Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024

Ngày cuối cùng của năm 2014

141231-phphuoc-last-bloc-02_resize

 

Chỉ nội cái tít thôi cũng cho thấy cuộc đời sao mà phức tạp quá chừng. Có cái tự nó phức tạp, nhưng đa phần là do chính con người tự làm phức tạp vấn đề gây phức tạp cho mình và làm cho cuộc đời thêm phức tạp, rồi ngồi than thở là sao mà phức tạp vậy nè.

Này nhé, nếu viết là “ngày cuối năm”, chẳng ai biết là cuối năm nào. Nếu viết là “ngày cuối cùng”, e có người suy diễn là tôi “trăn trối”. Vậy nên phải viết hơi dài một chút cho nó trọn nghĩa.

Heyda, một trong những công việc đầu tiên của ngày cuối cùng của năm là mò tới bên cuốn lịch bloc, xé tờ lịch của ngày 30-12 cho lộ ra tờ lịch cuối cùng là ngày 31-12. Năm 2014 này, ngày trên 31, ngày dưới 10-11 năm Giáp Ngọ. Vậy là cuốn lịch bloc đã hoàn thành nhiệm vụ cũng là vòng đời của mình.

141231-phphuoc-last-bloc-03_resize

Cuốn lịch bloc 2014 đã hoàn thành nhiệm vụ.

 

Hơi bị quởn, tôi ngó tờ lịch cuối cùng của năm mà thử làm một “triết gia” cấp tổ dân phố. Cái bloc lịch cũng thể hiện cái lẽ công bằng của cuộc đời. Tờ lịch đầu tiên mang số 1-1 ăn trên ngồi trước thiên hạ, được tô vẽ khoác xiêm áo rực rỡ nhất trong số 365 tờ lịch của một năm lại có giấc mộng công hầu chỉ dài vỏn vẹn thời gian nấu chín một nồi cháo kê vàng (giấc mộng kê vàng). Nó chỉ tồn tại có 1 ngày trên cuốn lịch. Còn tờ lịch ngày 31-12 suốt một năm trời bị đè đầu đè cổ, phải đứng khuất sau 364 tờ lịch khác, lại là tờ lịch thọ nhất và trở thành tờ lịch cuối cùng gắn với cái bìa lịch. Phải chăng đó cũng là triết lý “thập diện mai phục”, câu cá chờ thời của Khương Tử Nha?

Tôi lại nhớ tới dụ ngôn ông chủ vườn nho mà Thánh Matthew (Mát-thêu) viết trong Tân Phúc âm của đạo Công giáo. Chúa Jesus dạy rằng: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.” Cũng trong Tân Phúc âm, Thánh Luke (Lu-ca) thuật lại lời Chúa Jesus dạy về lòng khiếm tốn nhân đi dự đám cưới: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.” Để rồi Ngài kết luận rằng: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Heyda, phức tạp quá, sao ngày cuối năm tôi lại hết làm “triết gia” lại nhảy qua làm “giáo sĩ” vậy kìa?

Theo tập tục lâu đời “ôn cố tri tân”, ngày cuối cùng của một năm thường được người ta dành để nằm vắt chân lên trán mà tổng kết cuộc đời mình trong suốt một năm qua. Tổng kết sẽ chỉ đơn giản là thống kê nếu như người ta không nhìn ra được những bài học tốt xấu từ những gì đã xảy ra. Hậu quả là năm mới sẽ có nhiều khả năng lại “vũ như cẩn” (vẫn như cũ).

Tôi thích thiền, thích tịnh mà tâm cứ “cục cựa”, nên đành chọn một triết lý của đạo Phật là “buông xả”. Điều gì có thể buông được thì cứ buông cho lòng thanh thản mà bước tiếp trên cõi hồng trần này. Cái gì cũng ghim gút, lưu trữ ở trong lòng lâu năm tích tụ lại dễ gây thành “ung thư tâm trạng”. Đời là vô thường, biết ra sao ngày mai Que sera sera, What will be, will be… (*) Bởi vậy xin đừng trách kẻ lãng tử giang hồ này luôn vỗ bụng làm trống mà nghêu ngao câu hát Besame, besame mucho. Como si fuera esta noche la última vez. Kiss me, kiss me a lot. As if tonight were the last time. Yêu nhau đi, đời ta có nghĩa chi…. Yêu nhau đi, mình không nên tiếc chi… (**)

Mà đời ta đây còn có chi để mà tiếc, à há!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 31-12-2014)

—-

(*) Ca khúc Que sera sera được hai tác giả Jay Livingston và Ray Evans xuất bản năm 1956.

(**) Ca khúc Besame Mucho được nhạc sĩ Mehico Consuelo Velázquez viết năm 1940.

 

Ngày cuối năm, mời bạn cùng thưởng thức hai ca khúc đầy tâm trạng:

Que sera sera

Besame Mucho