Thứ Sáu ngày 04 tháng 10 năm 2024

Chủ nhật Phục sinh – Chủ nhật Thanh minh

Happy-Easter

 

Bữa nay 5-4-2015 là một ngày Chủ nhật đặc biệt và hiếm có. Ngày Chủ nhật Thiên chúa giáo – Phật giáo đề huề (xin mượn cái cách dùng chữ của phong trào Pháp – Việt đề huề thời Phú Lãng Sa còn phấp phới cờ Tam tài trên cõi Indo-Chinoise). Ngày Chủ nhật hòa đồng tôn giáo (lại nhớ tới cái Tháp Hòa đồng Tôn giáo ở Phú Lâm bên trái là chữ vạn, bên phải là cây thập giá, có từ thập niên 1960 và đã bị dỡ bỏ năm 2009). Bởi lẽ hôm nay vừa là Chủ nhật Phục sinh của người Thiên chúa giáo, vừa là ngày lễ Thanh minh của người Phật giáo, cả hai đều là sự kiện tôn giáo trọng đại có tầm cỡ quốc tế.

150405-calendar-phucsinh_resize

Chủ nhật Phục sinh sau tuần tam nhật Phục sinh (từ thứ Năm tuần thánh tới thứ Bảy tuần thánh với nghi lễ chính là lễ Vọng Phục sinh tối thứ Bảy tuần thánh) là ngày người Thiên chúa giáo chào mừng mầu nhiệm Chúa Jesus bị những kẻ chống và sợ Ngài đóng đinh trên cây Thập giá và sống lại sau đó 3 ngày. Sự kiện này được các giáo hội Thiên chúa giáo toàn cầu tổ chức hàng năm để như một cơ hội cho các tín đồ sám hối, ăn năn và chuộc tội; như một cú hích để họ xung phong chiến thắng các cám dỗ của quỷ Satan; như một cơ hội để họ thanh tẩy mình cho tâm hồn thanh thản, nhẹ nhõm và sạch sẽ chuẩn bị đón ơn tái sinh; đồng thời cũng như một sự nhắc nhở về giao ước Thiên chúa cứu độ loài người.

Đối với người Thiên chúa giáo, Phục sinh là mầu nhiệm lớn nhất và nền tảng của giáo lý. Thật sự là loài người chỉ có thể được hòa giải với Thiên chúa và được cứu độ thông qua mầu nhiệm Chúa Jesus chết đi và phục sinh. Nếu Chúa không sống lại, Ngài cũng chỉ giống như các vị thánh khác. Nếu như không có sự phục sinh của Chúa Jesus, con đường theo đạo của các giáo dân coi như kết thúc, không có tương lai.

Người phương Tây có một lời khuyên minh triết rằng: chớ có tranh cãi về tôn giáo và chính trị. Bởi một cái là lòng tin và một cái là lý tưởng của con người.

Chuyện Chúa Jesus chết đi là một sự thật. Chuyện Chúa Jesus sống lại là một mầu nhiệm. Mà mầu nhiệm thì đòi hỏi tín đồ phải có lòng tin vô điều kiện. Bất cứ tôn giáo nào cũng có những mầu nhiệm không thể lý giải theo sự hiểu biết và theo cách của con người. Vì thế, tôn giáo là một dạng thức không thể ép buộc người đời phải theo. Tôn giáo chỉ dành cho những ai thật sự giác ngộ và có lòng tin mạnh mẽ vào những tín lý mà mình nhận thức là đúng.

Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà giáo hội Vatican yêu cầu các giáo dân trong lễ Vọng Phục sinh phải tiến hành lại nghi thức tuyên xưng đức tin của mình đối với các tín lý nền tảng. Và cũng khó tránh khỏi “tai nạn” khi có kẻ bị chia trí sau ba lần dõng dạc hô “Con xin từ bỏ” các thói hư, tội lỗi, ma quỷ tới chừng cha chủ tế hỏi “Con có tin Chúa… không” lại quen miệng mà rằng “Con xin từ bỏ” thay vì “Con tin”.

Vì thế, ngày Chủ nhật Phục sinh là ngày để mọi người ăn mừng và chúc mừng nhau. Không có trứng Phục sinh (Easter egg) ư, có sao đâu, cứ mời nhau mấy quả hột vịt lộn với lon bia Heineken là đủ ấm lòng bằng hữu rồi.

150405-calendar-thanhminh_resize

Chủ nhật 5-4-2015 này, trong khi các giáo dân tấp nập tới nhà thờ dự lễ Phục sinh, các Phật tử nhộn nhịp tới chùa cúng lễ Thanh minh.

Cho dù chưa từng đọc Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, nhiều người Việt ắt cũng từng nghe tới 2 câu thơ trích trong đó:

Thanh minh là tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

Năm Ất Mùi 2015, tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 17 tháng Hai (tức 5-4 dương lịch). Mùa xuân đã chính thức chấm dứt khi tiết Xuân phân hoàn thành một vòng nhật nguyệt vào ngày 16 tháng Hai.

Tảo mộ thì biết rồi. Còn đạp thanh là gì hén? Thanh đây là cỏ xanh. Tương truyền, vào ngày Thanh minh ở Trung Hoa thời cổ xưa, lúc đó vừa hết tiết Xuân phân nhưng trời vẫn còn mát mẻ và cây cỏ vẫn xanh rì, nam thanh nữ tú dập dìu “đạp lên cỏ” mà trẩy hội.

Lễ Thanh minh được người Việt theo Phật giáo duy trì cho tới ngày nay là dịp để người ta dọn dẹp, sửa sang phần mộ của những người đã khuất và vào chùa cúng bái tưởng niệm, cầu siêu cho những người đã khuất. Tội nghiệp, những người ở “thế giới đa số” thường lâm vào cảnh no dồn, đói góp. Nhà cửa mới được o bế, tân trang dịp tảo mộ trước Tết âm lịch, giờ lại được chăm chút lần nữa chỉ cách chưa đầy 2 tháng, để rồi bị bỏ xó cho tới gần tết năm sau. Ai may mắn thì trong cái khoảng 10 tháng đằng đẵng đó còn một lần nữa được người thân viếng mộ, cúng kiến trong ngày giỗ kị.

Phục sinh và Thanh minh trong năm Ất Mùi 2015 diễn ra trong cùng một ngày Chủ nhật 5-4. Hai sự kiện trọng đại của Thiên chúa giáo và Phật giáo này có một điểm chung. Đó là có liên quan tới sự chết, tới đời sau, kiếp sau. Chúng như một dịp để người ta nhớ tới cái hữu hạn của kiếp người, ý thức được cái vòng sinh tử sinh ký tử quy, hiểu thấu được rằng cái cõi lai sinh ở thế giới bên kia chỉ có thể được người ta chuẩn bị, đầu tư ngay từ kiếp này. Có câu ngạn ngữ: hãy sống như thể ngày mai ta chết. Nhưng không phải là để sống cuồng, sống vội nhằm hưởng thụ với lý lẽ rằng kẻo mai này Diêm vương có hỏi còn biết mà “nổ” về những cái gọi là lạc thú cuộc đời. Hãy sống như thể ngày mai ta chết để những gì có thể làm được hôm nay không để lại sang ngày mai. Hãy sống như thể ngày mai ta chết để sống cho đáng sống, sống sao cho vui mình, đẹp người. Hãy sống như thể ngày mai ta chết để luôn trong tư thế sẵn sàng cho một chuyến hồi hương bằng vé one-way.

P/S: Trên tinh thần hiểu thấu lẽ nhân sinh đó, ai có ý định yêu tôi hay tặng quà cho tôi, xin chớ để ngày mai. Đòi nợ tình thì luôn available, còn đòi nợ tiền thì wait and see.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon Phục sinh 2015 và Thanh minh Ất Mùi, 5-4-2015)