Thứ Sáu ngày 20 tháng 9 năm 2024

Chung sống với những người Hồi giáo chân chính

French-Muslims

 

Khó ai không nghĩ ngợi khi nhìn thấy những người Hồi giáo ở Pháp xuống đường cầm theo những tấm bảng ghi rằng “Người Hồi giáo chống chủ nghĩa khủng bố” giữa bối cảnh cả nước này cùng cả phương Tây đang sôi sục sự lên án những phần tử cực đoan Hồi giáo, sau 3 ngày chúng gieo rắc kinh hoàng và chết chóc tại Kinh đô Ánh sáng Paris. Bất cứ tôn giáo chính thống nào cũng nhằm mục đích tối thượng là cứu rỗi con người, giải thoát con người khỏi mọi vòng vây tội lỗi để trở thành người nhân ái. Chẳng có Thánh Allah hay nhà Tiên tri Mohammed nào dạy tín đồ của mình phải tàn ác, giết chóc như vậy đâu. Chẳng qua các ngài cũng bị lợi dụng, bị diễn dịch sai theo ý đồ của hậu thế thôi.

FRANCE-IRAQ-SYRIA-CONFLICT-ALGERIA-RELIGION-ISLAM

Thử hỏi một câu đơn giản, nếu giáo lý Hồi giáo có “vấn đề”, nó chẳng thể là tôn giáo có đông tín đồ số 2 thế giới (1,8 tỷ người so với 2,2 tỷ người Thiên chúa giáo) và lan tỏa khắp toàn cầu.

Người ta thường thắc mắc vì sao Hồi giáo lại sản sinh ra nhiều phần tử cực đoan, quá khích hơn bất cứ tôn giáo nào khác như vậy? Câu trả lời khả thi vẫn là do cách hậu thế diễn dịch những gì được ghi lại trong kinh Koran. Bên cạnh đó còn do những đặc thù của tôn giáo này, đặc biệt là giáo lý và cách hành đạo của Hồi giáo dễ khiến người ta bị “mù quáng” nghe theo những lời dẫn dắt của những “giáo sĩ” có vấn đề hay mưu đồ.

Những người Hồi giáo chân chính bao lâu nay vẫn khổ sở khi hình ảnh tôn giáo mình bị hoen ố bởi những phần tử cực đoan, nhất là khi Hồi giáo bị đánh đồng với bạo lực, khủng bố. Khi tình hình đã lên tới đỉnh điểm, với lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” (IS), thế giới Hồi giáo đã phát hoảng và không thể tránh né được nữa. Vì thế, ngày 23-11-2014, các giáo sĩ thuộc hai phái Hồi giáo Shia và Sunni vốn coi nhau là kẻ thù truyền kiếp từ khoảng 80 nước trên thế giới đã phải tụ họp về ngồi bên nhau trong một cuộc họp tại thành phố thánh địa Qom ở Iran để đưa ra chiến lược chống lại những phần tử cực đoan, quá khích trong tôn giáo mình.

Có lẽ hơn ai hết, những người Hồi giáo từ cả ngàn năm nay hiểu thế nào là hận thù tôn giáo, là óc bài xích tôn giáo khác nghiệt ngã. Chính vì cách diễn dịch khác nhau những gì nhà tiên tri Mohammed nói mà sau khi ông qua đời năm 632, Hồi giáo bị phân hóa thành hai phái Sunni (chiếm đa số với 75-90% số tín đồ) và Shia (10-20%) với lòng hận thù tới mức không đội trời chung. Khi lực lượng IS thuộc phái Sunni nổi lên, ngay cả những người Hồi giáo phái Shia cũng trở thành mục tiêu bị truy diệt.

150110-2 million protesters-marched-paris-01

Ngày 10-1-2015, khoảng 2 triệu người Pháp và châu Âu đã kéo biểu tình tuần hành tại thủ đô Paris để lên án chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Số lượng người tham gia đông gấp 3 lần dự kiến. Đây là cuộc tuần hành đông người nhất tại Paris kể từ cuộc tuần hành mừng giải phóng khỏi phát xít Đức tháng 8-1944. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

150110-2 million protesters-marched-paris-02

Người Pháp cũng tỏ ra rất hiểu biết và sòng phẳng. Cho dù rất đau với cái chết của 17 nạn nhân dưới tay 3,4 kẻ thủ ác Hồi giáo, người Pháp vẫn phân biệt được những người Hồi giáo bình thường. Một cảnh sát Hồi giáo cũng đã bị những kẻ khủng bố Hồi giáo bắn chết. Một nhân viên siêu thị là người Hồi giáo da đen đã trở thành một người hùng khi dũng cảm giúp 7 người khách (có nguồn tin nói tới 15 người) ẩn trốn trong vụ một siêu thị Do Thái tại Paris bị hai tay súng Hồi giáo tấn công và bắt giữ con tin ngày 9-1-2015.

Trong hơn 7 tỷ người đang sống trên hành tinh này hiện có 1,8 tỷ người Hồi giáo. Có nghĩa là mọi người phải chấp nhận thực tế chung sống với nhau, không kỳ thị. Người ta chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan Hồi giáo chứ không chống người Hồi giáo. Nhưng bản thân thế giới Hồi giáo cũng phải hành động như thế nào để tư tưởng và những phần tử cực đoan không tiếp tục làm xấu đi hình ảnh tôn giáo mình.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 13-1-2015)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TPHCM 13-1-2015