Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Nghĩ về sách giáo khoa lớp 1 mới

A Phủ trộm nghĩ rằng sở dĩ chương trình học lớp 1 mới, cụ thể là môn tiếng Việt, nặng nề và chới với đối với cả giáo viên và học sinh có phần là vì những cái này:

1. Sách do các nhà học thuật, học giả, cụ thể là các giáo sư, tiến sĩ biên soạn. Có lẽ họ không có nhiều kinh nghiệm về cấp lớp mà mình làm sách. A Phủ không rõ trên thế giới có nước nào mà cần phải có tới các giáo sư tiến sĩ biên soạn sách giáo khoa cho bậc tiểu học, chớ đừng nói chi tới lớp 1. Bởi lẽ, nếu như thật sự có trình độ văn hóa cao ngất như vậy, người ta sẽ tiếp cận và giải thích mọi vấn đề, dù nhỏ nhặt, theo cái não trạng và tầm cỡ của mình. Có lẽ dẫn chứng trong môn Toán, có những bài toán phải làm theo cách tiếp cận của trẻ nhỏ ở lứa tuổi đó chứ không thể giải theo cách của các học sinh bậc cao hơn. Cha mẹ bây giờ vẫn gặp cái nỗi đọan trường này khi giúp con làm bài ở nhà.

Ở đây, tôi chỉ dám nói rất thiện lành là có lẽ nhiều nhà soạn sách giáo khoa tiểu học thiếu, thậm chí không có kinh nghiệm dạy ở bậc tiểu học.

Trước 1975 ở Sài Gòn, sách giáo khoa chủ yếu do các thầy cô giỏi, có năng khiếu sư phạm và có nhiều kinh nghiệm ở từng cấp học soạn cho học sinh cấp học đó. Họ dựa vào bộ khung chương trình và kiến thức chuẩn do Bộ Giáo dục ban hành để khai triển cho phù hợp với trình độ và tâm sinh lý học sinh của từng lớp học theo độ tuổi. Là những người từng hay đang giảng dạy ở các cấp lớp đó, các nhà soạn sách hiểu thấu công việc của các giáo viên.

 + Ảnh bìa hai cuốn sách giáo khoa lớp đầu tiên của bậc học phổ thông: Tiếng Việt lớp 1 (năm 1990) và Em học vần lớp Năm (Sài Gòn trước 1975). Nguồn: Internet. Thanks.
 + Ảnh bìa hai cuốn sách giáo khoa lớp đầu tiên của bậc học phổ thông: Tiếng Việt lớp 1 (năm 1990) và Em học vần lớp Năm (Sài Gòn trước 1975). Nguồn: Internet. Thanks.

2. Trong sách Tiếng Việt, các nhà soạn sách dường như muốn “phổ cập hóa toàn quốc” những từ ngữ địa phương quê hương của mình. Họ quên rằng sách giáo khoa – đặc biệt là ở những năm đầu đời vốn dùng để xây dựng nền tảng vốn liếng ban đầu cho trẻ – các kiến thức và thành tố của nó phải mang tính phổ thông và tính quốc gia.

Trong một status có tựa “Tôi, tiến sỹ, xin xuống học lớp Một” post trên Facebook ngày 7-10-2020, thầy giáo Chu Mộng Long (Quy Nhơn) mở đầu rằng: “Đọc sách Tiếng Việt Một, tôi, tiến sỹ ngữ văn cũng khóc. Nhiều từ ngữ ở sách lớp Một tôi chưa bao giờ dùng mặc dù tôi đã làm cả luận văn, luận án, công trình, kể cả sáng tác thơ, văn bằng tiếng Việt. Có nghĩa là vốn từ tiếng Việt của tôi thua học sinh lớp Một học chương trình ông Thuyết, ông Thống?” Và ông nhắc tới lời PGS. Đoàn Lê Giang trả lời phỏng vấn báo chí, rằng đó là những từ địa phương ngoài Bắc, không phải từ phổ thông. Chẳng hạn như các từ “gà nhí”, “gà nhép”, “nhá cỏ”, “nhá dưa”…

A Phủ đã phải đọc qua 2 tập sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm biên soạn số 1 này, và quả thật, đây là sách giáo khoa của người miền Bắc soạn với quá nhiều cách nói, từ ngữ chỉ có người miền Bắc dùng và hiểu. Việc đưa vào sách giáo khoa ngữ văn những phương ngữ từng vùng trên cả nước là cần thiết – nhất là để cho học sinh làm quen và mở rộng vốn từ, nhưng với liều lượng nào đó và chỉ nên ở những lớp lớn hơn, khi trẻ đã có nền tảng tiếng Việt chuẩn.

Bữa nay, A Phủ hơi bị nản, vì cô hàng xóm hơi bị chán, nên chỉ nói về 2 chuyện thôi. A Phủ cảm thấy mình may mắn, hên đó mà, khi các con không phải học chương trình cải cách giáo dục lần thứ XX này. Các cháu thì hoặc còn lâu mới tới hay vừa qua truông. Hú hồn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC