Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

CHUYẾN BAY QZ8501 LÂM NẠN: QZ8501 vào giây phút sinh tử ngay bên dưới một bạn cùng hãng AirAsia

indonesia_missing_plane

 

Chiếc máy bay Airbus A320-200 mã số chuyến bay QZ8501 cất cánh từ sân bay quốc tế Juanda của thành phố Surabaya ở Đông Java (Indonesia) lúc 5g35ph (giờ địa phương) ngày Chủ nhật 28-12-2014 trong một chuyến bay thường lệ tới Singapore. Có 162 người trên chiếc máy bay 2 động cơ 1 lối đi có khả năng chở 180 hành khách này. Trong đó có 155 hành khách thuộc 5 quốc tịch (có tới 149 người Indonesia). Đội bay 7 người (2 phi công, 4 tiếp viên và 1 kỹ sư phi hành); trong đó có viên phi công phụ là người Pháp, còn lại đều là người Indonesia. Phi công trưởng Iriyanto dày dặn kinh nghiệm, từng là phi công lái chiến đấu cơ phản lực F-16, có hơn 20.000 giờ bay, trong đó có 6.100 giờ bay cho hãng AirAsia trên máy bay Airbus A320.

Theo lịch, máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Changi (Singapore) lúc 8g30 (giờ địa phương, tức 7g30, theo giờ Indonesia). Nhưng 42 phút sau khi cất cánh, chuyến bay QZ8501 đã mất liên lạc và biến mất trên màn hình radar. Vào lúc 7g38ph, Indonesia đã chính thức công bố chuyến bay QZ850 bị mất tích.

Theo dữ liệu của Đài Kiểm soát Không lưu (ATC) Indonesia, vào lúc 6g12ph, phi công trưởng Iriyanto yêu cầu ATC cho phép đổi hướng bay về bên trái và bay từ độ cao 32.000 feet (9.753 mét) lên độ cao 38.000 feet (11.582 mét) để tránh một đám mây dông tích điện. Đề nghị bay sang trái đã được chấp thuận. Còn đề nghị bay lên độ cao đó không được đồng ý. 2 phút sau, ATC đề nghị phi công bay lên độ cao 34.000 feet (10.363 mét), vì ở độ cao 38.000 feet đang có một chuyến bay khác cũng của hãng AirAsia bay. Điều hy hữu là chuyến bay AirAsia đang bay ngay bên trên QZ8501 có số hiệu QZ8502. Nhưng ATC không nghe phi công trả lời. 4 phút sau khi không có liên lạc với ATC, chuyến bay QZ8501 đột ngột biến mất trên màn hình radar. Lúc đó, máy bay được ghi nhận là đang ở trên Biển Java, ở chặng giữa đảo Belitung và thành phố Pontianak thuộc phần lãnh thổ của Indonesia trên đảo Kalimantan.

Các chuyên gia hàng không cho biết khi gặp đám mây dông tích điện, các phi công thường chọn giải pháp tối ưu là bay vòng để tránh. Còn việc bay lên bên trên đám mây ẩn chứa nhiều nguy hiểm do vẫn còn có thể bị đám mây phóng điện. Tuy nhiên, giải pháp bay vòng tránh cũng có khi tốn thêm nhiều ngàn km đường bay. Loại máy bay nhỏ bay tầm trung và ngắn như A320, nhất là đang trên những đường bay ngắn, thường không được nạp dư nhiều nhiên liệu.

Cũng có chuyên gia hàng không quốc tế cho rằng lúc đó chiếc máy bay đã bay chậm hơn tốc độ cần thiết. Có thể do gió ngược quá mạnh. Ở tốc độ chậm, máy bay giảm sức nâng và kém ổn định – những yếu tố cực kỳ nguy hiểm trong điều kiện không khí nhiễu động, thời tiết xấu.

Như vậy, có 1 một chi tiết: trong giờ phút sinh tử đó, có tới 2 chuyến bay của AirAsia ở cùng một chỗ, chỉ khác độ cao.

Chiều 30-12-2014, từ trên máy bay, lực lượng tìm cứu Indonesia đã phát hiện có những vật thể lớn nổi ở vùng biển cách đất liền khoảng 160km và chỉ cách nơi chuyến bay QZ8501 mất liên lạc 10km. Đó là vùng Eo biển Karimata Strait ở Đông Nam đảo Belitung. Và người ta đã tìm thấy những thi thể nạn nhân và những mảnh xác máy bay. Trong khi suốt 2 ngày trước đó, lực lượng tìm cứu quốc tế với nhiều chục máy bay và tàu chiến đã không hề tìm thấy một dấu vết nào cụ thể. Điều dễ gây thắc mắc là vì sao lực lượng tìm cứu không bắt đầu tìm kiếm từ nơi máy bay được nhìn thấy lần cuối cùng trên radar rồi theo vòng xoáy trôn ốc mà mở rộng ra? Thay vào đó, họ đã lùng sục từ những khu vực rất xa. Nơi tìm được những thi thể đầu tiên và những mảnh xác máy bay chỉ cách nơi máy bay mất liên lạc có 10km, quá gần.

141230-airasia-qz8501-missing-01b

Những thi thể đầu tiên tìm được tuy trương lên vì ngâm nước nhưng còn nguyên vẹn, và tất cả đều không mặc áo cứu sinh (life-vest). Phải chăng máy bay chỉ bị vỡ ra khi chạm xuống biển? Điều này cũng cho thấy khả năng tai nạn xảy ra quá nhanh khiến mọi người trên máy bay không kịp xử lý.

Chuyến bay QZ8501 này thuộc hãng AirAsia Indonesia, một chi nhánh của tập đoàn hàng không AirAsia của Malaysia. Các hãng hàng không Indonesia vốn bị điểm thấp về an toàn hàng không và từng bị châu Âu cấm bay tới các nước của họ trong nhiều năm trước.

Tuy nhiên, việc quan trọng số 1 bây giờ là cố gắng tìm cho bằng hết tất cả các nạn nhân trên chuyến bay QZ8501 và chăm sóc cho thân nhân của họ. Mọi chuyện khác phải để hạ hồi phân giải, đặc biệt sau khi tìm thấy và giải mã được các hộp đen trên máy bay.

Vào lúc 18g29 ngày 30-12-2014, hãng AirAsia Indonesia ra thông cáo cho biết Cục Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia (BASARNAS) đã xác định các thi thể và mảnh vỡ tìm được trong chiều 30-12 là từ chuyến bay QZ8501.

Lúc 19g25, trong một cuộc họp báo, Henry Bambang Soelistyo, người đứng đầu cơ quan BASARNAS cho biết sóng cao 2 tới 3 mét và gió mạnh ở khu vực tìm thấy xác máy bay đã gây nhiều khó khăn cho việc thu vớt các thi thể và vật thể. Khác với 2 đêm trước, đêm nay lực lượng cứu nạn sẽ vẫn làm việc, khi sóng dịu lại, họ sẽ dùng các hệ thống chiếu sáng của phương tiện cứu hộ để tiếp tục công việc. Ông  Soelistyo nói họ sẽ xác định được vị trí của mảnh vỡ lớn nhất của thân chiếc máy bay ngay trong đêm nay. Tất cả các thi thể nạn nhân sẽ được chuyển tới một bệnh viện tại thành phố Surabaya để nhận dạng. Đây cũng là nơi chuyến bay QZ8501 xuất phát. Đa số gia đình nạn nhân sinh sống ở đây. Người đứng đầu BASARNAS cho biết chiếc hộp đen “nằm ngoài tầm tay chúng tôi”. Hôm qua, Singapore đã điều 2 đội chuyên gia với 2 máy dò tìm âm thanh dưới nước tới tham gia tìm cứu. Họ có khả năng tìm hộp đen chìm dưới đáy biển.

Theo tin do Hải quân Indonesia loan báo lúc 16g31, trong chiều 30-12-2014, có ít nhất 40 thi thể đầu tiên đã được tàu chiến thu vớt. Tuy nhiên, vào lúc 20g05, ông Soelistyo, người đứng đầu cơ quan BASARNAS, cải chính lại là cho tới nay các lực lượng tìm cứu mới chỉ thu vớt được 3 thi thể gôm 2 nữ và 1 nam.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 30-12-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.