Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Phiếm luận về bậc trung học ở Mỹ

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

 

Nhân dịp tựu trường, chúng ta hàn huyên một chút về nền giáo dục cho vui. Để tránh câu chuyện quá mênh mông, chúng ta chỉ nói về bậc trung học. Thêm một chi tiết nữa, tôi xa xứ khá lâu nên không rõ hệ thống giáo dục ở bên nhà, vậy xin nói về nền trung học ở Mỹ.

Chính phủ Mỹ tuy có bộ giáo dục nhưng không hề có chương trình giảng huấn chỉ đạo hay soạn sách giáo khoa chung cho toàn quốc. Ngạc nhiên chưa? Nhìn vào lịch sử của bộ này, tôi chỉ thấy có hai quyết định giáo dục quan trọng của chính phủ. Thứ nhất là “luật Giáo dục” (Education law) cũ rích, ra đời từ năm 1647. Nguyên thủy nó là luật của tiểu bang Massachusetts rồi được liên bang nâng cấp lên thành luật quốc gia. Theo luật này bất cứ nơi nào có 100 gia cư, nơi đó bắt buộc phải có một trường học. Quyết định thứ hai là luật “Không có trẻ em nào bị bỏ rơi” (No Child Left Behind Act) do Tổng thống George W. Bush (tức Bush con) ban hành vào đầu năm 2001. Nền cưỡng bách giáo dục buộc mọi công dân Mỹ phải tốt nghiệp trung học. Muốn vậy dĩ nhiên không thể có một trẻ em nào bị bỏ rơi, nghĩa là chính phủ phải cung cấp một hệ thống giáo dục miễn phí. Thậm chí còn phải có xe đưa xe đón và những bữa ăn trưa đầy đủ dinh dưỡng miễn phí cho học sinh. Trong giờ học mà có em nào đi lang thang ngoài đường là coi như em đó cúp cua, cảnh sát có quyền bắt. Tôi mong Việt Nam ta có chương trình cưỡng bách giáo dục, ít nhất là đến hết cấp hai. Nếu chưa thể có, tôi nghĩ rằng những em nhà nghèo nên được giúp đỡ để đạt mục tiêu này.

school-bus-flashing-stop-sign

Xe buýt trường học đưa đón học sinh miễn phí.

Trên nguyên tắc chương trình giáo dục nằm trong tay tiểu bang. Trên thực thế nó thuộc quyền mỗi vùng, gọi là học khu (local school district). Trong cùng một tiểu bang, nếu có một học khu khác thường thì cũng không phải là điều ngạc nhiên. Một biến cố điển hình vào năm 2004, học khu Dove, quận York, tiểu bang Pennsylvania, thay thế môn sinh học (biology) bằng môn học có tên là “thiết kế thông minh” (intelligent design). Sự mâu thuẫn nổ lớn giữa các học khu khác của Pennsylvania. Sự việc phải đưa ra tòa án tối cao của tiểu bang cứu xét. Năm 2005 tòa phán quyết thuyết “thiết kế thông minh” không phải là môn khoa học thuần túy nên phải ngừng dạy. (1)

us-high-schook-students-02

Học sinh ở Mỹ: mỗi em một bàn và mặc gì tùy thích.

Tiếng Việt dùng danh xưng “trung học” để chỉ nền học vấn nằm giữa bậc tiểu học và bậc đại học. Ở Mỹ, nền học vấn này có hai cấp với tên gọi khác nhau:  cấp giữa (middle school – trung học cơ sở) gồm từ lớp 6 đến lớp 9; cấp cao (high school – trung học phổ thông) gồm từ lớp 10 đến lớp 12. (2) Để được tốt nghiệp trung học, học sinh phải đạt 22 tín chỉ (credit, có nơi gọi là unit). Trong 22 tín chỉ này, có bao nhiêu tín chỉ cho những môn bắt buộc phải học? Nếu bạn đưa câu hỏi này lên bộ giáo dục, bạn sẽ được câu trả lời ba phải, “Cái đó tùy theo tiểu bang. Hỏi vớ vẩn”. Nếu bạn xuống hỏi tiểu bang, câu trả lời ấm ớ không kém, “Tùy theo học khu”. Để bạn khỏi chưng hửng, tôi xin trả lời. Tiểu bang California cần 13 tín chỉ. Xin được thòng thêm câu: và vài tín chỉ tùy theo học khu. Những tiểu bang khác có những tiêu chuẩn riêng, chẳng hạn tiểu bang Washington cần 16 tín chỉ (và vài tín chỉ tùy theo học khu). Những môn bắt buộc cũng là những môn đòi hỏi nhiều tín chỉ nhất. Chúng là những môn: quốc văn (English), toán, xã hội, và thể dục. Xin nhắc lại, thể dục cũng là môn bắt buộc. Các bạn đừng ngạc nhiên khi biết các vị tổng thống nổi tiếng như Dwight Eisenhower , Ronald Reagan… đều là cầu thủ bóng bầu dục hạng cừ. Hình bên dưới là cầu thủ bóng bầu dục John F. Kennedy (bên trái) và cầu thủ bóng rổ Barack Obama thời niên thiếu.

John F. Kennedy obama

Những môn như vật lý, hóa học, khoa học cũng là những môn bắt buộc nhưng có tín chỉ ít hơn. Còn lại khoảng 6 tín chỉ là những môn nhiệm ý. Học sinh có quyền lựa chọn tùy theo năng khiếu cá nhân. Chẳng hạn có em chọn âm nhạc, có em chọn kịch nghệ, có em chọn ngoại ngữ… Một số trẻ em Việt đã chọn ngoại ngữ là tiếng Việt. Thật là nhất cử lưỡng tiện, vừa học cách nói tiếng mẹ đẻ lại vừa đạt được tín chỉ đòi hỏi.

us-high-schook-students-03

Cách đây khá lâu, khi con tôi còn học trung học, thỉnh thoảng tôi dự phiên họp giữa phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường. Nhờ đó tôi có dịp vào trường nhiều lần. Phải nói đây chỉ là ngôi trường cũ bình thường, nhưng nó vĩ đại còn hơn cả hai trường đại học Văn khoa và đại học Sư phạm ở Sàigòn (trước 1975) cộng lại. Trường có phòng đầy máy tính, phòng thí nghiệm đầy kính hiển vi, một sân vận động có sức chứa hằng mấy ngàn người. Vì đề cao thể dục nên trường nào cũng có một đội bóng bầu dục, một đội bóng rổ dữ dội, và đủ loại các môn thể thao khác. Có một lần, tôi đang đi trên hành lang giữa đám học trò đi ngược chiều, chúng gồm đủ mọi chủng tộc, Mỹ trắng, Mỹ đen, Á-rập, Ấn Độ, Mễ… với quần áo, tóc tai đủ kiểu. Bỗng có một cậu Á Đông tách khỏi nhóm bạn, hiên  ngang đến trước mặt tôi khoanh tay cúi đầu chào, rồi cậu vội chạy theo nhóm bạn. Tôi khựng người lại và thầm nghĩ, “có lẽ cậu ta là người Việt Nam và tưởng lầm tôi là thầy giáo.”

Thế đó, nhìn vào trung học Mỹ có thể nhiều người thấy nó có vẻ hổ lốn hay là một nơi quá phóng khoáng. Không hổ lốn sao được khi nước Mỹ hàng năm đón nhận biết bao nhiêu là di dân với đủ mọi thành phần. Nhưng bất kỳ em đó thế nào, nền giáo dục Mỹ không kỳ thị và không bỏ rơi em. Để rồi khi tốt nghiệp trung học, ngoài những hiểu biết chuyên môn, em còn biết lái xe, biết gõ chữ trên bàn phím như gió, biết sử dụng computer thành thạo… và có một tinh thần tự lập để sẵn sàng vào đời. Trường trung học ở Mỹ không phải là một mẫu lý tưởng, nhưng tinh thần giáo dục của nó rất đáng quí. Nó thật sự là môi trường rộng tay đón nhận những mầm non thuộc các nền văn hóa khác nhau để cống hiến một kho tàng kiến thức của một xứ văn minh.

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, CA 10-9-2014)

———

(1) Có hai thuyết về cuộc tạo dựng vũ trụ. Thuyết tiến hóa của Darwin (Darwinian evolution) cho rằng vũ trụ và vạn vật tự nhiên mà có rồi theo luật đào thải thiên nhiên mà cải thiện. Thuyết  thiết kế thông minh (intelligent design) cho rằng vũ trụ và vạn vật quá phức tạp vượt khỏi trí hiểu biết của con người, nên không thể ngẫu nhiên mà có. Vũ trụ phải do một quyền lực cực kỳ thông minh nào đó sáng tạo ra. Năm 1999, tiểu bang Kansas chấp nhận thuyết intelligent design được dạy trong học đường. Đến năm 2002 thuyết này được dạy song song với thuyết tiến hóa của Darwin, như một sự lựa chọn tùy ý. Đến năm 2005 tòa án tiểu bang phủ quyết thuyết intelligent design. Từ đó thuyết này bị loại khỏi học đường. Tôi nêu ra sự kiện này chỉ để chứng minh tính cách độc lập của mỗi tiểu bang trong việc giáo dục.

(2) Nếu muốn biết thêm chi tiết về hệ thống giáo dục Mỹ xin đọc cuốn “Tóm lược giáo dục Hoa Kỳ” tại dây.

 

us-high-schook-students-01