Thứ Năm ngày 14 tháng 11 năm 2024

Thế giới Hồi giáo tuyên chiến với những phần tử cực đoan

141123-Muslim clerics meet in Iran to counter extremists

 

Có lẽ hiếm thấy một cuộc họp nào mà các giáo sĩ thuộc hai phái Hồi giáo Shiite và Sunni vốn coi nhau là kẻ đối đầu truyền kiếp lại ngồi bên nhau như tại thành phố thánh địa Qom ở Iran ngày 23-11-2014. Họ không còn có sự lựa chọn nào khác hơn là phải phối hợp cùng nhau hành động để cứu vãn hình ảnh của Hồi giáo trong cộng đồng quốc tế. Các giáo sĩ Hồi giáo Shiite và Sunni từ khoảng 80 nước trên thế giới đã tụ họp về đây để đưa ra một chiến lược chống lại những phần tử cực đoan, quá khích trong tôn giáo mình.

Trước đây, thỉnh thoảng ở nơi này chỗ nọ, thế giới Hồi giáo lại xuất hiện những vụ việc làm sốc cả cộng đồng quốc tế, chủ yếu từ những cách nghĩ bảo thủ của một số người, thậm chí áp dụng cả những giáo luật Sharia hà khắc của thời nguyên thủy. Mối hận thù giữa hai phái Shiite và Sunni nhiều phen làm bùng nổ xung đột giáo phái giữa những người Hồi giáo với nhau, có những lúc cuộc chiến kéo dài và đẫm máu theo kiểu ăn miếng trả miếng như ở Iraq, Afghanistan,… Rồi Hồi giáo trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng cho cả thế giới khi xuất hiện ngày càng nhiều những tổ chức khủng bố, trong đó có al-Qaeda là cả một hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế có mặt trên khắp hành tinh. Và hiện nay, cả thế giới đang kinh hoàng trước sự lộng hành và sự man rợ của lực lượng cực đoan Hồi giáo mới tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria” (ISIS).

Có nhiều nguyên nhân cho sự gia tăng đột biến của các phần tử cực đoan, quá khích Hồi giáo trên cả thế giới. Chúng không chỉ đơn thuần là sự khác biệt tín ngưỡng, giáo lý mà còn bị lồng ghép vào những quan điểm chính trị và bị lôi kéo phục vụ cho những ý đồ chính trị của những cá nhân hay nhóm nào đó. Cuộc xung đột Hồi giáo hiện nay được châm ngòi chính thức với vụ bọn khủng bố Hồi giáo tấn công ngay tại nước Mỹ ngày 11-9-2001 ở giữa thành phố New York giết chết 2.996 người và làm bị thương hơn 6.000 người thuộc nhiều quốc tịch. Mỹ đã báo thù bằng cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế với hàng loạt cuộc chiến ở hải ngoại, nổi cộm nhất là ở Afghanistan từ năm 2001 tới nay và ở Iraq từ năm 2003 tới 2011. Hàng chục nước đồng minh của Mỹ đã cùng tham chiến vô hình trung tạo thành một cuộc chiến giữa phương Tây và Hồi giáo. Có những kẻ cơ hội đã khoét sâu những lỗ hổng và những bất cập trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế này để kích động những phần tử cực đoan, quá khích trong thế giới Hồi giáo nổi lên chống lại kẻ thù tôn giáo là Mỹ và phương Tây, biến thành một cuộc Thánh chiến (jihad). Cứ vậy mà kéo dài dai dẳng và rối như canh hẹ.

Ngay cả như trong cuộc chiến chống hiểm họa chung của cả Hồi giáo lẫn thế giới là bọn ISIS cũng có nhiều phức tạp, chằng chịt. Bọn ISIS lợi dụng tình hình bất ổn của Iraq và cuộc khủng hoảng ở Syria đang chiếm giữ những vùng lãnh thổ lớn ở 2 nước láng giềng này là thuộc phái Hồi giáo Sunni. Vì thế, nếu không xử lý khéo léo, một cuộc chiến giữa 2 phái Hồi giáo sẽ bùng nổ. Cũng còn có thuận lợi là sự man rợ của ISIS đã khiến cả thế giới Hồi giáo phải ghê sợ và thấy bị mang tai tiếng; đồng thời bọn ISIS cực đoan tới mức những người Sunni nào không thần phục chúng cũng bị coi là kẻ thù.

Trong khu vực này, những người Hồi giáo theo phái Shiite đã bị ISIS coi là kẻ thù tôn giáo cần phải xóa sổ. Vì thế, Iran, nước có phái Shiite chiếm đa số, đang giúp những lực lượng Iraq, Syria và người Kurd chống lại ISIS. Đại giáo chủ Ayatollah Nasser Makarem Shirazi, người chủ trì cuộc họp giáo sĩ Hồi giáo quốc tế ở Iran này, đã kêu gọi sự đồng tâm hợp lực của cả hai phái Hồi giáo, thúc giục tất cả các giáo sĩ Hồi giáo hành động chống lại các nhóm biểu lộ chủ nghĩa cực đoan. Ngoại trưởng Iran, Ibrahim al-Jaafari, một người Shiite, nhấn mạnh: IS là mối đe dọa lớn nhất đối với Hồi giáo. “Chúng được hình thành để làm xói mòn Hồi giáo và hủy diệt các xã hội Hồi giáo. IS đã giết cả những người Hồi giáo Shiite lẫn Sunni”, ông nói. Học giả Abdolrahman Sarbazi của phái Sunni nói rõ: “Những người Hồi giáo Sunni cũng lên án những hành vi bạo lực của những kẻ cực đoan Hồi giáo là mối đe dọa đối với nhân loại.”

Đại giáo sĩ Shirazi nói rằng: “Các cuộc tấn công quân sự chống lại tổ chức lầm đường lạc lối này (ý chỉ IS) là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Cần phải làm khô héo các cội rễ ý thức hệ bạo lực của chúng. Đây là công việc của các học giả Hồi giáo để làm cho thế giới thấy được gương mặt ôn hòa thật sự của Hồi giáo và bộ mặt xấu xa của hệ tư tưởng IS.”

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 25-11-2014)

+ Ảnh: Các giáo sĩ Hồi giáo từ khoảng 80 nước tụ họp tại Iran ngày 23-11-2014. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM 25-11-2014