Thứ Năm ngày 05 tháng 12 năm 2024

Thiên tai phi chính trị

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ:

rose-thank

 

Bản chất của thiên tai là tai họa do thiên nhiên gây ra, không phải chỉ cho con người, mà còn là cho muôn loài trên hành tinh. Thiên tai khác nhân tai (hiểm họa do con người gây ra) ở chỗ là không có màu sắc chính trị. Chính thể nào, chế độ nào cũng có thể chịu thiên tai.

Bão lũ lụt ở miền Trung là một dạng thiên tai. Thiên tai là đặc thù của cái vùng ốm tong cong queo trên hình thể chữ S của nước Việt. Từ ngàn xưa cho tới ngày nay và tận mai sau cũng vậy. Bất kể dưới thời lập quốc, đô hộ, phong kiến, thực dân, đế quốc, cộng hòa hay cái gì gì đó, người dân miền Trung vẫn phải thường xuyên oằn mình ra để sống sót với các thể loại thiên tai.

Có lần một cô bạn quê miền Trung hỏi tôi có biết vì sao ở miền này có những loại bánh khô cứng như đá? Đơn giản vì những loại bánh đó có thể để dành, trữ lại ăn lâu ngày.

Một lão niên miền Trung mà tôi từng gặp nói rằng: Người miền Trung làm ra 1 đồng, chỉ dám xài 50 xu, còn 50 xu kia cất lại phòng ngừa ngày mai bão lụt còn có cái mà sống sót.

Tôi thì thường nửa đùa nửa thiệt ví von lối sống của người ba miền thông qua hình ảnh chiếc túi đựng tiền của người phụ nữ. Người miền bắc tiêu dùng chi li vì tiền để trong chiếc ruột ngựa quấn chặt quanh bụng phụ nữ, mỗi lần lấy ra mỗi khó. Người miền nam chi tiêu thoải mái, thậm chí ai cho mượn nợ để xài là cứ vô tư mà mượn, có 1 đồng sẵn lòng mượn thêm 1 đồng nữa xài cho sướng, với hình ảnh chiếc áo của người phụ nữ có một cái túi bự chảng trước bụng, móc tiền ra cực nhanh, cực dễ. Trong khi đó, người phụ nữ miền trung lại chẳng có cái túi áo nào vì có tiền đâu mà đựng.

Chính thể hay chế độ không gây ra thiên tai, nhưng lại có thể khiến cho tác hại của thiên tai thêm trầm trọng hơn hay được giảm nhẹ. Đây cũng chính là một chỉ số để thiên hạ đánh giá nhà cầm quyền có thiệt sự vì dân, chăm lo cho dân hay không. Suy diễn ra, đó cũng là một dấu chỉ để cho thấy nhà cầm quyền đó có thiệt sự muốn trường tồn hay không. Báo Nhân Dân (15-1-2014) trong bài “Lòng dân là “nhân” – Vận nước là “quả” có trích dẫn lời của Nguyễn Trãi qua thực tiễn 10 năm theo phò Lê Lợi đã rút ra được bài học: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết dân như nước”… Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng muốn “Lấy dân làm gốc” trở thành kim chỉ nam trong mỗi hành động của đảng, của chính quyền, của các cấp cán bộ: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”… Quả là rất đơn giản và dễ hiểu, nhưng cớ sao lại khó làm tới như vậy!

Việc trước mắt là chăm lo cứu trợ cho thiệt tốt các nạn nhân thiên tai và kế lâu dài là có những giải pháp giúp giảm nhẹ tác hại của thiên tai âu cũng là từ kim chỉ nam “lấy dân làm gốc” đó thôi.  

Do thiên tai không mang màu sắc chính trị, cộng đồng đã gác qua một bên những lăn tăn, những khác biệt,… để chung sức cứu giúp các nạn nhân thiên tai. Những gì thể hiện trong những ngày qua cho thấy sức mạnh của công chúng thiệt là kinh khủng và cũng thiệt là hiệu quả. Lẽ ra tốt cho tất cả là mọi nguồn lực được tập trung về một mối, được một tổng tư lệnh điều phối mới thật sự phát huy tác dụng. Nhưng đáng tiếc là hiện nay, ta chưa có được điều đó. Qua nhiều mùa, những nơi lẽ ra là đầu mối, và thậm chí danh chính ngôn thuận được giao làm đầu mối, đã làm giảm sút lòng tin của công chúng, cả những nạn nhân thiên tai lẫn những nhà hảo tâm. Rõ ràng, trong tình cảnh tự phát, mạnh ai nấy làm, sự trợ giúp không thể nào phủ rộng khắp và xảy ra nhiều trùng lặp. Nhưng biết làm sao đây, trong những điều tệ, người thông minh là người biết chọn cái ít tệ nhất. Chỉ đành biết là giá như…

Người Việt mình gì thì gì vẫn luôn đáng yêu ở truyền thống tương thân tương trợ. Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, lá nát ít đùm lá nát nhiều. Đó chính là một đặc trưng đạo lý của người Việt. Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là người nước khác không được như vậy, thực tế có khi còn hơn nữa kìa. Nhưng tôi là người Việt, tôi có quyền tự sướng về đạo lý của người Việt, và người Việt phải biết yêu người Việt hơn thiên hạ.

Thiên tai không phải chỉ có đận bão lụt này và cũng chẳng phải chỉ xảy ra trong năm nay. Vì thế, sau những hoạt động cấp tập cứu đói, cứu lạnh không thể chậm trễ được, các đầu mối thiện nguyện (có ai đó gọi là những “soái ca”, “soái tỷ”) cần nghĩ đến những dự án, giải pháp cho kế lâu dài giúp người dân những vùng thường chịu nhiều thiên tai có thể giảm thiểu được những tác hại mỗi khi thiên tai trở lại. Điều gì mình nghĩ là có thể làm được cho đồng bào mình thì cứ xắn tay mà làm ngay, đừng nên trông chờ hay sanh nạnh với nhà nước. Đã nói thiên tai là phi chính trị kia mà.

Ấy là tôi nghĩ vậy đó.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

P.S: Có bạn thắc mắc vì sao tôi vẫn thường chia sẻ những hình ảnh của những thảm họa ở nước ngoài mà lại không chia sẻ hình ảnh về những nạn nhân của bão lũ miền Trung. Thú thiệt tôi là một kẻ yếu bóng vía, không dám nhìn lâu chớ đừng nói chi chia sẻ những hình ảnh đau thương của đồng bào mình. Xin thứ lỗi cho tôi vì sự yếu đuối của tôi. Vì thế, trong blog này, tôi xin tặng những đóa hoa hồng thể hiện lòng biết ơn đối với tất cả những ai đang trực tiếp hay gián tiếp trợ giúp cho những đồng bào bất hạnh của tôi.  (Ảnh gốc: Internet. Thanks)