Chủ nhật ngày 28 tháng 4 năm 2024

Thế giới “tuyên chiến” với AI vô trách nhiệm

Nếu 2023 là năm bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) đầu cuối với “ngòi nổ” là ứng dụng ChatGPT của startup công nghệ Mỹ OpenAI (chính thức ra mắt vào ngày 30-11-2022), năm 2024 được dự báo là năm “phủ sóng” AI. Bây giờ, AI đã được triển khai tới tận cấp thiết bị khi vào những tháng cuối năm 2023, những con chip xử lý cho máy tính (như dòng CPU Intel Core thế hệ 14, Qualcomm Snapdragon X Elite) và thiết bị di động (như Qualcomm Snapdragon 8 Gen 3) đã được tích hợp khả năng xử lý AT. Nghĩa là trong năm 2024, AI có thể được xử lý ngay trên những chiếc PC hay thiết bị di động của người dùng rộng rãi.

(Ảnh: Internet. Thanks.)

Cốt lõi là AI giờ đây đã tiến gần hơn với đời sống con người. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã vượt qua mức độ tổng hợp, phân tích và xử lý dữ liệu rồi dưa ra dự đoán ban đầu để có thể suy luận, sáng tạo và tự học theo con người để ngày càng gần với con người hơn. Đầu tiên là sự ra đời của AI Tạo sinh (Generative AI) mà tiêu biểu là ChatGPT đã gây “bão táp” trên toàn cầu vừa qua. Và giờ thì thế giới đang xuất hiện ngày càng nhiều ứng dụng tương tự. Nếu chỉ kể các “ông lớn” công nghệ thì đã có Microsoft Copilot, Microsoft Bing AI, Google Bard,… Còn các ứng dụng AI Tạo sinh từ các hãng khác thì đang như “trăm hoa đua nở”.

Theo AWS, AI Tạo sinh là một dạng trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nội dung và ý tưởng mới dựa trên các dữ liệu gốc được huấn luyện, bao gồm các cuộc trò chuyện, câu chuyện, hình ảnh, video và âm nhạc. Ngoài khả năng tạo ra nội dung, AI Tạo sinh cũng được sử dụng để cải thiện chất lượng hình ảnh kỹ thuật số, chỉnh sửa video, nhanh chóng xây dựng các nguyên mẫu cho quá trình sản xuất, tăng cường dữ liệu với các tập dữ liệu tổng hợp và nhiều khả năng khác.

AI trên laptop 2024 sẽ sử dụng các CPU mới của Intel và Qualcomm. Nhà Qualcomm giới thiệu CPU Snapdragon X Elite là nền tảng điện toán di động sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành công nghiệp điện toán khi đem đến hiệu năng CPU vào hàng tốt nhất thế giới, dẫn đầu khả năng suy luận AI trên thiết bị (on-device AI inferencing). Trong bối cảnh AI thay đổi cách mà con người tương tác trên máy tính, Snapdragon X Elite được thiết kế tập trung vào AI nhằm hỗ trợ các tác vụ thông minh và tốn năng lượng trong tương lai nhằm tăng hiệu suất công việc, khả năng sáng tạo và tăng cường trải nghiệm giải trí sống động ở bất kỳ đâu.

Trong khi đó, AI trên thiết bị di động 2024 sẽ sử dụng các CPU của Qualcomm và MediaTek. Nền tảng di động Snapdragon 8 Gen 3 tích hợp trải nghiệm AI năng suất cao trên toàn bộ hệ thống nhằm mang lại trải nghiệm chất lượng vượt trội cho người dùng. Nền tảng này mở ra một kỷ nguyên mới của AI Tạo sinh cho phép người dùng sáng tạo nội dung giàu tính cá nhân, hỗ trợ làm việc hiệu quả và các tính năng yêu cầu công nghệ cao khác.

Sự bùng nổ quá nhanh của một công nghệ quá mạnh và phức tạp với tính năng “siêu não bộ” như AI đã khiến nhiều nhà chuyên môn vừa mừng, vừa lo. Mừng vì người ta giờ đây có thể ứng dụng AI phục vụ tốt hon cho con người với những tiềm năng và khả năng chưa từng có; nhưng đồng thời lo vì AI là một siêu công cụ có thể bị lạm dụng, thậm chí sử dụng cho những ý đồ xấu, có hại.

Trang Red Canary cảnh báo: AI đang thay đổi cách chúng ta phát triển phần mềm. Và AI có thể giúp những kẻ xấu viết những mã độc một cách dễ dàng, nhanh chóng và cực kỳ nguy hiểm hơn.

Ngay cả cơ quan FBI Mỹ cũng đã cảnh báo rằng tin tặc đang hoạt động điên cuồng với các công cụ AI Tạo sinh như ChatGPT, nhanh chóng tạo ra mã độc và tung ra các loạt tội phạm mạng mà trước đây lẽ ra phải tốn nhiều công sức hơn nhiều. FBI nêu chi tiết mối quan ngại của họ trong cuộc gọi với các nhà báo và giải thích rằng các chatbot AI đã thúc đẩy tất cả các loại hoạt động bất hợp pháp, từ những kẻ lừa đảo (scammer) và gian lận (fraudster) hoàn thiện kỹ thuật của chúng cho đến những kẻ khủng bố đang tư vấn các công cụ về cách thực hiện các cuộc tấn công hóa học gây thiệt hại nhiều hơn.

Một báo cáo của Chính phủ Anh hồi hạ tuần tháng 10-2023 đã cảnh báo rằng các hệ thống AI “có thể giúp những kẻ xấu thực hiện các cuộc tấn công mạng, thực hiện các chiến dịch thông tin sai lệch và thiết kế vũ khí sinh học hoặc hóa học”.

Trong bối cảnh con người bắt buộc phải chung sống cùng AI, việc ngăn chặn những tác hại của công nghệ này là điều sống còn và bức thiết.

Theo các chuyên gia, việc ngăn ngừa các tác hại của AI phải được thực hiện bằng cả 2 cấp độ: khâu phát triển và sử dụng.

Các công ty lớn đã xây dựng những quy tắc và tiêu chuẩn đạo đức về AI. Chẳng hạn các nhà lập trình thuộc bộ phận phát triển AI của Google cho biết họ có những lĩnh vực cấm nghiên cứu AI. Và Goolge đã có các quy chế Thực hành AI có trách nhiệm (Responsible AI practices), trong đó xác định ngay từ đầu: Sự phát triển của AI đã tạo ra những cơ hội mới để cải thiện cuộc sống của người dân trên khắp thế giới, từ kinh doanh, chăm sóc sức khỏe đến giáo dục. Nó cũng đặt ra những câu hỏi mới về cách tốt nhất để xây dựng sự công bằng, khả năng diễn giải, quyền riêng tư và an toàn trong các hệ thống này. Mặc dù các phương pháp thực hành chung tốt nhất cho hệ thống phần mềm phải luôn được tuân thủ khi thiết kế hệ thống AI, nhưng cũng có một số điểm cần cân nhắc riêng đối với Máy học.

Đó là lý do mà từ nhiều năm trước, dự liệu được sự phát triển không thể né tránh của AI, trên thế giới đã đặt vấn đề “AI có trách nhiệm” (Responsible AI).

Trong những năm gần đây, Viện Michael Dukakis và Diễn đàn Toàn cầu Boston (Boston Global Forum) – một tổ chức hàng đầu về công nghệ và học thuật có trụ sở tại Boston (bang Massachusetts, Mỹ) đã kiên trì trong việc xây dựng những quy tắc an toàn cho việc ứng dụng AI. Trong Sáng kiến ​​Hội nghị Thượng đỉnh AIWS – G7 năm 2019, họ đã đề xuất xây dựng Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên AI và hiện đang hợp tác chặt chẽ với các nhà phát triển Trợ lý AI để quản lý và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn của chúng. Gần đây, ngày 25-10-2023, Diễn đàn BGF đã đồng tổ chức hội thảo tại Rome (Ý) với chủ đề “Công nghệ vì Nhân loại: Tiêu chuẩn mở, Trí tuệ Nhân tạo đáng tin cậy và Lợi ích Chung”.

Thực tế, các quy định AI có trách nhiệm phải được xây đựng và đưa ra từ cấp có thẩm quyền cả trên quy mô toàn cầu lẫn từng quốc gia. Cụ thể là chính phủ mỗi nước phải là người cầm trịch trong việc “đưa AI vào kỷ cương”.

Trên quy mô toàn cầu, hồi đầu tháng 11-2023, Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn AI (UK AI Safety Summit) lần đầu tiên đã được tổ chức tại London (Anh), do Chính phủ Anh chủ trì với sự tham dự của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và đại diện của chính quyền 28 nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Hội nghị này cũng có mặt lãnh đạo của các công ty công nghệ và AI hàng đầu như Anthropic, Google DeepMind, IBM, Meta, Microsoft, Nvidia, OpenAI, Tencent. Báo New York Times ngày 1-11-2023 đã giật tít: “Các nhà lãnh đạo toàn cầu cảnh báo AI có thể gây ra tác hại ‘thảm khốc’”. Hội nghị này đã kết thúc với tuyên bố chung gọi là Tuyên bố Bletchley (The Bletchley Declaration) thống nhất thúc đẩy nỗ lực toàn cầu để bảo đảm AI được phát triển và sử dụng an toàn, có trách nhiệm.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn AI ở Anh ngày 2-11-2023. (Ảnh: LHQ).

Ngày 2-11-2023, tại Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn AI, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng: thế giới cần đi trước làn sóng AI, cần “chiến lược toàn cầu thống nhất, bền vững, dựa trên chủ nghĩa đa phương và sự tham gia của tất cả các bên liên quan”.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký sắc lệnh về AI ngày 30-10-2023. Người đứng bên cạnh là Phó Tổng thống Kamala Harris. (Ảnh: AP/Internet. Thanks.)

Ngay trước đó, ngày 30-10-2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký một sắc lệnh về AI. Sắc lệnh này tìm cách cân bằng nhu cầu về AI của các công ty công nghệ tiên tiến với an ninh quốc gia và quyền của người tiêu dùng, tạo ra một loạt rào cản ban đầu có thể được củng cố bằng luật pháp và các thỏa thuận toàn cầu.

Cũng trong ngày 30-10-2023, các nhà lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển G7 đã ký Tuyên bố về Tiến trình AI Hiroshima, trong đó đưa ra Quy tắc ứng xử dành cho các nhà phát triển AI, một hướng dẫn tự nguyện cho các công ty trong việc phát triển AI có trách nhiệm.

Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn AI khẳng định các lợi ích “siêu việt” mà công nghệ AI tiên tiến phục vụ nhân loại. Các thế hệ tương lai của các hệ thống AI có thể đẩy nhanh quá trình chẩn đoán bệnh, giúp chống lại biến đổi khí hậu và hợp lý hóa các quy trình sản xuất. Nhưng mặt trái là AI cũng gây ra những mối nguy hiểm đáng kể về mất việc làm, thông tin sai lệch và an ninh quốc gia.

Vì thế, chúng ta cần một AI có trách nhiệm.

PHẠM HỒNG PHƯỚC