quốc tế có ghi xuất xứ “Made in Vietnam”. Nhìn thôi đã sướng rồi!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-5-2015)