Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Dông bão trong làng công nghệ

Bây giờ đã là trung tuần tháng 11-2022, theo lẽ thường là thời điểm để các doanh nghiệp chạy nước rút cho kế hoạch 2022 và chuẩn bị cho năm mới 2023. Vậy mà cùng chung tình cảnh với nhiều ngành nghề khác, làng công nghệ cả toàn cầu lại đang lao đao trong trận dông bão chưa từng có.

Chưa bao giờ lại xảy ra chuyện cắt giảm lao động đồng loạt với số lượng lớn ở các “ông lớn” công nghệ toàn cầu như bây giờ.

Nguồn ảnh: MobileSyrup/Internet.

Mở đầu dông bão cuối năm là Twitter, mạng xã hội tin nhắn của Mỹ. Ngày 4-11-2022, chỉ một tuần sau khi có chủ mới là tỷ phú Elon Musk vừa tiếp quản mạng Twitter sau nhiều um sùm, cả về pháp lý, Twitter đã tạm thời đóng cửa văn phòng, cắt quyền truy cập của nhân viên vào hệ thống nội bộ, bắt đầu việc sa thải hàng loạt nhân sự không thông báo trước. Có tới hơn một nửa trong tổng số 7.500 nhân viên đã nhận được quyết định sa thải. Có những người nhận được email sa thải trong khi đang ngủ đêm, sáng dậy thì mới biết mình vừa thất nghiệp. Ở Ấn Độ, thị trường đông dân thứ nhì thế giới (khoảng 1,4 tỷ người) và được coi là đầy tiềm năng, Twitter cắt giảm tới 90% nhân sự. Nguyên nhân được cho là để giảm chi phí vận hành. Nhưng các nhà quan sát nói rằng động thái này là đúng hướng của ông chủ mới. Vài ngày sau đó, một số ít nhân sự này đã được Twitter gọi trở lại làm việc, mà theo hãng tin Bloomberg, lý do là ban quản trị Twitter đã phát hiện mình sa thải nhầm những người có tài năng và kinh nghiệm rất cần thiết cho việc xây dựng các tính năng mới mà ông chủ Elon Musk muốn mang đến cho nền tảng.

Tiếp theo và gây chấn động hơn là Công ty Meta (Mỹ), công ty mẹ của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook. Ngày 8-11-2022, tỷ phú Mark Zuckerberg, CEO Meta, công bố Meta đã bắt đầu sa thải 13% nhân viên, tương đương hơn 11.000 người. Nhà sáng lập Facebook cho biết Meta đang cố gắng trở thành một công ty tinh gọn, hiệu quả thông qua việc cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và đóng băng tuyển dụng đến hết quý 1-2023.

Các “ông lớn” công nghệ khác của Mỹ cũng đang khó khăn chồng chất khó khăn. Tuy không công bố sa thải nhân viên, Apple, Amazon, … đã đóng băng các kế hoạch tuyển dụng mới. Công ty taxi công nghệ Lyft cũng có kế hoạch sa thải 13% nhân sự. Google, Microsoft, Oracle, NVIDIA, Snap, Spotify, Intel, Salesforce,… hoặc cũng đã có những đợt sa thải bớt nhân viên trong thời gian qua, hoặc phải tạm ngừng tuyển dụng người mới.

Tất nhiên, các động thái này của các công ty công nghệ chủ yếu có liên quan tới tình hình kinh doanh đang khó khăn hơn bao giờ hết trên toàn cầu. Nguyên nhân chính có thể nói là một di chứng hậu đại dịch COVID-19 kết hợp với những bất ổn chính trị trên thế giới mà nghiêm trọng nhất là sự căng thẳng ngày càng cao gữa Mỹ và Trung Quốc rồi cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraina.

Các mạng truyền thông xã hội bị mất doanh thu quảng cáo vào mức “khủng”. Các công ty sản xuất gặp khó khăn trong sản xuất (thiếu chíp xử lý, thiếu nguyên liệu, dây chuyền sản xuất gặp vấn đề,…) và sức mua, nhu cầu người dùng sụt giảm mạnh. Chẳng hạn như Apple với dòng smartphone iPhone 14 mới vừa có sức mua giảm hơn trước, vừa gặp khó khăn trong cung ứng hàng do nhà máy sản xuất ở Trung Quốc bị phong tỏa vì tái bùng phát dịch COVID-19.

Trong một đám cưới của làng công nghệ tại TP.HCM gần đây, khi hỏi nhiều người đang kinh doanh công nghệ, máy tính, chúng tôi hầu như chỉ nhận được những cái lắc đầu ngao ngán, những nụ cười buồn. “Còn trụ được tới giờ là giỏi lắm rồi.” Sức mua nói chung giảm, đặc biệt là các công ty trước giờ trông mong vào các dự án công lại càng thêm khốn khổ, cũng có những món hàng bán được thì lại thiếu nguồn cung ứng.

Trong tình hình như thế này, các công ty sản xuất và kinh doanh – dịch vụ công nghệ mà không linh hoạt, không có những cách hóa giải và chịu đụng thì quả là chí nguy. Không ít người nghĩ rằng phải gồng gánh vài ba năm nữa họa may với qua được cơn hoạn nạn này.

PHẠM HỒNG PHƯỚC