Thứ Sáu ngày 06 tháng 12 năm 2024

Khi thế giới không còn muốn có án tử hình

 

Cho tới nay đã có 111 nước trong tổng số 193 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Đại hội đồng LHQ kêu gọi bãi bỏ bản án tử hình trên toàn thế giới. Đây chính là một xu thế toàn cầu cả về nhân đạo lẫn nhân quyền.

Và một trong những tử tội đang chờ mong một phép lạ có thể cứu mình thoát chết nhờ nghị quyết đó là Abdallah Boaz, một người Uganda 35 tuổi, hồi tháng 1-2012 đã bị tòa án Nam Sudan tuyên án tử hình không bao lâu sau khi nhà chức trách phát hiện một xác chết ở bên ngoài nhà anh ta. Trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt của hãng tin Mỹ AP, Boaz nói: “Đây là Nam Sudan, nơi nếu bạn là người nước ngoài, bạn có thể bị kết tội về bất cứ điều gì. Tôi không biết tiếng Arập và tôi không thể hiểu hầu hết những gì kẻ buộc tội tôi nói trong tất cả 6 lần tôi ra trước tòa. Quan tòa nói với tôi rằng tôi là kẻ giết người và tuyên án tôi tử hình.” Anh ta cho biết mình không thể tìm một luật sư để kháng án và bây giờ “chỉ biết cầu nguyện cho một phép lạ xảy tới, có ai đó sẽ tới cứu tôi và tôi sẽ không bị hành quyết.”

Trong báo cáo thường niên của mình, Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế (Amnesty International, AI) ngày 10-4-2013 đã kêu gọi Nam Sudan thực thi việc bãi bỏ án tử hình.

Hầu hết các nước ở châu Phi đã ngừng thi hành các bản ản từ hình. Trong tổng số 54 nước châu Phi là thành viên LHQ, trong năm 2012 chỉ còn 5 nước Nam Sudan, Sudan, Somalia, Gambia và Botswana vẫn tiếp tục hành quyết tử tội.

Nam Sudan là nước mới ra đời năm 2011 sau khi tách khỏi Sudan. Tới nay nước này đã hành quyết 12 tử tội, trong đó có 5 tử tội trong năm 2012. Hiện còn hơn 200 tử tội đang chờ hành quyết ở Nam Sudan. Hồi tháng 12-2012, Nam Sudan đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết của LHQ kêu gọi hủy bỏ án tử hình. Vì thế, tổ chức AI kêu gọi nhà nước mới nhất thế giới và có tư cách thành viên LHQ đầy đủ này thực hiện những gì mình đã cam kết, đình hoãn tất cả các việc hành hình và xem xét lại việc áp dụng mức án tử hình trong tương lai. Theo luật định, việc hành quyết tử tội ở Nam Sudan do Tòa án Tối cao giám sát và được tổng thống phê chuẩn. Nhưng giới hoạt động nhân quyền quốc tế lo ngại rằng hệ thống tư pháp còn quá non trẻ của nước này có thể không bảo đảm việc xét xử được công bằng và đúng luật. Có khá nhiều người không thể theo sát được các quy trình của tòa án và có những bị cáo không nói được ngôn ngữ mà các quan chức tòa án sử dụng. Thường là các bị cáo không thể tiếp cận với các luật sư, dẫn tới việc là quan tòa muốn xử sao thì xử.

Hồi tháng 9-2012, Riek Puok Riek, đại diện thường trực của Nam Sudan tại Geneva, nói với Hội đồng Nhân quyền LHQ rằng: “Nam Sudan đồng ý với tính lý luận của việc xóa bỏ án tử hình. Nhưng chúng tôi cho rằng đây là một quá trình có thể được thực hiện dần dần.”

Cũng theo báo cáo của tổ chức AI, có 21 nước trên thế giới được ghi nhận có thi hành án tử hình trong năm 2012, tuy vẫn bằng con số của năm trước, nhưng đã giảm so với 28 nước hồi năm 2003. Nước láng giềng phía bắc của Nam Sudan là Sudan trong năm rồi đã hành quyết 19 tử tội, nhiều nhất ở châu Phi. Trong năm 2012 ở 20 nước (do không có số liệu của Trung Quốc) có 682 tử tội bị hành quyết, tăng 2 người so với năm trước. 5 nước dẫn đầu thế giới trong năm qua về số lượng tử tội bị hành quyết là Trung Quốc, Iran, Iraq, Saudi Arabia và Mỹ. Theo AI, Trung Quốc – nước đông dân nhất hành tinh – có số tử tội bị hành quyết đông nhất thế giới, nhưng luôn giữ bí mật các số liệu thống kê. Trong năm qua, Mỹ hành quyết 43 tử tội (bằng với năm trước). Có thêm 77 tử tội mới ở Mỹ, mức thấp nhất thứ hai kể từ khi Tòa án Tối cao Mỹ xem xét lại các luật lệ về án tử hình hồi năm 1976.

Nhiều năm nay thế giới vẫn mãi tranh cãi nhau về án tử hình – mức án cao nhất. Khi chưa thể loại bỏ được bản án tử hình thì người ta đề nghị chọn hình thức thi hành án sao cho có tính nhân đạo hơn. Hình thức chém đầu thì quá tàn bạo, treo cổ cũng hung bạo quá, còn hình thức xử bắn thì đang được chuyển dần thành tiêm thuốc độc. Việc áp dụng bản án tử hình là nhằm răn đe đối với những tội ác “trời không dung, đất không tha”, nhưng thật ra mục đích răn đe đã đạt được khi tội nhân bị tòa tuyên mức án này rồi. Việc thi hành bản án ra sao chỉ là phần việc thực thi bản án của cơ quan hữu trách.

Theo lý luận, việc áp dụng bản án tử hình ngoài ý nghĩa trừng trị kẻ phạm tội ác còn nhằm loại bỏ vĩnh viễn kẻ không còn có khả năng cải hối đó ra khỏi xã hội. Nhưng cho dù là vậy, nó vẫn là hành vi kết liễu mạng sống của một con người mà nếu không được xét xử một cách cẩn trọng và công bằng, sự oan sai là không thể nào sửa chữa lại được. Ngoài ra, người ta vẫn có nhiều băn khoăn về khả năng bản án tử hình bị lạm dụng – hoặc là vượt quá sự cần thiết, hoặc là phục vụ cho những ý đồ của nhà cầm quyền. Đây cũng là một trong những nguyên nhân nhiều nước chỉ áp dụng án tử hình cho những tội thảm sát, tuyệt đối không dùng trong những vụ án kinh tế hay là án chính trị. Năm 2011, Quốc hội Trung Quốc đã giảm số tội danh có mức án tử hình từ 68 xuống còn 55. Để đạt được cả hai mục đích của án tử hình là trừng phạt ở mức tối đa và loại bỏ kẻ gây tội ác khỏi xã hội, có những nước – như Mỹ chẳng hạn – sử dụng biện pháp tù chung thân không được ân xá.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 12-4-2013)

+ Ảnh: Những người chống án tử hình ở Mỹ. (Nguồn: Internet. Thanks.)