Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cô Vi có nguy cơ phá toang kinh tế thế giới

Khi các trường hợp nhiểm novel coronavirus xuất hiện ngày càng rộng và nhiều hơn trên toàn cầu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã tiến hành cắt giảm dự báo triển vọng của mình về năm 2020, cho thấy tăng trưởng toàn cầu có thể bị giảm một nửa nếu dịch bệnh COVID-19 lan rộng hơn nữa ra bên ngoài đại lục Trung Quốc. Tới tối 3-3-2020, trên toàn cầu đã có 92.271 người nhiễm virus và 3.130 người chết vì virus SARS-CoV-2 ở 77 nước và vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục (thế giới có 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc).

Thị trường tài chính thế giới đã hồi phục vào thứ Hai 2-3-2020, sau một tuần bầm dập, với hy vọng rằng các chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ hành động mạnh mẽ để chống lại cú đòn kinh tế của dịch bệnh.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh vào ngày thứ Hai 2-3-2020, ngóc đầu trở lại từ một trong những tuần tồi tệ nhất đối với thị trường toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sự chuyển biến này đã tới khi các nhà đầu tư có được lời hứa rằng các chính phủ thế giới sẽ vào cuộc để giúp đỡ nếu nền kinh tế toàn cầu bị dịch bệnh COVID-19 đóng băng.

Chỉ số S & P 500 đã tăng 4,6% vào ngày 2-3 với phần lớn lợi nhuận đến trong giờ giao dịch cuối cùng. Chuyển biến tích cực này tới sau tin tức nói rằng các ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tham gia một cuộc hội nghị online với các bộ trưởng tài chính của Nhóm G7 vào ngày 3-3 để thảo luận về phản ứng trước dịch bênh, tăng thêm kỳ vọng rằng các chính phủ có thể hạ các lãi suất song song nhau.

Thị trường chứng khoán Frankfurt (Đức) ngày 2-3-2020.

Cổ phiếu ở Châu Âu ngày 2-3 cũng phục hồi từ mức thua lỗ trước đó trong ngày. Hầu hết các chỉ số ở Châu Á cũng đã kết thúc cao hơn.

Đầu ngày thứ Hai 2-3, cả hai Ngân hàng Nhật Bản (Bank of Japan) và Ngân hàng Anh quốc (Bank of England) đều cam kết giám sát chặt chẽ thị trường và bảo vệ sự ổn định tài chính. Sau đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ra tuyên bố chung rằng họ sẵn sàng giúp đỡ các quốc gia thành viên của mình giải quyết thảm họa con người và thách thức kinh tế do novel coronavirus gây ra, đặc biệt là các nước nghèo, nơi các hệ thống y tế yếu nhất và con người dễ bị tổn thương nhất.

Giá dầu cũng tăng, kết thúc cuộc trượt dài của tuần trước. Các nhà đầu tư đang hy vọng rằng một cuộc họp giữa các quan chức của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga tại Vienna (Áo) trong tuần này sẽ dẫn đến việc cắt giảm sản lượng mới và sâu hơn.

Trong khi đó lợi suất trái phiếu (bonds yields) lại giảm xuống mức thấp kỷ lục mới vào ngày thứ Hai 2-3, cho thấy mặc dù có sự tăng giá cổ phiếu, các nhà đầu tư dự kiến ​​Fed sẽ hạ lãi suất với hy vọng củng cố nền kinh tế. Lợi tức trên trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ 10 năm, đóng vai trò là ủy quyền cho tình hình chung trên thị trường trái phiếu, đã giảm xuống còn 1,09%.

NGÔ LÊ

(Nguồn: New York Times 2-3-2020)