Thứ Tư ngày 24 tháng 4 năm 2024

Taxi công nghệ còn nhiều ngổn ngang…

Mặc dù dịch vụ taxi Uber ra đời ở Mỹ từ tháng 3-2009, xâm nhập thị trường Việt Nam từ cách đây vài ba năm và tới tháng 8-2016 đã có mặt tại 507 thành phố ở hơn 66 nước, nhưng mãi tới giữa tháng 11-2016, tôi mới lần đầu tiên sử dụng loại hình taxi công nghệ này. Thật tình mà nói, loại hình này đã thuyết phục được tôi ngay trong lần đầu làm quen, dĩ nhiên là với góc độ một người tiêu dùng hễ thấy cái gì tiện và lợi là thích.

Từ đó, tôi đã trở thành khách hàng thường xuyên của dịch vụ taxi công nghệ và còn lôi kéo được “cả nhà cùng đi”. Tôi đã trải nghiệm đủ loại xe: 4 bánh (4 chỗ và 7 chỗ), 2 bánh. Vốn máu mê công nghệ và sống chết trên Net, tôi có nhiều lý do để khoái loại hình vận chuyển dựa trên công nghệ này. Nếu nói về quản lý nhà nước, kinh tế quốc dân, nói chung tầm vĩ mô thì loại hình dịch vụ taxi công nghệ này còn nhiều chuyện để nói và thậm chí tranh cãi. Còn đơn thuần là một người đi lại bình thường, tôi ưng cái bụng loại hình này vì thoải mái hơn, được phục vụ tốt hơn, đi xe ngon hơn và đặc biệt quan trọng hơn cả là tốn ít tiền hơn so với taxi thông thường. Từ nhà tôi ở Chợ Lớn tới sân bay Tân Sơn Nhất đường dài khoảng 10km, đi taxi công nghệ tốn xấp xỉ nửa tiền so với khi tôi đi bằng taxi thông thường (chỉ tính tiền cước).

 

U và G làm được, V cũng có thể làm được

Trước hết cần nhận diện xem loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách này là gì? Uber, Grab và hầu hết dịch vụ tương tự không phải là một hãng taxi vì họ không hề sở hữu một chiếc taxi nào. Họ cũng không phải là một công ty phần mềm hay làm dịch vụ phần mềm đơn thuần, mà thực chất là sử dụng phần mềm online làm nền tảng cho dịch vụ vận tải của mình. Từ điển bách khoa Wikipedia gọi Uber và Grab là công ty công nghệ mạng vận tải online. Nói cho chính xác, đây là loại hình dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng Internet và ứng dụng di động.

Bản chất của loại hình này là làm trung gian, cầu nối kết hợp cung và cầu lại với nhau và thu lợi nhuận từ đó. Thông qua ứng dụng nối mạng của họ, những người lái xe có nhu cầu chở khách kiếm tiền được kết nối với những hành khách có nhu cầu đi lại. Uber và Grab hưởng lợi với một tỷ lệ nào đó (như Uber ở Việt Nam hiện nay hưởng 20%) từ tiền cước xe.

Có thể nói rằng loại hình taxi công nghệ này xuất phát từ ý tưởng kinh doanh rồi sau đó dùng nền tảng công nghệ để hiện thực hóa nó.

Hiện nay trên thế giới ngày càng có thêm nhiều dịch vụ giống Uber (ra đời ở Mỹ năm 2009) và Grab (Malaysia, 2011) như Lyft (Mỹ, 2012), Didi Chuxing (tên cũ là Didi Kuaidi, ở Trung Quốc năm 2015), Kabbee (Anh, 2011), Hailo (Anh, 2011), Flywheel (Mỹ, 2009), Ola Cabs (Ấn Độ, 2010), Shuddle (Mỹ, 2014),…

Tuy cùng dựa trên nền ứng dụng di động kết nối Internet, các dịch vụ taxi công nghệ này có những cách vận hành và đối tượng phục vụ đa dạng. Như Shuddle chỉ vận chuyển trẻ em trong phạm vi bang California, Kabbee chỉ hoạt động tại thành phố London, Ola Cabs chỉ hoạt động ở Ấn Độ, Didi Chuxing hiện nay chỉ hoạt động ở Trung Quốc,… Có những dịch vụ được cung cấp bởi những doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải hay bởi những công ty được thành lập cho mục đích kinh doanh loại hình này. Nhưng cũng có những dịch vụ thuộc dạng giá trị gia tăng như Didi Chuxing vốn xuất phát từ 2 dịch vụ taxi công nghệ của 2 hãng Internet lớn nhất Trung Quốc (Didi Dache của Tencent và Kuaidi Dache của Alibaba).

Nói như vậy để khẳng định rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển những dịch vụ taxi công nghệ riêng của mình. Vấn đề là ở chỗ ai đứng ra làm? Việc các hãng taxi ứng dụng phần mềm chỉ có ý nghĩa dùng công nghệ để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của mình chứ hoàn toàn không phải là chuyển sang dịch vụ taxi công nghệ như Uber hay Grab.

Làm sao để taxi công nghệ thật sự tiện lợi và an toàn?

Đây chính là nỗi niềm của các hành khách có nhu cầu đi lại bằng loại hình taxi công nghệ.

Ở đây, tôi xin nói rõ là mình không thích gán thêm chữ “truyền thống” vào loại hình taxi thông thường. Bởi lẽ truyền thống chính là tập quán văn hóa được lưu truyền và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Gọi taxi truyền thống càng làm trầm trọng thêm cuộc chiến với taxi công nghệ – ít nhất là trong tâm tưởng, cảm giác của xã hội. Công nghệ chân chính và bền vững không hề có mục đích loại bỏ truyền thống mà chỉ nâng cấp các hoạt động thông thường. Không có taxi truyền thống mà chỉ có taxi thông thường hay taxi cổ điển, taxi nguyên thủy.

Sẽ không công bằng và gây cản trở cho xu thế tiến bộ của xã hội nếu nhân danh bảo vệ taxi “truyền thống” để chống lại taxi công nghệ. Cách hành xử khôn ngoan ở đây là làm sao đưa được loại hình taxi công nghệ vào vòng quản lý theo luật lệ như bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Còn lại là sự cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh với chuẩn mực ai làm hài lòng khách hàng, người đó chiến thắng.

Hành khách quan tâm nhiều nhất tới chi phí mà mình phải trả. Tất nhiên taxi công nghệ có lợi thế là không phải đầu tư cho đội xe (mua mới, bảo dưỡng, vận hành) cũng như lực lượng nhân sự từ quản lý tới kinh doanh nên có thể đưa ra mức cước nhẹ hơn. Với ứng dụng phần mềm, đường đi rõ ràng và cụ thể không còn chỗ cho những bác tài taxi giở trò chạy đường vòng kiếm thêm tiền hay những người chạy xe ôm hét giá theo cảm tính và ý muốn. Vấn đề ở đây là cách mà thuật toán của ứng dụng chọn đường đi – nếu như nó thông minh và trung thực biết chọn đường đi ngắn nhất thì có lợi cho hành khách (dĩ nhiên là bất lợi cho dịch vụ và tài xế rồi). Nhưng bất luận kiểu nào, giá thấp hơn vẫn luôn là yếu tố cạnh tranh số 1 của loại hình taxi công nghệ. Chính đều này buộc các hãng taxi thông thường không còn có thể bắt tay nhau làm giá, mà phải vắt óc tìm mọi cách để đưa ra giá cước hợp lý nhất hòng tồn tại.

Thái độ của người lái xe taxi công nghệ không phải chỉ tốt hơn nhờ vị thế xã hội của họ (dân nghiệp dư mà) và họ thật sự muốn chạy xe mà còn được đánh giá, xếp hạng từ chính hành khách. Như Uber đề nghị hành khách giúp đánh giá chuyến đi vừa rồi với thang điểm 5 sao về cung cách lái xe, việc đón và trả khách, sự thoải mái, chất lượng xe,… Không thể phủ nhận được việc taxi công nghệ mang lại cho hành khách cảm giác như đi xe nhà, có xe riêng, tài xế riêng mà chỉ phải tốn ít tiền hơn. Điều này buộc các hãng taxi thông thường phải có những biện pháp để tài xế có tác phong phục vụ tốt hơn. Lâu nay, người ta rất oải vì những gương mặt tài xế taxi “một đống” khi chạy những cuốc ngắn hay bị tài xế ca bài ca con cá, than vãn để xin thêm tiền, nhất là từ sân bay.

Thỉnh thoảng, và không phải chỉ ở Việt Nam, xảy ra những sự việc người lái xe taxi công nghệ có những hành vi xấu, thậm chí phạm pháp, đối với hành khách. Phổ biến nhất là chuyện những phụ nữ xinh xắn bị bác tài nào đó ve vãn, chọc ghẹo (không thấy nói chuyện các tài xế nữ bị hành khách nam này nọ). Thật ra, tỷ lệ không nhiều và chúng cũng vẫn xảy ra với taxi thông thường. Các dịch vụ taxi công nghệ cho phép hành khách báo cáo và đánh giá tài xế. Trong những khuyến cáo dành cho tài xế, Uber có nói rõ: “Để hành khách hài lòng đánh giá 5 sao thì xe của bạn nên sạch đẹp và bạn cần giữ thái độ vui vẻ với hành khách.” Có lẽ các ứng dụng cũng cần có thêm tính năng báo động chỉ bằng một cú chạm tay để hành khách có thể gửi tín hiệu báo động tới dịch vụ hay người thân của mình trong trường hợp “lâm nguy”.

Cho dù việc đăng ký để chạy xe Uber diễn ra trên mạng, có nghĩa là Uber không hề tiếp xúc trực tiếp với người lái xe, nhưng dịch vụ có những cách để kiểm soát người lái xe trong thời gian đăng nhập làm việc. Hành khách khi gọi xe được cung cấp hình ảnh và tên tài xế, loại xe và số xe, lộ trình và giá cước mà họ có thể chụp lại màn hình để lưu lại. Nếu cẩn thận và lo xa, hành khách có thể gửi ảnh chụp đó cho người thân hay vào hộp thư e-mail của mình đề phòng bất trắc. Phụ huynh khi dùng tài khoản của mình gọi xe cho con thì có thể theo dõi toàn bộ hành trình chuyến đi qua bản đồ của ứng dụng dựa trên hệ thống GPS của người lái xe cũng như được thông báo khi chuyến đi hoàn tất.

Loại hình dịch vụ vận tải công nghệ là xu thế của thời đại. Vấn đề là người ta biết cách sử dụng nó ra sao cho tiện và lợi nhất.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh : Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 11-12-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online