Thứ Hai ngày 29 tháng 4 năm 2024

Dự án nghiên cứu hợp nhất tế bào não người với AI của Monash University được Chính phủ Úc tài trợ

Đại học Monash University (Úc) cho biết: Dự án nghiên cứu về việc nuôi tế bào não người trên chip silicon có khả năng học hỏi liên tục nhằm mục đích chuyển đổi kỹ thuật máy học (Machine learning) do Đại học Monash dẫn đầu vừa nhận được khoản tài trợ gần 600.000 đôla Úc (hơn 403.000 USD, khoảng 9,6 tỷ đồng) từ Chương trình Tài trợ các Nghiên cứu Khám phá Tình báo và An ninh Quốc gia Úc (National Intelligence and Security Discovery Research Grants Program) của Chính phủ Úc.

Dự án nghiên cứu này do Phó Giáo sư Adeel Razi đến từ Viện Nghiên cứu Não bộ và Sức khỏe Tâm thần Turner (Đại học Monash) dẫn đầu, cùng phối hợp thực hiện với công ty khởi nghiệp Cortical Labs tại Melbourne. Trong dự án này, các nhà khoa học nuôi cấy khoảng 800.000 tế bào não sống trong một chiếc đĩa (gọi là DishBrain system), sau đó “dạy” chúng thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu. Vào năm ngoái, nhóm nghiên cứu đã gây chú ý trên toàn cầu khi các tế bào não mà họ nuôi cấy thực hiện được trò chơi bóng bàn Pong đơn giản trên máy tính. Họ đã công bố các phát hiện này trên tạp chí khoa học chuyên ngành Neuron.

Theo Phó Giáo sư Adeel Razi, chương trình nghiên cứu sử dụng các tế bào não nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được gắn vào chip silicon nhằm kết hợp các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và sinh học tổng hợp để tạo ra các nền tảng điện toán sinh học có thể lập trình được.

Phó Giáo sư Adeel Razi cho biết: “Khả năng của công nghệ mới này trong tương lai có thể vượt qua hiệu suất của phần cứng làm từ silicon hiện có. Kết quả của nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều lĩnh vực như hoạch định (planning), robot học, tự động hóa tiên tiến, giao diện máy tính-não (brain-machine interfaces) và nghiên cứu phát triển thuốc, mang lại cho Úc nhiều lợi thế mang tính chiến lược.”

Cũng theo Phó Giáo sư Adeel Razi, lý do khiến dự án nghiên cứu này nhận được tài trợ từ tổ chức tài trợ uy tín của Úc là bởi các thiết bị ứng dụng Máy học mới như ôtô và xe tải tự lái, máy bay không người lái tự hành, robot giao hàng, thiết bị cầm tay và thiết bị đeo thông minh sau này sẽ cần đến một loại AI mới để có thể học hỏi liên tục trong suốt vòng đời của nó.

“Học hỏi liên tục suốt đời” (continual lifelong learning), theo Monash University, có nghĩa là máy móc có thể tiếp nhận các kỹ năng mới mà không ảnh hưởng đến các kỹ năng cũ, thích nghi với những thay đổi và áp dụng kiến thức đã học trước đó vào các nhiệm vụ mới. Chúng làm tất cả những việc đó trong khi vẫn bảo tồn các tài nguyên hạn chế như năng lực tính toán, bộ nhớ và năng lượng. AI hiện tại không thể làm được điều này vì chúng mắc phải vấn đề lãng quên. Trong khi đó, não bộ hoàn toàn vượt trội về khả năng học tập liên tục suốt đời.

Mục đích của dự án là nuôi các tế bào não người trong đĩa thí nghiệm có tên gọi là hệ thống DishBrain (DishBrain system), để tìm hiểu về các cơ chế sinh học đa dạng của khả năng học tập liên tục suốt đời.

Phó Giáo sư Adeel Razi cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng khoản tài trợ này để phát triển các máy móc AI có thể sao chép khả năng học tập của mạng lưới thần kinh sinh học. Điều này sẽ giúp chúng tôi nâng cao cấu trúc và khả năng của phần cứng đến khi chúng đủ khả năng thay thế cho điện toán in silico.” (“In silico” là thuật ngữ hiện đại thường được dùng để chỉ thí nghiệm do máy tính thực hiện).

Tham khảo: Australian DishBrain researchers receive more than $400K to merge AI with human brain cells.

G.N.G.

Nguồn do Monash University cung cấp.