Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

“Lệ Đá” khóc người không qua khỏi “cơn mê”

4. Sáng tác đầu tiên của nhạc sĩ Trần Trịnh là “Cung Đàn Muôn Điệu” viết năm 1950, năm ông được 14 tuổi. Đến năm 17 tuổi nhạc phẩm này mới được nhà xuất bản An Phú nhận phổ biến; năm 1956 lại được nhà xuất bản Diên Hồng đem tái bản. Sau này được dùng làm nhạc chuyển mục trong một chương trình tân nhạc cùng với bài “Chuyến Xe Về Nam” (do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành năm 1955). Cũng trong năm1956, ông lại cho ra thêm một nhạc phẩm khác mang tên “Viết Trên Đường Nở Hoa”.

Sau khi đậu bằng Tú tài 2 Pháp, năm 1955 nhạc sĩ Trần Trịnh được gia đình gửi lên Đà Lạt để vừa học vừa làm tại Nha Kiến trúc. Năm 1957, ông đi quân dịch, đã viết bài “Đôi Mươi”. Đến năm 1958, ông phổ thơ bài “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” của thi sĩ T.T.KH. đây cũng là một bản nhạc rất ăn khách lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, người yêu nhạc biết đến tên tuổi của nhạc sĩ Trần Trịnh vẫn là bài “Lệ Đá” do ông sáng tác nhạc năm 1968 được nhà thơ Hà Huyền Chi đặt lời.

Ngoài nhạc phẩm điển hình này, ông còn là tác giả của nhiều nhạc phẩm đặc sắc khác, mà trong số có rất nhiều bài là đồng sáng tác với hai người bạn nghệ sĩ là Nhật Ngân và Lâm Đệ ký dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân trong những thập niên 1960 và 1970. Cả ba từng quen nhau trong Ban văn nghệ thuộc TTHL Quang Trung. Trong bộ ba, Trần Trịnh và Nhật Ngân phụ trách viết nhạc và lời, còn Lâm Đệ phụ trách phần thâu thanh và phát hành.

Trong thời gian này, bộ ba đã sáng tác một số lớn những bài hát với âm hưởng dân tộc như: “Xuân Này Con Không Về”, “Mùa Xuân Của Mẹ”, “Qua Cơn Mê”, “Yêu Một Mình”, “Hai Trái Tim Vàng”, “Chiều Qua Phà Hậu Giang”, v.v… Không chỉ là người sáng tác nhạc, nhạc sĩ Trần Trịnh còn là một trong những nhạc sĩ có nhiều gắn bó với các phòng trà khiêu vũ trường tại Sài Gòn lúc đó.

Vào những năm học cuối cùng với thầy Rémi, ông bắt đầu đi tìm việc tại các phòng trà trong vai trò nhạc công sử dụng đàn piano. Khởi đầu cộng tác với một phòng trà nhỏ tên Lệ Liễu. Sau vào làm tại phòng trà Bồng Lai trên đường Nguyễn Trung Trực – Lê Lợi. Và dần dần được mời cộng tác với tất cả những phòng trà và khiêu vũ trường khác tại Sài Gòn.

Nhận biết được khả năng âm nhạc của Trần Trịnh, đài truyền hình đã giao ông phụ trách một chương trình ca nhạc vào năm 1967, từ đó ông trở thành nhạc trưởng của ban văn nghệ Đống Đa, cùng với ban Vũ Thành và Tiếng Tơ Đồng, là 3 ban văn nghệ có giá trị nghệ thuật vào giai đoạn đó.

Trong một lần tham gia công tác văn nghệ tại Bình Long vào năm 1964, nhạc sĩ Trần Trịnh quen với Mai Lệ Huyền, lúc đó là ca sĩ nghiệp dư trong ban văn nghệ của tỉnh do nhạc sĩ Bắc Sơn làm trưởng ban. Thời kỳ này Mai Lệ Huyền đang sống cùng cha mẹ ở đây.

Sau khi trở về, hai người thường thư từ qua lại và dần dần có những tình cảm đậm đà. Trần Trịnh đề nghị Mai Lệ Huyền về Sài Gòn để được gần gũi và tiện việc “lăng-xê” hơn. Mai Lệ Huyền nhận lời, và chỉ sau một thời gian cả hai đã trở thành vợ chồng trong năm 1964, có cùng nhau một con gái tên Lệ Trinh, sinh năm 1965, hiện cũng là một ca sĩ đang còn ở Sài Gòn.

Sau khi thành vợ chồng, nhạc sĩ Trần Trịnh đã giới thiệu Mai Lệ Huyền đi hát ở tất cả những phòng trà khiêu vũ trường ông cộng tác. Cũng khởi đầu tại phòng trà Lệ Liễu, vì nhận thấy giọng hát của Mai Lệ Huyền thích hợp với thể loại nhạc tươi vui, vì thế ông cùng với nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác loại nhạc kích động để vợ trình diễn song ca cùng Hùng Cường như “Gặp Nhau Trên Phố”, “Vòng Hoa Yêu Thương”, “Hai Trái Tim Vàng”,…

Năm 1975, nhạc sĩ Trần Trịnh ở lại Việt Nam vì song thân ông đã cao tuổi. Vào năm 1977, ông lập gia đình lần thứ hai. Người vợ sau đã cho ông 3 người con trai. Nhưng người con đầu lòng bị thiệt mạng trong lúc tắm sông với bạn bè. Người thứ nhì hiện đang phục vụ trong binh chủng hải quân Mỹ, có khả năng sử dụng kèn trumpet. Người con út cũng rất thích nhạc nhưng không có khuynh hướng đi theo con đường của ông.

Sau 1975 còn ở lại quê hương, nhạc sĩ Trần Trịnh không còn sáng tác nhạc, chỉ chú trọng đến việc cộng tác với hết đoàn hát này đến đoàn cải lương hay gánh xiếc khác để mưu sinh. Khởi đầu ông cộng tác với đoàn cải lương Cửu Long cùng với tay trống Phùng Trọng và vài nhạc sĩ khác. Mãi đến năm 1982, khi các phòng trà được phép hoạt động, ông về làm nhạc trưởng tại phòng trà Đệ nhất Khách sạn là nơi ông đã từng giữ vai trò then chốt về chương trình từ khi mới khai trương vào đầu thập niên 1970.

Liên tục ông làm tại phòng trà Đệ Nhất sau là các vũ trường, suốt gần 10 năm liền, rồi sang cộng tác với vũ trường Maxim’s vào năm 1991. Nhưng chỉ hơn 3 năm, ông đã gặp một tai nạn xe cộ khiến bị thương nặng ở chân nên phải xin nghỉ việc.

Vào tháng 10-1995 nhạc sĩ Trần Trịnh đi Mỹ theo diện ODP (đoàn tụ gia đình) do người chị ruột bảo lãnh. Nhưng chỉ sau 3 tháng ở San Francisco, gia đình ông quyết định dời xuống Orange County, bởi ở đây có môi trường hoạt động âm nhạc và ông dự định sẽ có cơ hội phát triển hơn ở San Francisco.

Nhưng thật sự hoạt động của nhạc sĩ Trần Trịnh chỉ duy trì được ở mức trung bình do tình trạng băng đĩa từ Việt Nam càng ngay càng đổ qua ào ạt khiến nhiều trung tâm âm nhạc và trình diễn cũng như các nghệ sĩ độc lập phải chùn bước trước trước sự cạnh tranh đáng ngại này. Bởi vậy, khả năng âm nhạc của ông cũng đã không còn được sử dụng.

Ông chỉ chú tâm vào việc nghiên cứu nhạc và đã sáng tác thêm một số bản nhạc, trong số những bài này có “Trái Sầu Đầy” và “Một Đóa Bâng Khuâng Màu E Ấp”. Ngoài ra, một số bản nhạc mang lời Anh ngữ do ông sáng tác được Hilltop Records Hollywood giới thiệu vào các album, có những bản “Forget Me Not”, “The Stars Band”, “Crying Rocks”, mà gần đây nhất là bài “Forever Love” vào năm 2008 trong album “The Best of Hilltop.”

Tuy không còn nhiều hứng thú trong việc sáng tác, nhưng rồi nhạc sĩ Trần Trịnh đã bất chợt tìm lại được nguồn rung cảm khi thưởng thức lại bài thơ La Dernière Feuille (Chiếc lá cuối cùng) của thi sĩ Théophile Gauthier, liền sau đó ông đã phổ nhạc cho bài thơ bất hủ này. Nhạc phẩm “Chiếc Lá Cuối Cùng” cũng chính là nhạc phẩm cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông.

Cuộc sống cuối đời của nhạc sĩ Trần Trịnh rất vất vả, vợ ông qua đời sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư ác nghiệt và bản thân ông sức khoẻ cũng suy giảm nhiều.

(Nguồn: Nguyễn Việt, My Opera)

Nguyền cầu hương linh nhạc sĩ Trần Trịnh sớm về cõi vĩnh hằng.

PHP

(Saigon 13-10-2012)

Pages: 1 2 3 4