Chủ nhật ngày 28 tháng 4 năm 2024

Chuyện định danh tài khoản người dùng mạng xã hội

Có thể nói ngay rằng, vấn nạn nội dung xấu xí, độc hại cho cộng đồng trên mạng xã hội sẽ được giải quyết hiệu quả hơn nếu như áp dụng cơ chế định danh tài khoản người dùng mạng xã hội. Bởi lẽ, một khi tài khoản gắn với đích danh cá nhân mình, người dùng ắt “lên mạng” một cách cẩn trọng hơn và có trách nhiệm hơn.

Trong kỷ nguyên Internet này, người ta sống song hành trên cả đời thực lẫn đời ảo. Và cả hai cõi đời đó đều ảnh hưởng, có tác động lẫn nhau. Việt Nam là một trong nững nước có đông người sống ảo nhất thế giới. Theo báo cáo Digital 2023 (phát hành tháng 1-2023) của We Are Social, số lượng người dùng mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam là 70 triệu người, chiếm 71% dân số. Việt Nam là nước đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet (79,1% dân số) và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn. Số người Việt Nam sử dụng điện thoại di động cực lớn, vào đầu năm 2023 có 161,6 triệu kết nối điện thoại di động đang hoạt động (tương đương 164% số dân). Đó là lý do mà người Việt Nam chủ yếu lên mạng bằng smartphone. Thiết bị di động chiếm tới 86,58% tổng lưu lượng duyệt web ở Việt Nam.

Báo cáo Digital 2023 – Vietnam của We Are Social về tình hình dùng mạng xã hội ở Việt Nam.

Nếu trong đời thực, nhà nước cần phải định danh điện tử mỗi công dân để phục vụ cho việc quản lý đất nước và thực hiện các dịch vụ trên nền tảng số, đời ảo lại càng phải có định danh từng người dùng để tránh “loạn”.

Hiện nay, cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất biện pháp định danh người dùng mạng xã hội bằng chính số điện thoại di động mà người đó sở hữu và dùng để đăng ký tài khoản. Biện pháp này đã được Bộ bổ sung vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (Nghị định 72) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Thật ra, yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội đã được đưa ra từ lâu. Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP có quy định mạng xã hội (nội địa lẫn xuyên biên giới) phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Dữ liệu cần khai báo cho yêu cầu này gồm tên thật và số điện thoại của chủ tài khoản. Ngoài ra, các mạng xã hội hoạt động ở Việt Nam chỉ cho người dùng đã định danh được viết bài đăng, bình luận, sử dụng tính năng phát trực tiếp video (livestream). Các tài khoản chưa định danh chỉ được xem nội dung đơn thuần.

Luật An ninh mạng (Luật số: 24/2018/QH14) đã có quy định các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằn  văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng” (Mục a, Khoản 2, Điều 26).

Theo giới chuyên môn, việc định danh tài khoản người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam là khả thi. Nó sẽ pháp lý hóa và giúp thực thi hữu hiệu hơn đối với quy định định danh người dùng. Thực tế hiện nay nhiều mạng xã hội lớn đã gắn tài khoản người dùng với số điện thoại đăng ký. Một số mạng xã hội như Facebook cho người dùng tùy chọn đăng ký bằng số điện thoại hay email. Thuận lợi lớn nhất là tuyệt đại đa số người Việt Nam “lên mạng” bằng điện thoại di động. Tất nhiên, để làm được điều này mấu chốt vẫn là sự đồng lòng, đồng bộ của cả cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ lẫn người dùng.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 19-7-2023 và trên báo NLĐ Online.

NGÔ LÊ