Thứ Bảy ngày 07 tháng 12 năm 2024

Cấp chữ ký số miễn phí cho công dân

Chữ ký số cá nhân là một loại chữ ký điện tử, có giá trị pháp lý tương đương với chữ ký tay của mỗi cá nhân. Công dân có thể sử dụng chữ ký số cá nhân để ký các văn bản, tài liệu điện tử như: hợp đồng, thỏa thuận, hóa đơn,… cũng như thực hiện các giao dịch trực tuyến như: kê khai thu nhập cá nhân, sử dụng Internet banking, mobile banking, giao dịch chứng khoán, mua bán trực tuyến,…

Để có được chữ ký số cá nhân hợp pháp, công dân cần phải làm thủ tục đăng ký với một dịch vụ cung cấp chứng thực chữ ký số công cộng (CA) đã được cơ quan chức năng nhà nước cấp phép.

Chữ ký số cá nhân là một phần không thể thiếu của công dân số và là một yêu cầu cần phải có trong chính quyền số, thực hiện các dịch vụ hành chính công số.

Đó là lý do mà Chính phủ đã yêu cầu phổ cập chữ ký số cá nhân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đến năm 2025, 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân, và đạt tỷ lệ trên 70% đến năm 2030.

Trong thực tế, việc triển khai chữ ký số cá nhân hiện gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo chuyển đổi số tháng 7-2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước mới có khoảng 7,45 triệu chữ ký số cá nhân đã được cấp. Mặc dù đã tăng gấp 4 lần trong vòng 4 năm qua, nhưng tỷ lệ người ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân mới đạt 13,5%.

Bên cạnh những trở ngại về thao tác công nghệ, nhiều người chưa sử dụng chữ ký số cá nhân còn do ngán ngại chi phí sử dụng.

Chúng tôi đã nhiều lần đặt vấn đề là nhà nước và các doanh nghiệp lớn có giải pháp để cung cấp chữ ký số cá nhân miễn phí cho công dân, chí ít là khi họ dùng để thực hiện các dịch vụ hành chính công điện tử.

Phải nhìn nhận rằng trong thời gian gần đây, một số nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số đã có những chương trình hỗ trợ, thậm chí miễn phí đăng ký và cho sử dụng miễn phí một thời gian, cho một số đối tượng. Như cung cấp chữ ký số cho giáo viên để triển khai giáo dục số. Ngay từ giữa năm 2023, Tập đoàn VNPT đã triển khai chương trình miễn phí khởi tạo gói chữ ký số từ xa VNPT SmartCA thời hạn 12 tháng, đồng thời miễn phí hoàn toàn các giao dịch ký số trên các cổng dịch vụ công.

(Ảnh: VNPT).

Một số địa phương và ngành cũng có giải pháp xã hội hóa việc cấp chữ ký số miễn phí cho người dân. Như Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM hồi tháng 8-2024 đã thông báo cho các sở, ngành, địa phương và các công ty công nghệ về việc tiếp tục triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân trên địa bàn Thành phố thêm một năm nữa. Trước đó, Sở đã họp với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (VNPT TPHCM, Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Công ty MISA, Công ty BKAV, Công ty Hệ thống thông tin FPT, Công ty Công nghệ Thẻ Nacencomm). Cụ thể, các đơn vị này sẽ cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân TP HCM đến hết ngày 31-7-2025 (riêng Viettel đến hết ngày 31-12-2024). Về việc gia hạn chữ ký số đã cấp, chỉ có VNPT TP HCM và Viettel sẽ thu phí, còn các đơn vị khác sẽ tiếp tục miễn phí. Trước đó, TP HCM đã phối hợp cùng 5 doanh nghiệp cung cấp miễn phí chữ ký số cho người dân từ giữa năm 2023, và được miễn phí sử dụng đến hết tháng 6-2024. Kết quả có hơn 1,5 triệu chữ ký số đã được cấp.

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc khởi tạo và sử dụng chữ ký số cá nhân, Tập đoàn VNPT phối hợp với Bộ Công an để từ ngày 28-10-2024, công dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công. VNPT là nhà cung cấp chữ ký số đầu tiên đáp ứng quy định an toàn để kết nối với VNeID.

Một khi đã có được giải pháp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân, vấn đề còn lại là tập trung tuyên truyền, quảng bá rộng rãi và tạo điều kiện thuận tiện cho người dân đăng ký và sử dụng. Khi công dân chưa có chữ ký số cá nhân thì chưa thể hoàn toàn có được công dân số, chính quyền số, cụ thể là trong việc thực hiện các dịch vụ hành chính công. Và đó không phải là chuyện chỉ của người dân.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 30-10-2024 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN