Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Buồn mà chẳng hiểu vì sao tôi buồn

 

 

Một anh bạn khoe trên Facebook thư mời tới nhận giải thưởng của hội nhà báo một địa phương. Thiệt là chúc mừng anh bạn không làm nghề báo lại đoạt được giải dành cho giới nhà báo do chính hội nhà báo trao tặng.

Nhưng nhìn tấm thiệp mời, tôi bỗng rên rỉ lời hát “Chiều buồn len lén tâm tư…” (bài hát Hoài Cảm của Cung Tiến) rồi ư ử câu thơ “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (bài thơ Chiều của Xuân Diệu). Bởi nằm ngay trên cùng của tấm thiệp mời là logo của HNB nằm ngang hàng với logo của nhãn hàng D.T. Vậy thì ra đây là giải thưởng do ông chủ của D.T. tài trợ.

Lẽ ra chuyện cũng chẳng có gì phải ầm ĩ giữa thời mà nhìn đâu, đi đâu cũng giăng đầy những lá bùa “xã hội hóa”.

Vậy mà tôi vẫn buồn – nỗi buồn của một người đã có gần 40 năm đam mê đeo đuổi cùng nghề báo.

Thứ nhất là tôi buồn chuyện tài trợ. Tôi vỗ 2 tay, đập 2 chân mà hoan nghinh chuyện xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng cùng chung tay góp sức vào những công việc của hội. Tôi thiệt lòng biết ơn những tấm lòng như vậy. Chỉ có điều, không phải bất cứ hoạt động chuyên môn nào cũng cần phải xã hội hóa một cách lộ liễu. Hoặc giả nếu thiệt tâm có lòng ưu ái với nhau, và có chừng mực, nhà tài trợ cũng biết lúc nào nên có một bước lùi vào phía sau hậu trường. Làm sao để quan viên làng trên xóm dưới nhìn vào thấy giải thưởng danh giá của người làm báo được chính hội nghề nghiệp của mình tôn vinh chứ không phải cậy nhờ bất cứ một doanh nghiệp nào. Chuyện tế nhị cho mọi phía. Chẳng hạn sau này khi đi tác nghiệp có đụng chạm chi tới nhà tài trợ đó, biết đâu phóng viên lại nhận được lời “nhắn gửi”: tụi tui từng tài trợ trao giải cho mấy ông đó. Tôi thiển nghĩ, một giải thưởng như giải của giới báo chí đâu cần quá nhiều tiền chi phí và chẳng lẽ các tòa soạn báo chí thành viên lại không đủ khả năng chung tay góp sức lại để tổ chức giải vinh danh nghề nghiệp của mình. Các doanh nghiệp và xã hội nếu có lòng xin mời đến dự và tặng quà chúc mừng. Tình cảm và vui vẻ cả làng trên xóm dưới.

Có lần tôi dự lễ trao giải báo chí của một HNB địa phương. Trên tấm phông sân khấu lồ lộ và kiêu hãnh manchette của một tờ tạp chí nổi tiếng là giàu có nhờ quảng cáo. Tất nhiên fairplay là ai tài trợ thì người đó phải được hài danh tính. Nhưng có cái gì đó chôi chối trong lòng, sao mà giống như một tờ báo đứng ra trao giải thưởng nghề nghiệp cho các tờ báo khác. Thắc mắc biết hỏi ai là liệu phóng viên của một tờ báo cạnh tranh với tạp chí này có thoải mái lên nhận giải thưởng hay không?

 

Thứ hai là tôi buồn về doanh nghiệp tài trợ. Xin khai báo là tôi chẳng có ân oán chi với họ hết ráo. Thậm chí tôi từng là một fan của họ, từng cưỡng ép cả nhà phải uống loại trà “nhà vua” của họ (mỗi lần tôi mua cả lốc về cho vào tủ lạnh uống dần). Chỉ có điều trong thời gian gần đây, doanh nghiệp này để xảy ra những tai tiếng, gây sốt nóng trên báo chí và trong cộng đồng. Nhiều tờ báo thuộc HNB này đã có những bài viết phê phán cách hành xử chưa hay của doanh nghiệp đó. Vậy mà chỉ sau đó vài tháng, logo của nhãn hàng đó lại được nằm ngang hàng cùng logo của HNB địa phương này trong một sự kiện danh giá của nghề nghiệp. Chuyện này thiệt tình là gây khó xử cho các nhà báo hội viên nào không thuộc bên đứng về phía doanh nghiệp đó.

Có người nói rằng nếu không có doanh nghiệp phụ một tay thì hội không có tiền trao thưởng. Ừ, nhưng chẳng lẽ cả một địa phương như thế này mà không kiếm được một doanh nghiệp nào khác sao? Nhưng mà có nhà báo nào vinh dự được nhận giải thưởng tôn vinh nghề nghiệp như thế này lại đặt nặng chuyện cái bao thư kèm theo đâu.

Ở đây tôi không bàn tới chuyện đúng sai của doanh nghiệp. Bởi bây giờ là kinh tế thị trường, mọi quyết định cuối cùng thuộc về người tiêu dùng. Doanh nghiệp dù có giỏi xoay trở tình thế tới chừng nào, có thoát khỏi các nhà gác cổng chức năng, nhưng không thuyết phục nổi người tiêu dùng tin tưởng mua sản phẩm của mình thì cũng từ chết tới bị thương thôi. Sản phẩm tệ thì có cho, người ta cũng chẳng thèm xài nữa là họ phải bỏ tiền ra mua.

Giả dụ như doanh nghiệp thiệt sự không có lỗi (thời buổi lắm nhiễu nhương này thì điều gì cũng có thể xảy ra) hay có lỗi nhưng đã biết cầu thị sửa chữa, thì vì sự tế nhị cũng không nên xuất đầu lộ diện ra quá sớm ở những nơi rất nhạy cảm. Dù sao thì chuyện thị phi cũng mới xảy ra đây mà, có gì mà gấp mà vội. Sao không như nhà thơ Hàn Mặc Tử trong bài Vội Vàng Chi Lắm mà rằng: ” Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây. Chầm chậm cho mình giữ mối dây.”

 

Thứ ba là tôi buồn mà chẳng hiểu vì sao tôi buồn.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 17-6-2015)

 

+ BỐ CÁO: Tôi viết bài này chỉ lấy cớ câu bạn bè yêu dấu vào xem 2 tấm ảnh cũ của tôi.

phamhongphuoc_svayrieng_cpc_01061979

Đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi vào tháng 6-1979, đi cùng đoàn đại biểu tỉnh Long An sang thăm tỉnh Svay Rieng (Cambodia) không lâu sau ngày đất nước láng giềng này được giải phóng khỏi bọn diệt chủng Pon Pot.

1981_php_baolongan_01

Còn ảnh kia tôi chụp chung với nhà báo Hoàng Hùng (bên trái) trong chuyến về công tác tại xã Mỹ Yên (Bến Lức) năm 1981. Lúc đó, Hùng là người mà tôi chăm sóc kể từ khi em còn làm dưới xã, rồi lên huyện Thủ Thừa, sau là về báo Long An ở trong Ban biên tập Kinh tế do tôi làm chủ xị. Sau này hai anh em cùng về TP.HCM. Hoàng Hùng làm ở báo Người Lao Động cho tới khi xảy ra cái chết thảm thương của em. Hai anh em đã có nhiều năm vui buồn sướng khổ bên nhau từ khi mới vào nghề báo. Nhớ em trong nỗi xót xa.