Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Cuộc chiến toàn cầu chống hút thuốc lá

Theo luật định ở nhiều nước, trên bao bì gói thuốc lá phải in những hình ảnh có kích thước lớn cảnh báo tác hại của việc hút thuốc.

Năm 2011, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một báo cáo đặc biệt gọi là “bệnh dịch thuốc lá toàn cầu” (global tobacco epidemic), cảnh báo về mối nguy hiểm của thuốc lá. Mỗi năm thuốc lá giết chết gần 6 triệu người trên thế giới, trong đó có hơn 600.000 người tuy không hút thuốc nhưng bị chết vì hít phải khói thuốc. WHO dự báo có khoảng 1 nửa trong tổng số 1 tỷ người hút thuốc trên toàn cầu sẽ chết vì những bệnh có liên quan tới thuốc lá. Nếu cứ hút thuốc như hiện nay, vào năm 2030 mỗi năm thế giới có 8 triệu người chết vì thuốc lá, 80% là chết yểu. Hiện nay, thế giới đã có Hiệp định Khung WHO về kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC), đến giữa năm 2011 đã có 173 nước tham gia, chiếm 87% số dân toàn cầu. WHO cũng đã đưa ra các biện pháp gọi là MPOWER nhằm trợ giúp cấp quốc gia để giảm mức tiêu thụ thuốc lá ở các nước. Trong vòng 2 năm qua, có khoảng 1,1 tỷ người ở 30 nước đã được áp dụng các biện pháp bảo vệ MPOWER. Hơn 1 tỷ người đang sống ở các nước áp dụng luật định buộc nhà sản xuất phải dán trên bao thuốc lá các hình ảnh cỡ lớn cảnh báo mối nguy hại của thuốc lá. Có 1,9 tỷ người đang sống ở 23 nước trong 2 năm qua có những cuộc vận động toàn quốc chống thuốc lá. Có một chi tiết đang lưu ý: các nước có thu nhập thấp và trung bình đang đi trước các nước phát triển trong cuộc chiến chống thuốc lá. Ai cũng rõ rằng mỗi năm ngân sách nhà nước và xã hội phải tốn những khoản chi phí rất lớn cho việc giải quyết những hậu quả của thuốc lá.

Chúng ta thử điểm qua một số nước có số tỷ lệ số dân hút thuốc lá cao nhất thế giới.

Đảo quốc Kiribati ở miền trung Thái Bình Dương hiện là nước có tỷ lệ dân hút thuốc cao nhất thế giới, 57% số người lớn.

Hy Lạp có 52% số người lớn hút thuốc lá. Giá một gói Marlboro 4,8 USD. Từ năm 2009, quảng cáo thuốc là bị cấm, ngoại trừ tại nơi bán thuốc. Không được hút thuốc ở nơi công cộng. Nhưng thực tế là lệnh cấm hút thuốc nói chung bị làm ngơ, hầu hết các quán vẫn để gạt tàn thuốc ngay trên bàn.

Ở Nga, giá một gói Marlboro 2 USD. Hút thuốc bị cấm trên xe lửa, máy bay và một số nơi công cộng, nhưng vẫn được thả ga ở hầu hết các quán và câu lạc bộ. Nhiều quán cà phê và nhà hàng có khu dành cho người hút thuốc. Các quảng cáo in phải có thêm lời cảnh báo nguy hại của thuốc lá.

Albania có 40% số người lớn hút thuốc. Giá thuốc Marlboro 2,2 USD/gói. Quảng cáo thuốc lá bị cấm. Hút thuốc bị cấm ở các quán, văn phòng và các nơi có người tụ tập.

Bulgaria có 37% số người lớn hút thuốc. Giá một gói Marlboro 3,5 USD. Hồi tháng 6-2012, nước này áp dụng lệnh cấm hoàn toàn hút thuốc ở các nơi công cộng trong nhà. Các chủ nhà hàng phản ứng, nói rằng họ mất tới 50% doanh thu.

Cộng hòa Czech có 37% số người lớn hút thuốc. Giá thuốc Marlboro 4 USD/gói. Quảng cáo thuốc lá chỉ được phép ở nơi bán thuốc. Hút thuốc bị cấm ở nơi công cộng, trạm xe lửa, nhưng được phép tại các quán và nhà hàng tùy theo chủ nhân.

Thuốc lá mỗi năm trực tiếp gây ra hơn 100.000 cái chết ở Anh. Trong số này, có khoảng 42.800 người chết vì các chứng ung thư có liên quan tới hút thuốc, 30.000 người chết vì các bệnh tim mạch do thuốc lá gây ra và 29.100 người chết vì các chứng bệnh phổi mãn tính. Các nghiên cứu ở Anh cho thấy hút thuốc làm giảm tuổi thọ 7-8 năm. Trong số 300 người chết mỗi ngày vì thuốc lá, đa phần là chết trẻ. Số người dưới 70 tuổi chết vì các bệnh có liên quan tới thuốc lá vượt qua tổng số người chết vì ung thư ngực, AIDS, tai nạn giao thông và nghiện ma túy cộng lại.

Mỗi năm thuốc lá giết khoảng 435.000 người ở Mỹ, nghĩa là cứ 6 người chết thì có 1 người là vì thuốc lá. Năm 2010, người Mỹ mua hơn 303 tỷ điếu thuốc. Thuốc lá mỗi năm khiến Mỹ bị mất nhiều tỷ USD về chi phí y tế và mất sức lao động. Trong thời gian từ năm 2000-2004, hút thuốc lá ở Mỹ đã gây tốn gần 96 tỷ USD cho chi phí y tế trực tiếp và 97 tỷ USD vì mất sức lao động. Thuốc lá mỗi năm làm cả nước Mỹ giảm thọ khoảng 5,1 triệu năm.

Các nhà khoa học khẳng định rằng: những người không hút thuốc hay bỏ hút thuốc có sức khỏe tốt hơn hẳn những người hút thuốc.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 19-10-2012)

Pages: 1 2