Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Lần đầu tới Philippines

081109-phphuoc-philippines-manila-043_resize

 

1. Tâm trạng đầy bất an…

Bị ám ảnh bởi những hình ảnh kinh hoàng ở Philippines sau khi hứng chịu siêu bão Haiyan ngày 8-11-2013, tôi lục lại kho ảnh tư liệu cá nhân để nhìn lại những hình ảnh mình chụp trong lần đầu tiên đến quần đảo giữa Thái Bình Dương này hồi tháng 10-2008. Mới đó đã 5 năm rồi, nhưng những hồi ức như cuộn phim chiếu lại tưởng chừng mới hôm qua.

Năm đó, khi phát hiện có một mớ dặm thưởng chuyến bay của Vietnam Airlines sắp hết hạn, tôi liên hệ với hãng hàng không để đổi thành vé thưởng. Điểm đủ một vé khứ hồi Đông Nam Á mà phải tốn nhiều dặm thưởng nhất là Philippines và Indonesia. Chỉ có điều, hãng hàng không chỉ thưởng vé “mộc”, người nhận phải đóng các loại thuế và phí, chẳng êm ái, nhẹ nhàng lắm đâu. Singapore, Thái Lan, Malaysia thì tôi đi hà rầm. Brunei thì hỗng khoái lắm. Myanmar lúc đó còn nằm dưới bàn tay cai quản của giới quân đội cầm quyền. Ban đầu, tôi định đi Indonesia, nơi tôi bị hụt một chuyến đi tới đảo du lịch Bali do ảnh hưởng bởi vụ đánh bom khủng bố đầu tháng 10-2005. Đáng tiếc là hãng hàng không Indonesia tuy bay code-share với VNA, nhưng không chấp nhận các loại vé thưởng. Chỉ còn một cánh cửa là Manila thẳng tiến, được bay bằng hãng Philippine Airlines – đối tác code-share của VNA chấp nhận cả vé thưởng. Đó là một chuyến đi ra nước ngoài trong tâm trạng bất an, vì tôi bị bạn bè rủa là “đồ khùng điên, ba trợn”, bộ hết chỗ đi sao lại mò sang đất nước đầy rối ren, bất ổn chính trị và bạo lực khủng bố Hồi giáo ly khai.

Sau gần 3 giờ bay, vượt 1.600km trên Biển Đông, tôi đã đặt chân xuống sân bay quốc tế  Ninoy Aquino International Airport của thủ đô Manila vào chập tối 7-11-2008. Terminal 3 của sân bay này chỉ mới bắt đầu hoạt động từ hạ tuần tháng 7-2008. Cảm nhận đầu tiên của khách phương xa đây là sân bay của một nước còn nghèo – cũng chẳng khác chi nước mình.

map-manila

Khách sạn tôi ở tên Bayview Park, nằm bên bờ Vịnh Manila Bay, trên đại lộ Roxas Blvd, gần góc đường United Nations Ave. Khi lên tới phòng, tôi ra vẻ phong lưu, móc từ xấp tiền peso Philippines mới đổi ở sân bay ra 20 peso giúi vào tay anh chàng nhân viên khách sạn giúp mình mang hành lý lên phòng, thậm chí còn cười toe toét nói: “Cầm chút tiền uống cà phê cho thơm râu hén bạn!” Tới chừng nằm phè cánh nhạn trên giường, ngó vô cái receipt đổi tiền, tôi mới tá hỏa và chỉ muốn lăn xuống gầm giường mà giấu cái mặt. Vào thời điểm tháng 10-2008, 1 USD ăn 47,89 peso Philippines và ăn 16.000 VND. Như vậy 1 peso bằng 330 VND. Vậy là tôi chỉ “bo” cho anh chàng kia chưa tới 7.000 đồng VN. Vậy mà còn ra vẻ ta đây bảnh chọe!

081109-phphuoc-philippines-manila-035_resize

Nằm nghỉ một lát, theo cái thói quen “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” hễ tới đâu, quẳng hành lý lên phòng là tôi lang thang đường ngang ngõ dọc để “thăm dân cho biết sự tình”, tôi đi lòng vòng mấy con đường quanh khách sạn. Đường phố nhập nhoạng tối vì có ít đèn. Những người dân homeless kéo về ngủ vạ vật trên những vỉa hè, hiên nhà ngày càng đông. Tự dưng tôi lòng dặn lòng hãy cẩn trọng. Tôi đã mấy phen giật thót cả người khi từ những khoảng tối, những con hẽm đột ngột lao ra những con người với bộ mặt đặc trưng của dân hải đảo Thái Bình Dương khá là ngầu. Cảm thấy bất an, tôi quay vội về khách sạn cho nó an lành. Mai ban ngày ban mặt thì tính!

Tình hình Manila lúc đó thật bất ổn. Các phong trào Hồi giáo ly khai như Mặt trận Moro, tổ chức khủng bố Abu Sayyaf hay cả quân nổi dậy Quân đội Nhân dân Mới (NPA) đang hoành hành ở vùng đảo Mindanao (miền nam Philippines) và thường gây ra những vụ tấn công bạo lực tại thủ đô. Chính trị cũng rối ren (lúc đó đang trào nữ Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo). Bọn tội phạm cũng lộng hành. Ban đầu, khi nhìn thấy nhiều cửa hàng, siêu thị, doanh nghiệp,… được bảo vệ bởi những người mặc đồng phục, cả nam lẫn nữ, mang những khẩu súng thật, thậm chí lăm lăm những khẩu súng săn shotgun, tôi ngạc nhiên thầm hỏi chẳng lẽ cảnh sát ở đây cũng làm cả dịch vụ bảo vệ cho doanh nghiệp sao? Tới chừng không thể kềm lòng, bèn lân la hỏi chuyện, tôi mới biết họ chỉ là những nhân viên bảo vệ. Luật ở đây cho phép nhân viên bảo vệ mang súng. Cả một thành phố chìm trong những biện pháp an ninh nghiêm ngặt. Khách vào siêu thị, chợ, thậm chí nhà sách, xe điện,… đều phải mở hành lý cho nhân viên an ninh kiểm tra, có khi phải chui qua cổng phát hiện kim loại. Xe nào vào khách sạn cũng phải mở cốp, soi gầm xe để kiểm tra bom mìn. Từ ngoài vào sân bay, xe phải chịu kiểm tra tới 2 vòng.

Mà đâu chỉ có người Philippines bất an. Nằm ở bên kia bờ Vịnh đối diện với khách sạn Bayview Park mà tôi ở có một tòa nhà to đùng sơn màu trắng với mặt tiền có những chấn song xi măng hình đốt tre giống hệt ở dinh Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ) của Saigon. Tôi biết tỏng đó là tòa Đại sứ Mỹ ở Philippines. Đứng trên sảnh phía trước khách sạn, tôi chĩa máy ảnh qua đó bấm mấy kiểu. Ngay lập tức có một chiếc canô từ tòa nhà đó chạy phăng phăng qua khách sạn. Hai anh chàng người Mỹ có bộ mặt khẩn trương, căng thẳng leo lên xăm xăm tiến lại bên tôi. Họ hỏi tôi là ai, ở đâu, từ đâu tới, sao lại chụp ảnh tòa nhà bên kia? Tôi trả lời ở Việt Nam qua chơi và nào có thấy thông tin gì cấm chụp ảnh đâu. Họ hỏi có biết tòa nhà kia là gì không? Tôi làm vẻ ngơ ngác, nói không hề biết, chỉ thấy nó có kiến trúc đẹp khá giống dinh Tổng thống cũ ở Saigon, lại nằm bên bờ Vịnh rất đắc địa, nên tôi chụp ảnh kỷ niệm thôi. Ông chú bảo vệ khách sạn xác nhận tôi là khách trọ ở đây mấy ngày rồi, người Việt Nam. Hai nhân viên an ninh Mỹ nói với tôi đó là cơ quan ngoại giao của Mỹ, không được chụp ảnh nữa nghen. Sau khi kêu tôi đưa máy ảnh cho họ xóa mấy tấm ảnh “nhạy cảm” đó, họ vội vã xuống canô phóng về bên kia Vịnh.

Một đồn cảnh sát gần khách sạn Bayview Park Manila có dòng khẩu hiệu chạy dài ở mặt tiền: “Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ. Đây là đồn cảnh sát thân thiện với du khách và người dân”. Và điều này an ủi tôi, cho tôi thêm chút an tâm để tiếp tục ở lại Philippines.

081109-phphuoc-philippines-manila-013_resize

2. Chỉ có ở Philippines…

081110-phphuoc-philippines-manila-023_resize

081110-phphuoc-philippines-manila-021_resize

Philippines là một đất nước thế tục có khoảng 98 triệu dân, nhưng có tới hơn 90% số dân theo đạo Thiên chúa (riêng đạo Công giáo Rome chiếm khoảng 80%). Người Philippines sống đạo và hành đạo rất vui, rộn ràng, nhiều màu sắc theo phong cách của dân hải đảo Thái Bình Dương. Sáng chủ nhật tại nhà thờ chánh tòa Manila Metropolitan Cathedral-Basilic (nằm ở góc đường Cabildo – Beaterio, thuộc quận Intramuros), sau khi làm lễ xong, cha chủ tế đứng trên cung thánh để cho ai muốn tới chụp ảnh lưu niệm chung thì xin mời. Nghi thức rảy nước thánh cũng thiệt ấn tượng. Ở những nước khác, linh mục cầm một chiếc dùi nhỏ chấm vào một chiếc ly nhỏ đựng nước thánh để đi rảy lên giáo dân trong khắp nhà thờ. Còn tại đây, vào cuối lễ, linh mục chủ tế vác một cây dùi gỗ khổng lồ nhúng vào một chiếc xô nước thánh để vảy lên các giáo dân tề tựu lại đứng chung quanh cung thánh – nhiều người được nước thánh văng ướt đẫm cả quần áo. Xong thì mọi người vỗ tay rân trời, cười hớn hở rời khỏi nhà Chúa để trở lại với cuộc đời.

081110-phphuoc-philippines-manila-026_resize

Đi trên đường phố Manila, tôi rất khoái nhìn và chụp ảnh những chiếc xe gọi là Jeepney – phương tiện vận tải công cộng phổ biến nhất ở quần đảo này. Sở dĩ gọi là Jeepney vì thiết kế của loại xe này nguyên thủy dựa trên kiểu xe Willys Jeep của quân đội Mỹ thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Nói cho chính xác hơn thì những chiếc Jeepney ban đầu được cải biến trên bộ khung xe jeep này. Sau này thì Jeepney có kích thước lớn hơn, có lẽ cải biến từ kiểu xe Dodge Mỹ như của quân đội ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Xe mở cửa phía cuối với những băng ghế ngồi dọc theo xe giống như xe đò thời trước. Điều làm nên “thương hiệu quốc tế” của Jeepney chính là ở sự trang trí đầy màu sắc của nó, đặc biệt là mỗi chiếc được chủ nhân trang trí khác nhau, hầu như không bị “đụng hàng”. Ngoài việc gắn thêm lên xe vô số phụ kiện trang trí, thường bằng inox bóng loáng, khắp bên ngoài thân xe được vẽ kín mít với những hoa văn, hình vẽ, thậm chí cả những hình tượng tôn giáo. Tôi đã cố gắng chụp được một số hình ảnh về những chiếc xe Jeepney này với ý định là lập một bộ sưu tập những kiểu dáng trang trí của chúng và còn mua cả mấy chiếc dạng mô hình lưu niệm đem về.

081109-phphuoc-philippines-manila-029_resize

Một phương tiện vận tải công cộng đặc trưng nữa là chiếc xe ba bánh (tạm gọi như vậy vì thiệt ra nó chẳng giống xe xích lô hay xe lôi ở Việt Nam). Nó được làm theo kiểu xe sidecar, tức loại xe môtô có gắn thêm thùng chở khách một bên hông. Có 2 loại là pedicab (xe đạp) và tricyle hay trike (xe gắn máy). Loại trike là một chiếc xe gắn máy có gắn thêm thùng chở khách bên hông, chở được 2 khách: 1 ngồi trên yên xe sau lưng người lái như đi xe ôm và 1 ngồi trong chiếc thùng có mui che chắn. Loại pedicab là một chiếc xe đạp bánh nhỏ (giống xe đạp mini) có gắn thêm 1 chiếc thùng có mui che bên hông chở được 2 hành khách (có khi còn nhồi nhét đông hơn). Còn có một dạng xe lai giữa hai loại này nữa. Ở thủ đô Manila có một số khu vực (như quận trung tâm Intramuros) cấm xe tricycle, người ta bèn gắn thêm một chiếc máy nổ (thường dùng loại máy phát điện Honda nhỏ gọn) bên dưới yên ngồi của người lái để khi cần sẽ giựt cho động cơ nổ biến chiếc pedicab xe đạp thành xe gắn máy. Chỉ có điều hành khách đi xe này lãnh đủ mọi sự rêm mình, dằn vặt (và tôi đã mấy phen trải nghiệm nó rồi). Thùng chở khách của xe loại pedicab không hề có bộ nhún, khi đạp xe chạy chậm thì còn đỡ, lúc nổ máy để phóng nhanh, mỗi lần sụp ổ gà là khách tha hồ mà tưng tưng, vừa rêm mông, vừa đau bụng. Có lần, tôi gặp anh chàng chạy pedicab gắn máy vừa đi làm, vừa coi con nhỏ, khiến tôi phải đi cùng một người bạn đồng hành bất đắc dĩ là một cô bé nhỏ xíu ngồi trên băng ghế đối diện trong chiếc thùng xe chật hẹp. Báo hại, mỗi khi xe sụp ổ gà, tôi phải cắn răng chịu trận, hỗng dám nhăn nhó, rên rỉ chi ráo vì còn phải “giữ thể diện” trước cô nhỏ luôn lom lom mắt nhìn mình.

081109-phphuoc-philippines-manila-030_resize

Người Philippines thích màu mè, hoa hòe hoa sói, nhưng phải do tự tay họ “vẽ vời” kia. Họ không chuộng dạng cắt chữ bằng decal mà trực tiếp dùng cọ sơn vẽ. Vì thế, ở Manila có rất nhiều biển hiệu, thông báo,… thậm chí thông tin trên những chiếc xe taxi, được viết bằng tay, chẳng nề hà chi chữ đẹp, chữ xấu. Khó tránh khỏi “nhức mắt” khi nhìn thấy trên những chiếc xe mới tinh mang những dòng chữ nguệch ngoạc như “gà bới”.

081111-phphuoc-philippines-manila-003_resize

Cái giấy phép đăng ký kinh doanh cũng thể hiện cái tính màu mè của người Philippines. Nó được gọi là “biển đăng ký kinh doanh” (business registration plate). Đây là một tấm biển nhôm hình chữ nhật dài với nền in hình những tòa nhà di tích lịch sử và thắng cảnh địa phương, có cả ảnh chân dung ngài thị trưởng đang cười rạng rỡ kèm chữ ký của ông bên góc phải. Số giấy phép đăng ký kinh doanh được dập nổi với cỡ số to đùng giống như bảng số xe. Cơ sở kinh doanh có bao nhiêu biển đăng ký như vậy đều phải gắn hay đóng đinh treo lên tường ở nơi dễ thấy nhất.

081110-phphuoc-philippines-manila-041_resize

Bữa nọ, vừa ló đầu vào một khu chợ lớn ở Manila, tôi đã muốn dội ngược với tiếng nhạc inh ỏi từ những quầy bán đĩa nhạc đang mở hết volume giàn loa phát những bài hát mùa Giáng sinh (lúc đó mới thượng tuần tháng 11 thôi). Thiệt là đi tới đâu muốn biết mức sống của người dân sở tại ra sao, ta cứ đi ra… chợ. Nhìn hàng hóa bày bán trong ngôi chợ này, ta đủ thấy quảng đại quần chúng ở đây không có nhiều tiền. Những chiếc quần jean giá chừng 15.000 đồng, áo thun thời trang khoảng 5.000 đồng, đôi dép cũng trên dưới 5.000 đồng,…

Trong những ngày lang thang ở Manila, tôi thường bắt gặp trên đường phố, trong quán ăn, tiệm cà phê,… những người đàn ông Âu Mỹ cặp tay với những cô gái bản xứ vóc người nhỏ nhắn. Điều chạnh lòng không chỉ ở cái tuổi tác so le tầm cha – con hay chú – cháu mà còn nơi những khuôn mặt cô gái hằn nét dân hải đảo (nói theo ngôn ngữ của ta là “quê mùa”). Lúc đó, tôi lại nhớ về Saigon những năm trước 1975 còn nhan nhản người Mỹ hay tại đây đó ở Thái Lan bây giờ.

Từng đến và sống một số ngày ở quần đảo này để rồi cho tới nay tôi vẫn không dứt ra được trong óc mình những hình ảnh cuộc sống nghèo khổ của người dân ở đây. Thiệt là mình đã rách, họ còn tơi tả hơn. Cũng giống như khá nhiều nước đang phát triển khác, sự hào nhoáng và thịnh vượng của Philippines chỉ tập trung ở thủ đô Manila và những thành phố lớn. Còn thì đa số người dân phải sống trong cảnh nghèo khó. Dân sống trên các hòn đảo còn thê thảm hơn. Ngay tại thủ đô Manila, những mảnh đời cơ cực bày ra nhan nhản trước mắt khách nước ngoài. Sự phân hóa giàu nghèo ở đây rất rõ với khoảng cách biệt sâu và xa. Mấy người bạn bản xứ mới quen ở khách sạn nói với tôi rằng dân nhà giàu tập trung hết ở Quezon City, thành phố lớn nhất và giàu nhất của Metro Manila, và ở khu trung tâm thương mại Makati. Còn người nghèo thì cứ ra đường là gặp thôi, nhưng cái khu cùng khổ là Tondo, gần nhà ga xe lửa Tayuman.

Nói chung là người xứ chưa giàu tới chơi xứ còn nghèo thường có nhiều đồng cảm và lắm nghĩ ngợi, chạnh lòng.

3. Đi coi phim chung… rạp với nữ Tổng thống Arroyo

Trong lần tới Philippines đầu tiên, tôi có một trải nghiệm sẽ nhớ mãi suốt đời.

Trưa ngày Chủ nhật 9-11-2008, sau khi lang thang muốn rã cặp giò trong một siêu thị lớn ở Manila, tôi lững thững đi tới cửa để về khách sạn. Bỗng thấy phía trước nhốn nháo, đông người xúm xít, tưởng có chuyện gì xảy ra, máu nghề nghiệp lập tức được đun sôi bằng chiếc ấm 1000w, tôi xấn tới. Khi bị những người bảo vệ ra dấu giạt sang bên, tôi nhìn thấy bà Gloria Macapagal-Arroyo, nữ Tổng thống Philippines, đang cùng đoàn tháp tùng tiến vào siêu thị. Đúng là một chính khách chuyên nghiệp, khi ngó thấy có người đưa máy ảnh lên chụp (tôi chớ ai), bà lập tức nở nụ cười thiệt tươi và còn giơ tay vẫy chào nữa.

081110-phphuoc-philippines-manila-035_2000

Nghĩ là bà Tổng thống tới đây tham dự một sự kiện gì đó, tôi đi theo bà lên hết tầng này tới tầng khác. Bà không dùng thang máy mà đi thang cuốn bình thường. Cuối cùng, tôi há hốc miệng “ngạc nhiên chưa” khi thấy bà Arroyo đi vào phòng chiếu phim số 2 đang chiếu bộ phim Điệp viên 007 “Quantum of Solace”. Sau đó các nhân viên an ninh gác đầy bên ngoài phòng chiếu – nội bất xuất, ngoại bất nhập.

081110-phphuoc-philippines-manila-039_resize

Thiệt tình là trước đó tôi chưa hề có ý định xem bộ phim này ngoài rạp. Trước khi sang Philippines, tôi đã mua sẵn một đĩa DVD phim này để ở nhà rồi. Bây giờ, lẽ nào tôi lại bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi được xem bộ phim này cùng rạp với nữ Tổng thống Philippines. Vậy là tôi đã mua vé để vào xem phim ngay xuất chiếu kế tiếp. Tổng thống Arroyo coi phim “Quantum of Solace” tại Manila, tôi cũng coi phim “Định mức khuây khỏa” (tên tiếng Việt của bộ phim này) ngay tại thủ đô nước bà. Hai cư dân Đông Nam Á hơn kém nhau tròn 10 tuổi này (không cần lady first, tôi cũng nhường bà làm chị) cùng coi chung một bộ phim trong cùng một phòng chiếu phim, chỉ cách nhau 2 tiếng đồng hồ. Chỉ tiếc là tôi không thể kiểm chứng coi mình có ngồi đúng chiếc ghế mà trước đó bà Tổng thống Philippines từng ngồi không. Hên xui!

081110-phphuoc-philippines-manila-040_resize

Nhờ cái vụ này mà tôi chớ hề hối tiếc cho chuyến đi ngao du Philippines vốn bị bạn bè “té nước”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-11-2013)

081109-phphuoc-philippines-manila-009_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-036_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-038_resize

081111-phphuoc-philippines-manila-009_resize

Sân bay quốc tế Manila.

081111-phphuoc-philippines-manila-010_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-003_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-005_resize

Xe Jeepmey.

081109-phphuoc-philippines-manila-006_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-007_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-008_resize

Xe pedicab.

081109-phphuoc-philippines-manila-014_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-015_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-017_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-018_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-020_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-021_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-023_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-024_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-026_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-040_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-041_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-044_resize

081109-phphuoc-philippines-manila-046_resize

081110-phphuoc-philippines-manila-024_resize

081110-phphuoc-philippines-manila-025_resize

081110-phphuoc-philippines-manila-027_resize

081110-phphuoc-philippines-manila-029_resize

Quầy bán vé số.

081110-phphuoc-philippines-manila-030_resize

081110-phphuoc-philippines-manila-031_resize

081110-phphuoc-philippines-manila-033_resize

081111-phphuoc-philippines-manila-001_resize