Thứ Sáu ngày 20 tháng 9 năm 2024

Tự xử thôi mà…

Khi chịu chạy ads trên các dịch vụ xuyên biên giới như FB, G,… bạn mặc nhiên chấp nhận nắm dao đằng lưỡi. Khi xảy ra sự cố (như sập mạng dài vừa qua), đừng mong họ bồi thường như với các giao dịch kinh tế bình thường. Mà thực tế, mối quan hệ làm ăn giữa bạn và họ cũng đâu có bình thường, và hầu như nằm ngoài luồng quản lý theo luật định của nước mình.

Bữa tôi gặp một anh CEO và nghe ảnh nói hàng tháng mình tốn bộn tiền cho quảng cáo trên FB và G. Nhưng tất cả đều trả bằng thẻ tín dụng. Và anh không thể coi đó như khoản chi hoạt động hợp pháp để cuối năm quyết toán thuế. Nhưng ai cũng hiểu thanh toán điện tử như vậy, anh đã thoát thuế VAT. Phải chăng đôi bên đã cùng có lợi rồi?

Tất nhiên nếu bạn có ký hợp đồng chạy quảng cáo trên FB, G,… thông qua các dịch vụ quảng cáo bên thứ ba thì cứ nắm cái lai quần họ chiếu theo hợp đồng. Còn họ nắm cái gì đó của mấy đại ca kia là chuyện của họ.

Tôi không khuyên bạn đừng phụ thuộc vào FB, G,… hay bất cứ dịch vụ nào tương tự. Người ta cười cho đó. Tôi ắt sẽ đớ lưỡi như bị cô hàng xóm cắn phải (ai đánh thuế ước mơ đâu) nếu bị bạn hỏi ngược lại: nếu không quảng cáo trên FB, G,… thì tôi có thể tư vấn bạn chọn nơi đâu không? Bởi hiện nay, liệu có nơi đâu quảng cáo có hiệu quả như với họ? Mà họ có cưỡng… à… bức bạn phải quảng cáo với họ đâu. Bạn thấy có lợi thực tế chứ không ảo diệu nên mới chịu chi tiền quảng cáo đó thôi. Thiệt ra, người làm ăn thông thái chẳng ai dại gì dồn hết các thể loại trứng vào một rổ. Vấn đề là biết bỏ trứng vào rổ nào nhiều, rổ nào ít.

Vì thế, khi gặp sự cố với các dịch vụ xuyên biên giới, bạn cũng phải hiểu xuyên thấu, đặng thức xuyên đêm mà cày bù lại, tự khắc phục những thiệt hại và hệ lụy về phía mình. Xin đừng có quạu quọ rồi ngồi đó trông chờ các ông lớn kia bồi thường. Mà nếu có bồi thường, chắc hẳn họ cũng chỉ dựa theo chi phí quảng cáo mà bạn trả cho họ chớ hỗng phải dựa trên doanh thu bị mất của bạn. Mần ăn thôi mà, cái gì khó quá thì bỏ qua hén.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.