Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chiến tranh Hồi giáo cực đoan lan tới Libăng

2014-10-war-lebanon-02

 

Quân đội Libăng ngày 26-10-2014 đã phải đưa xe tăng và lực lượng biệt kích vào thành phố cảng Tripoli ở miền bắc nước này để chống lại các tay súng Hồi giáo đang tăng cường tấn công và mở rộng hoạt động ra các khu vực lân cận. Những cuộc chạm súng đã xảy ra trên những đường phố nhỏ hẹp của khu láng giềng. Quân đội đã phản ứng mạnh sau khi phiến quân giết chết 4 binh lính.

Đất nước Trung Đông đa tôn giáo này từng chịu đựng một cuộc nội chiến kéo dài 16 năm, kết thúc năm 1990, giết chết 150.000 người và làm bị thương 200.000 người, gây tan nát nền kinh tế. Nguồn gốc chiến tranh cũng là sắc tộc và tôn giáo, giữa những người Thiên chúa giáo (chiếm 40,5% số dân) với những người Hồi giáo (chiếm 54% số dân) và đồng minh của họ. Lúc đó có cả nước láng giềng Syria đưa quân vào Libăng tham chiến.

Lần này, bóng ma với lá cờ đen tang tóc “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria” (ISIS) đã vươn bóng sang tận Libăng. Mấy tháng trước đó, ISSI cũng cho thấy chúng đã mở rộng hoạt động ra khỏi Iraq và Syria để vươn vòi sang Libăng, nhưng chủ yếu dưới hình thức những vụ đánh bom liều chết.

Thật ra, Libăng luôn ẩn chứa mầm mống xung đột, đặc biệt là giữa 2 phái Hồi giáo Shiite (thống trị miền nam) và Sunni (thống lĩnh vùng duyên hải). Không giống như các nước khác, hai phái Hồi giáo vốn là kẻ thù truyền kiếp này có lực lượng ngang nhau ở Libăng (đều chiếm 27% số dân). Phái Shiite có phần lấn lướt hơn với phong trào vũ trang Hồi giáo khét tiếng Hezbollah, vừa là một lực lượng quân sự bị Mỹ, châu Âu, Úc và các nước Arập vùng Vịnh liệt vào danh sách khủng bố; vừa là một đảng phái chính trị ở Libăng. Bây giờ, dựa vào sự nổi lên ISIS thuộc phái Hồi giáo Sunni, các tay súng trong cộng đồng Sunni ở Libăng được truyền cảm hứng và bắt đầu “theo đóm ăn tàn”.

Chiến sự bùng nổ hồi cuối tuần qua ở Tripoli được đánh giá là tệ hại nhất trong suốt nhiều tháng nay tại thành phố có người Sunni chiếm đa số này. Các tay súng Hồi giáo Sunni bắt đầu tấn công quân đội hôm 24-10-2014, một ngày sau khi nhà chức trách Libăng bắt giữ Ahmad Salim Mikati, kẻ tình nghi là một chỉ huy của ISIS ở Libăng, trong một cuộc đột kích tại Dinnieh (miền bắc Libăng). Sau đó, quân đội đã lục soát nhà của hắn tại Tripoli và tích thu được một khối lượng lớn chất nổ. Các binh lính cũng bắt được Rabih Shemali, một kẻ tình nghi khủng bố đang bị truy nã. Họ đã tịch thu tại nhà hắn một số lượng lớn vũ khí, đạn dược, dụng cụ y tế,… Mikati khai với nhân viên điều tra rằng hắn đã có kế hoạch bắt cóc thêm nhiều binh lính và cảnh sát để gây sức ép buộc chính phủ phải chấp nhận thương lượng với bọn dân quân Hồi giáo đang cầm giữ 27 con tin là binh lính và cảnh sát.

2014-10-war-lebanon-01

Quân đội Libăng đang sơ tán người dân ra khỏi khu vực giao tranh tại thành phố Tripoli ngày 25-10-2014.

Trong thời gian qua, các lực lượng an ninh Libăng đã tiến hành một chiến dịch truy quét toàn quốc các phiến quân Hồi giáo sau khi quân ISIS và nhóm khủng bố Mặt trận Nusra chiếm được thị trấn biên giới Arsal hồi tháng 8-2014. Tuy nhiên chiến dịch chống khủng bố này đã vấp phải sự chỉ trích của một số nhân vật chính trị và tôn giáo, cáo buộc quân đội lợi dụng để chống lại phái của họ. Người ta cũng chỉ trích các lực lượng an ninh Libăng đã làm ngơ cho lực lượng Hezbollah của phái Shiite đang chiến đấu bên cạnh quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, trong khi lại trấn áp các tay súng Sunni ở nước nhà.

2014-10-war-lebanon-03

Quân đội Libăng chống lại quân ISIS.

Thành phố Tripoli của Libăng chỉ cách biên giới Syria có 30km. Thủ tướng Tammam Salam của Libăng khẳng định chính quyền nước này sẽ không nương tay với bất cứ âm mưu nào đe dọa Tripoli và đất nước Libăng. Quân đội với sự ủng hộ đầy đủ của chính quyền sẽ đánh tan bất cứ lực lượng nào không vì lợi ích của sự thống nhất và ổn định của Libăng.

Như vậy, sau Iraq và Syria, lực lượng ISIS đã gây chuyện với Libăng. Giới bình luận quốc tế cho rằng chúng sẽ không ngừng lại ở đó. Điều nguy hiểm là ở những tay súng nước ngoài đang chiến đấu cho ISIS, hoặc tình nguyện, hoặc do chúng thuê. Theo báo Libăng Daily Star (27-10-2014), trong ước khoảng 35.000 tay súng của ISIS, có tới 1 phần 3 là người nước ngoài tới từ nhiều nước trên thế giới. Sau thời gian “trui rèn”, bọn này khi quay trở lại nước mình sẽ trở thành những “quả bom nổ chậm” ngay trong lòng từng nước. Nhà chức trách Mỹ vừa báo động thủ đoạn mới của ISIS là sử dụng những phần tử khủng bố “sói cô đơn” hoạt động độc lập ở Mỹ để thực hiện những cuộc tấn công ngay trên nước Mỹ.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Singapore 30-10-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM ngày 28-10-2014