Chủ nhật ngày 06 tháng 10 năm 2024

Tạm biệt, mong sớm tái ngộ, thưa danh tướng Trần Nguyên Hãn

130208-tetquyti-duonghoa-nguyenhue-saigon-phphuoc-001_resize

 

“Dân ta phải biết sử ta”. Đúng như vậy mà. Cũng đúng luôn khi “Cái gì không biết thì tra Google”. Bởi vậy, dân học Sử Việt làm sao xa lạ với ngài Trần Nguyên Hãn, một võ tướng trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và là một trong những công thần của “Anh hùng Áo vải” Lê Lợi.

Có lẽ trong các vị anh hùng dân tộc, Trần Nguyên Hãn có cơ duyên gắn bó với Sài Gòn một cách đặc biệt, cho dù ông sinh ra ở tận Sơn Đông, Vĩnh Phúc (miền bắc) và cho tới khi tự trầm mình do bị chính vua Lê Lợi bức tử năm 1429, ông cũng chẳng hề dính dáng chi tới thành phố phương Nam này. Bởi nói tới Sài Gòn là nói tới chợ Bến Thành. Mà cái ảnh chụp chợ Bến Thành nào từ cuối thập niên 1960 tới cuối năm 2014 cũng đều dính hình ảnh pho tượng Trần Nguyên Hãn cỡi ngựa với chim bồ câu (đưa thư) trên tay sừng sững đứng cùng năm tháng giữa vòng xoay Công trường Quách Thị Trang trước cửa chính chợ Bến Thành.

140822-saigon-chobenthanh-phphuoc-002_resize

Trước 1975 ở Saigon, hầu như các quân binh chủng của quân đội VNCH đều có một vị thánh tổ, thường là những anh hùng dân tộc (như Trần Hưng Đạo của hải quân, An Dương Vương của pháo binh, Phù Đổng Thiên Vương của thiết giáp,…). Binh chủng truyền tin đã chọn Tả tướng quân Trần Nguyên Hãn làm thánh tổ của mình và được cho phép dựng tượng ở trước chợ Bến Thành. Sở dĩ binh chủng này chọn Trần Nguyên Hãn làm thánh tổ vì lịch sử chép rằng vị tướng này thời đó đã biết huấn luyện và dùng chim bồ câu truyền báo thông tin giúp giải vây cho những đạo quân.

tuong-trannguyenhan-saigon-1967

Tượng Trần Nguyên Hãn khi mới được dựng tại Sài Gòn năm 1967. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

 

Trần Nguyên Hãn là một trong những nạn nhân lịch sử của lòng đố kị từ bọn gian thần và tật xấu hồ đồ, bị xu nịnh (hay thậm chí sợ mất ghế) của bề trên. Sử chép: Năm 1429, Trần Nguyên Hãn xin về trí sĩ sau khi đã có công lớn giúp Lê Lợi lên ngôi vua. Do thấy ông xây phủ lớn, đóng thuyền to, những kẻ xấu trong triều đình vốn có lòng đố kị đã vu cho ông có ý soán nghịch. Vua Lê Thái Tổ ra lệnh bắt ông về triều xét xử. Trần Nguyên Hãn đã uất ức trầm mình tại Bến Sơn Đông, để lại câu than nhức nhối ngàn sau: “Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời dèm mà hại tôi. Hoàng thiên có biết không?” (Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn).

Pho tượng Trần Nguyên Hãn đã đứng trước ngôi chợ biểu tượng của Sài Gòn chứng kiến biết bao dòng đời ngược xuôi, bao chuyện bể dâu. Khoảng trưa 27-7-2013, một chân bên phải của con ngựa bị gãy rời. Trước đó, một chân bên trái của con ngựa cũng bị gãy và được cơ quan quản lý của quận 1 nối lại được. Tới lần này thì tình hình có khác. Khu vực trước chợ Bến Thành được quy hoạch xây dựng nhà ga Metro chợ Bến Thành của hệ thống đường sắt đô thị. Bên chân gãy đã được phục hồi, nhưng pho tượng Trần Nguyên Hãn nhận được lệnh phải di dời về Công viên Phú Lâm (quận 6). Cùng được di tản một chuyến với ông là pho tượng bán thân nữ sinh Quách Thị Trang vốn được Hội Sinh viên – Học sinh Sài Gòn xây dựng năm 1964 để tưởng nhớ người con gái đã hy sinh tháng 8-1963 trong cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm thời bấy giờ. Pho tượng Quách Thị Trang được đưa về trưng bày tại Công viên Lý Tự Trọng (quận 1). Công việc di đời hai pho tượng nổi tiếng này đã được tiến hành ngày 21-11-2014 vì ngày 9-1-2015 phải bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công tuyến đường sắt đô thị. Theo báo Thanh Niên (21-8-2014), sau khi hoàn thành tuyến đường sắt đô thị và quy hoạch chi tiết khu vực vòng xoay Quách Thị Trang gắn với nhà ga metro, tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang sẽ được chuyển về vị trí cũ.

Ngày 15-1-2015, khi có dịp đi ngang qua trước chợ Bến Thành, tôi thấy ở giữa bùng binh Công trường Quách Thị Trang đã xuất hiện một công trình thiết kế tạm với con số 40 to tướng để kỷ niệm 40 năm (1975-2015) kết thúc cuộc chiến tranh khiến huynh đệ tương tàn mà dân tộc Việt bị dòng đời xô đẩy phải gánh chịu. Một mặt tiền chợ Bến Thành lạ lẫm.

20150115_114729_resize

Hy vọng và chờ mong tới một ngày được cỡi metro xuyên lòng đất tới chợ Bến Thành gặp lại tướng quân Trần Nguyên Hãn cỡi ngựa oai phong. Nhưng muốn được như vậy, xin đừng ai xét lý lịch ngài một cách cố chấp và thiển cận để ngài còn có cửa mà được hồi cư. Xin đừng cắc cớ tra vấn ngài từ đâu tới? ai đã làm ra ngài? Trần Nguyên Hãn là một anh hùng dân tộc và pho tượng này của ngài cho dù làm bằng vật liệu rất đỗi dân dã nhưng vẫn là một hiện vật lịch sử chỉ còn 2 năm nữa là được nửa thế kỷ tuổi đời. Trần Nguyên Hãn đã được hậu duệ của vua Lê Thái Tổ là Lê Nhân Tông năm 1455 giải oan và phục chức, truy phong là Phúc Thần; và là một công thần khai quốc nhà Lê hiếm hoi được cả nhà Mạc thù địch sau này truy phong là Tả Tướng Quốc – Trung Liệt Đại Vương.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 17-1-2015)