Chủ nhật ngày 28 tháng 4 năm 2024

Châu Á trong chiến lược của Nga

caucasus_cntrl_asia

 

Đến giờ thì chẳng còn ai bàn cãi gì nữa về cái điều đã trở thành hiển nhiên: châu Á là trung tâm phát triển của thế giới hiện nay và tương lai. Châu Á tuy chỉ chiếm 30% diện tích đất đai toàn cầu nhưng có tới 60% số dân thế giới đang sống (theo số liệu 2014 khoảng 4,4 tỷ người). Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Vì thế xét về mặt nào, châu Á cũng đều là một châu lục quan trọng.

Đó là lý do mà trong chiến lược đối ngoại của mình, từ lâu nay, các cường quốc trên thế giới đều xoay trục tập trung về châu Á. Và cuộc tranh giành ảnh hưởng (cũng đồng thời là lợi ích) ở châu Á giữa các siêu cường đang diễn ra cả công khai lẫn ngấm ngầm. Dĩ nhiên, hai tay chơi hàng đầu vẫn là Mỹ và Nga, kẻ tám lạng, người nửa cân. Với lợi thế “nhất cận lân” (là một nước Âu Á có diện tích trải dài từ toàn bộ Bắc Á tới phần lớn Đông Âu), Nga ngày càng tích cực hơn trong công cuộc “Á tiến”, đặc biệt là trong bối cảnh bị phương Tây cô lập do Nga bị trừng phạt kinh tế vì sự can dự của họ vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Asian_Russia

Tổng thống Nga Vladimir Putin lại có một cuộc công du mới tới Ấn Độ, chỉ một ngày 11-12-2014. Ông vốn là một vị khách thường xuyên của Ấn Độ kể từ khi lên làm Tổng thống Nga từ năm 2000 tới nay. Hơn nữa, Nga và Ấn Độ đều là thành viên của Nhóm nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi).

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin Ấn Độ PTI được Điện Kremlin công bố ngày 9-12-2014, Tổng thống Nga nhấn mạnh là Nga muốn mở rộng hơn nữa mối quan hệ với Ấn Độ. Hiện nay kim ngạch thương mại giữa hai nước là 10 tỷ USD (chỉ bằng 1 phần 9 so với kim ngạch Nga – Trung Quốc). Từ sau Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ ngày càng thêm chặt chẽ khi Nga là một đồng minh then chốt và nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ. Trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần này, Tổng thống Putin trấn an New Delhi do Ấn Độ đã bày tỏ những quan ngại về việc Nga tăng cường quan hệ với Pakistan, nước láng giềng thù địch thâm căn cố đế của Ấn Độ. Moscow khẳng định Nga cần hợp tác với Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố và buôn lậu ma túy.

putin-modi-bric-summit-6th

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp thượng đỉnh BRICS lần thứ 6 tại Brazil hồi tháng 7-2014. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

Nhưng mục đích chính của chuyến thăm Ấn Độ lần này là vấn đề năng lượng. Hai nhà lãnh đạo Nga và Ấn Độ chuẩn bị cho 2 dự án đầu tư khai thác dầu khí ở Siberia giữa Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ ONGC và 2 mỏ dầu khí Vankor và Yurubcheno-Tokhomskoye thuộc Tập đoàn Dầu khí Nga Rosneft; cũng như phác thảo lộ trình của tuyến đường ống dẫn dầu đầu tiên giữa 2 nước. Nga chào mời các công ty năng lượng Ấn Độ tham gia khai thác các mỏ dầu đầy tiềm năng ở Bắc Cực. Theo kế hoạch, Nga sẽ bắt đầu cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng cho Ấn Độ từ năm 2017.

Vậy là với món quà cây nhà lá vườn là dầu khí mà Nga được thiên nhiên hào phóng ban tặng rất dồi đào, Moscow đang kết chặt mối quan hệ với cả Bắc Kinh lẫn New Delhi. Hồi tháng 5-2014, trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Thượng Hải, Nga và Trung Quốc đã ký một hợp đồng lịch sử: Trung Quốc mua khí đốt của Nga trong vòng 30 năm với tổng trị giá hơn 400 tỷ USD. Chẳng cần phải nói thêm về vai trò quan trọng và vị thế của 2 nước châu Á này. Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới (1,3 tỷ người) và Ấn Độ là “á quân” về số dân (1,2 tỷ người). Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Ở ngay châu Á và dựa vào châu Á, nếu có thể hội đủ thiên thời – địa lợi – nhân hòa, Nga sẽ có được một sức mạnh thực chất và lâu bền.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-12-2014)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TP.HCM 11-12-2014.