Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Những bóng ma quân sự bắt đầu lởn vởn ở Bắc Cực

artic-russia-submarine

Tàu ngầm Nga ở Bắc Cực.

 

Có một cuộc Chiến tranh Lạnh khác đang có nguy cơ xảy ra. Nhưng nó không mang ý nghĩa bóng để chỉ cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai khối Đông và Tây do Nga và Mỹ đứng đầu từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 tới đầu thập niên 1990. Ở đây là “lạnh thật sự”, bởi chiến trường chính là vùng Bắc Cực.

Theo báo Anh Guardian (21-10-2014), ngày 21-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định điều quân đội và những thiết bị người máy canh phòng tới vùng Bắc Cực để bảo vệ các mỏ dầu khí của mình ở đó.

Bắc Cực là một vùng có nhiều tài nguyên dầu khí mà xưa nay cả Nga lẫn Mỹ, Canada, Đan Mạch, Na Uy đều thèm muốn. Người ta gọi Bắc Cực là “Trung Đông thứ hai” với trữ lượng dầu chiếm 17% và khí thiên nhiên chiếm 30% tổng trữ lượng toàn cầu. Nga có lợi ích rất quan trọng ở đây. Có tới 95% trữ lượng khí tự nhiên và 60% trữ lượng dầu của Nga nằm trong khu vực băng giá này.

artic-russia-gas-oil-01

Tình hình trở nên nóng với sự kiện hồi cuối tuần qua một tàu ngầm bí ẩn của Nga bị phát hiện trong vùng duyên hải của Thụy Điển. Mọi cố gắng của Thụy Điển để liên lạc với nó đều thất bại. Moscow đã khẳng định không hề có bất cứ tàu nào của mình vào vùng lãnh hải của nước láng giềng Thụy Điển. Nhưng sau đó, tình hình trở nên căng thẳng khi Thụy Điển triển khai tàu chiến để truy tìm cho bằng được chiếc tàu ngầm bí ẩn kia.

Vấn đề nằm ở chỗ với việc Thụy Điển triển khai quân này, Nga bị cản trở đường tiếp cận với nguồn tài nguyên ở Bắc Cực.

Theo hãng trin Anh Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Nga ngày 21-10 đã loan báo quân đội Nga sẽ được triển khai dọc theo toàn bộ vùng biên giới của Nga giáp Bắc Cực, từ Murmansk tới Chukotka ngay trong năm 2014 này. Hãng tin Nga Interfax cho biết thêm là những người máy chiến đấu cũng đang được Nga triển khai để bảo vệ các cơ sở hạ tầng dầu khí của mình ở Bắc Cực, nơi điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt đối với binh lính.

artic-russia-Prirazlomnaya platform

Dàn khoan dầu khí của Nga ở Bắc Cực.

Giới bình luận quốc tế nhận định rằng việc kiểm soát các nguồn dầu khí Bắc Cực là “quan trọng tối cao” đối với Nga và bất cứ nước nào ở Bắc Bán cầu đang tìm kiếm sức mạnh kinh tế và chính trị cho tương lai một khi nguồn năng lượng ở Trung Đông cạn kiệt. Thực tế cho thấy làm chủ dầu khí là làm chủ tất cả. Trong 40 năm nay, Mỹ và Saudi Arabia đã kiểm soát phần lớn chính sách kinh tế trên toàn thế giới thông qua cái thỏa thuận dầu – USD của họ, đồng thời Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) đang thống lĩnh việc sản xuất năng lượng toàn cầu. Nga đang kỳ vọng vai trò hàng đầu của mình trong thời đại “hậu Trung Đông”. Mà như vậy thì Nga phải bảo vệ cho bằng được nguồn dầu khí Bắc Cực của họ.

Bắc Cực hiện nay đang được quản lý theo luật hàng hải quốc tế. Nhưng đây cũng là nơi lâu nay xảy ra tranh chấp và tranh cãi giữa các nước cho mình có quyền lợi ở Bắc Cực. Canada vẫn đều đặn tập trận trên vùng lãnh thổ Bắc Cực của họ. Tuy nhiên, giữa Nga và Canada đã có thỏa thuận phi quân sự hóa vùng Bắc Cực. Tàu ngầm Nga và Mỹ thỉnh thoảng vẫn trồi lên giữa các tảng băng Bắc Cực. Hồi trung tuần tháng 10-2014, Phần Lan khiếu nại việc tàu chiến Nga quấy nhiễu tàu nghiên cứu môi trường của họ ở vùng biển quốc tế.

USS Annapolis in Arctic

Tàu ngầm Mỹ ở Bắc Cực.

Việc phi quân sự hóa Bắc Cực là cần thiết. Nhưng liệu nó có lâu bền khi mà nước nào cũng muốn bảo vệ quyền lợi cỉa mình. Mà muốn bảo vệ thì phải dùng tới sức mạnh quân sự.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-10-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet.Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM 23-10-2014