Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thêm một đồng môn mãn nhiệm kỳ rong chơi

 

Ông sư huynh Trương Văn Nghĩa luôn hết lòng vì đàn em đang định cư ở Sydney (Úc) bữa rồi gọi điện về than với tôi: Dạo gần đây anh ít dám vô trang web Từ đường Trung học Kiến Tường (THKT). Bởi lúc này thường thấy xuất hiện nhiều một cách thấy mà sợ những cái mẫu màu tím báo tin buồn ai đó vừa ra đi. Chỉ biết an ủi anh mà thiệt ra cũng là để tự lên dây cót tinh thần cho chính mình: Khi thầy trò ở tuổi từ mém 6 bó trở lên hết rồi, ngày nào còn được nghe tiếng nhau, nhìn thấy nhau và hạnh phúc hơn cả là được gặp nhau, thì tất thảy đều là ơn huệ của Thượng đế ban cho. Lại nhắc anh một bài hát mà anh em mình ngày xưa mê tít thò lò: Que Sera Sera…, hồi đó nữ danh ca Doris Day hớp hồn thiên hạ với bản tiếng Anh Whatever Will Be, Will Be và nữ ca sĩ Thanh Lan làm mê mẩn đám học trò đang mơ làm người lớn với bản tiếng Việt Biết Ra Sao Ngày Sau của nhạc sĩ Phạm Duy.

Người THKT mới nhất vừa mãn nhiệm kỳ rong chơi trần thế là chị Lucia Nguyễn Thị Quyến, một sư tỷ của tôi. Chị mất sau hơn năm trời vật vã vì ung thư ngực.

Cuộc đời chị là một bi kịch nhân gian. Trước 1975, chị là một tiểu thư đài các con một thương gia giàu có nức tiếng ở tỉnh Kiến Tường. Rồi thì cuộc đời biển dâu, chị cùng mọi người khác bị cuốn theo dòng đời đầy những vũng xoáy. Chuyện gia đình chung, gia đình riêng không như ý muốn nghiêm trọng tới mức có thể quật ngã cả một con trâu cui. Nhưng chị vẫn giấu kín trong lòng chuyện riêng, luôn cố nở nụ cười tươi với mọi người chung quanh (tất nhiên chỉ khóc với vài bạn bè, sư tỷ chí thân). Và chị luôn lao vào cuộc đời giúp đỡ những người mà chị nghĩ là còn khổ hơn mình. Tiền bạc eo hẹp, nhưng hễ có đồng nào và quyên góp được chút gì là chị lại mua quà đi thăm viếng những phận đời cơ nhỡ. Chị Trần Thị Thanh Nguyên, một trong những sư tỷ thân thiết nhất của chị, kể với tôi: “Chị tới khổ vì Quyến, hễ kiếm đâu được chút tiền là nó lại bắt chị xúm lại phụ nó chuẩn bị quà rồi đi tặng quà cho người ta. Có những khi cả 200 phần quà, mấy bà già gói mệt xỉu.”

Ngay cả việc đi làm đại lý bán bảo hiểm cho Prudential cũng được chị Quyến coi như một cách để giúp mọi người. Biết tôi không có thiện cảm với những người bán bảo hiểm luôn đeo bám quấy rầy mình và thậm chí tư vấn bậy bạ miễn là dụ được người ta mua bảo hiểm sau đó là “bốc hơi”, chị Quyến thường nói rằng bán bảo hiểm cần cái tâm và trung thực. Nếu được bảo hiểm nghiêm túc, cuộc sống người ta an toàn hơn, nhẹ nhàng hơn khi lỡ gặp bất trắc tương lai.

140223-thkt-hopmat-kientuong-phphuoc-243_resize

Chị Quyến (thứ hai từ trái qua) trong lần cuối cùng sum họp cùng thầy cô và bạn bè tại cuộc họp mặt Gia đình THKT Tết 2014.

Chị Quyến vốn là người theo đạo Phật, nhưng đã chuyển sang đạo Công giáo theo chồng. Và chị là một người mộ đạo làm những giáo dân nòi phải cảm phục. Ngay cả khi những năm cuối đời, khi chuyện gia đình không còn như xưa, chị vẫn không để cho nó làm ảnh hưởng tới lòng mộ đạo của mình. Thậm chí, ngay tới phút cuối cùng, chị chấp nhận một mình ra nằm trong nghĩa trang công cộng của thị xã mà không được an nghỉ bên cạnh cha và những người thân trong nghĩa trang gia tộc chỉ vì chị kiên quyết không từ bỏ Thiên chúa mà chị đã chọn.

Chị Quyến rất mê làm thơ. Chị luôn kè kè bên mình một cuốn sổ tay, hễ thi tứ nổi lên là chị lập tức mở sổ ra ghi lại. Dường như với chị, cái gì cũng có thể thành thơ. Ban đầu, khi chưa biết dùng Internet, chị gọi điện đọc thơ nhờ bạn bè (trong đó có tôi) gõ vào máy tính giùm chị. Sau này, chị là một trong những “bomber” dội bom thơ như B52 rải thảm vào hộp thư của tôi và của Từ đường THKT. Có lần tôi đang ở Taipei, chị gọi điện và bắt đầu đọc thơ cho tôi chép. Ghi được 2 đoạn, tôi hỏi còn không, chị nói còn dài lắm, báo hại tôi đổ mồ hôi hột khai thiệt là em đang ở Đài Loan, chết tiền điện thoại em chị ơi. Chị luôn canh cánh một ước mơ được in một tập thơ. Cách đây mấy năm, khi còn khỏe, chị đã liên hệ với anh bạn ở Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Long An để nhờ anh biên tập giúp chị xuất bản một tập thơ. Nhưng rồi mọi chuyện im ru.

Chị Quyến và tôi đều cùng có thơ in trên các cuốn giai phẩm Xuân của trường Trung học Công lập Kiến Tường xưa. Gia tài trường làm được 2 lần, 1 lần quay roneo và lần sau in offset, thì hai chị em đều cùng có mặt. Hồi đó, chị ký bút danh Hoàng Lệ Quyên (bạn bè còn đặt cho chị cái ngoại hiệu “nữ hoàng sầu muộn”). Năm 2011, khi chị gọi điện đọc thơ cho tôi chép để đưa lên trang web THKT, tôi nghe chập cheng nên ghi tên chị là Hoàng Lệ Uyên – và cái bút danh mới này đi theo chị cho tới cuối đời.

Chị Quyến luôn dành cho tôi một tình cảm rất đặc biệt, Ngoài tình đồng môn tỷ đệ còn là tình cảm giữa những người thơ với nhau. Hễ có ai lên Saigon là chị thường gửi quà quê cho tôi. Và mỗi tháng vào ngày 28, ngày sinh của tôi, chị đều mua tặng tôi một tờ vé số và trấn an rằng mình đã mơ thấy tôi sẽ trúng số. Biết tôi chớ hề khoái trò may rủi, chỉ mua vé số là để giúp ông bà lão hay trẻ em, nhiều khi mua rồi quên dò tới hết hạn luôn, nên chị chủ động mua rồi nhắn số cho tôi. Thiệt tình tôi cũng chưa bao giờ dò, tự nói trong bụng, nếu trúng thì chắc chắn chị sẽ gọi báo cho mình.

Thôi thì chị về nhà trước và an tâm mà an nghỉ trong vòng tay Thiên chúa nhé.

Tiễn chị Quyến, tôi làm mấy câu như vầy:

 

Nhớ chị Quyến

 

Chị đã sống một cuộc đời có ích

Bốn phần cho ta, còn sáu cho người

Khi ta sống vì người là hạnh phúc

Lúc chết đi ta sống mãi trong người

  

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 7-8-2015)