Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Những “con sói cô đơn” còn nguy hiểm hơn cả IS

christians-in-pakistan-french-muslims

 

Chuyện đã được cảnh báo từ rất lâu, nhưng phải đợi tới giọt nước tràn ly là 3 ngày nước Pháp bị nhận chìm trong kinh hoàng và đổ máu hồi thượng tuần tháng 1-2015 chỉ bởi mấy tên khủng bố tấn công đơn lẻ mà gây chấn động toàn cầu. Nó cho thấy sự hiện hữu thực sự và mức độ nguy hiểm của những kẻ khủng bố đơn lẻ, vốn được gọi là những “con sói cô đơn” (lone wolf), đang “thập diện mai phục” ngay trong các cộng đồng trên khắp thế giới.

Bây giờ không còn là câu hỏi nước này nước nọ có bạo lực khủng bố hay không mà là chừng nào xảy ra. Một số nhà phân tích nhấn mạnh rằng giờ đây nước Pháp nói riêng, và châu Âu nói chung, không phải chỉ có nguy cơ bị tấn công bạo lực bởi những chiến binh của hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda hay lực lượng cực đoan tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” (IS). Họ còn bị nguy hiểm trước những phần tử cực đoan không thuộc tổ chức nào, nhưng bất mãn xã hội, căm thù những người khác tôn giáo mình, và được truyền cảm hứng bởi những hành động thánh chiến (jihad) như kiểu của IS và cụ thể là những tên khủng bố mới nhất ở Pháp này.

Một số nhà phân tích cảnh báo rằng những “con sói cô đơn” thậm chí còn nguy hiểm hơn cả IS nữa. Ngoại trừ những phần tử từng có những hành vi để bị nằm trong sổ bìa đen của các cơ quan an ninh và cảnh sát, một số không nhỏ những “kẻ khủng bố tiềm ẩn” đó lại có cuộc sống bình thường, thậm chí rất tốt, giống như hai vợ chồng khủng bố Amedy Coulibaly và Hayat Boumeddiene được hàng xóm đánh giá là “dễ thương”, cho tới ngày 9-1-2015 cặp này tấn công một siêu thị Do Thái ở Paris bắn chết 4 nạn nhân và bắt giữ hơn chục con tin. Theo giới tội phạm học, những “con sói cô đơn” khó bị theo dõi hơn, bởi vì chúng thường phát sinh hành động một cách đột ngột và sử dụng ngay những hung khí có sẵn chung quanh mình. Tuy nhiên, hàng loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra gần đây trên thế giới cho thấy những “con sói cô đơn” ngày nay có thể chuẩn bị cho ngày N của chúng một cách kỹ lưỡng, bài bản. Chẳng hạn như hai anh em Said Kouachi và Cherif Kouachi cho thấy chúng đã nắm được tình hình và quy luật hoạt động của tòa soạn tuần báo trào phúng Pháp Charlie Hebdo trước khi tấn công trưa 7-1-2015 thảm sát 12 người. Chỉ có điều, những “con sói cô đơn” chỉ hoạt động đơn lẻ, nhiều cũng chỉ 2-3 tên, không theo lệnh của ai khác, nên càng khó bị soi hơn.

Sau nhiều năm mai phục, giờ đây, những “con sói cô đơn” trong thế giới Hồi giáo dường như bắt đầu thức giấc. Những hành động tàn bạo trừng trị những “kẻ thù tôn giáo” nhân danh thánh chiến của bọn IS như truyền thêm hứng khởi cho những kẻ có tư tưởng cực đoan, quá khích. Đó là lý do mà Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh lực lượng IS đang lộng hành ở Iraq và Syria, đã kêu gọi những “con sói cô đơn” mở những cuộc tấn công ngay trên các nước phương Tây. Đặc biệt là những hành động của những “con sói cô đơn” ở những nước đang tham gia cuộc chiến chống IS vừa mang tính răn đe, báo thù, vừa gây rối nội bộ những nước đó khiến họ không thể tập trung vào “chuyện thiên hạ”.

Lâu nay các nhà phân tích cảnh báo sự bất cập của các cơ quan chức năng các nước trong việc phòng ngừa khủng bố. Mới nhất là các tên khủng bố gây kinh hoàng Paris từ ngày 7 tới 9-1-2015 đều có tên trong các danh sách của cơ quan an ninh, thậm chí thuộc hàng có “số má” và từng tham dự những khóa huấn luyện của bọn khủng bố quốc tế. Giáo sư Greg Barton, quyền Giám đốc Trung tâm Hồi giáo và Thế giới Hiện đại Úc, nói trên báo điện tử News.com (14-1-2015) rằng ông lo ngại về sự phối hợp lỏng lẻo giữa cơ quan an ninh quốc gia ASIO và cảnh sát Úc.

Việc chia sẻ thông tin về khủng bố giữa các cơ quan chức năng trong nước lẫn giữa các nước với nhau là cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder ngày 11-1-2015 sau cuộc họp với đại diện 11 nước Liên minh châu Âu (EU) đã nói với báo giới: “Chỉ khi nào chúng ta làm việc với nhau, thông qua chia sẻ thông tin, bằng việc đóng góp các nguồn của mình, chúng ta mới thật sự có khả năng đánh bại những kẻ đang đấu tranh với chúng ta về những giá trị nền tảng của chúng ta.” Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cũng nhấn mạnh rằng thông tin về các hệ thống khủng bố phải được chia sẻ giữa các nước đồng minh.

150111-states-leaders-marched-paris-01

Tổng thống Pháp Francois Hollande (thứ ba từ trái qua, hàng đầu) và khoảng 40 vị nguyên thủ quốc gia khác siết chặt tay nhau trong cuộc tuần hành chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế tại Paris ngày 11-1-2015. Có khoảng 2 triệu người tham gia cuộc tuần hành đông nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai tại Paris. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

 

Giới phân tích lưu ý rằng chính truyền thông và Internet giúp truyền lan “niềm cảm hứng jihad” rộng rãi hơn. Cuộc họp ngày 11-1-2015 của đại diện các nước EU và Mỹ đã thống nhất đề xuất các biện pháp như tăng cường giám sát Internet để nắm bắt được những đối tượng có tư tưởng cực đoan và mưu đồ tuyên truyền jihad, kiểm tra dữ liệu xuất nhập cảnh để giám sát những đối tượng liên lạc với các tổ chức khủng bố nước khác, xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin hành khách,… Bộ trưởng Nội vụ Pháp nói thêm rằng việc tập trung vào Internet làm nổi rõ sự cần thiết phải cung cấp những thông điệp tích cực để chống lại những mưu đồ tuyên truyền thánh chiến trong giới trẻ châu Âu. Cuộc họp thượng đỉnh EU ngày 12-2-2015 sẽ bàn sâu hơn về những nỗ lực hợp tác chống khủng bố ở châu Âu. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ chủ trì một cuộc họp thượng đỉnh rộng rãi vào ngày 18-2-2015 tại Washington để “thảo luận các biện pháp chúng ta có thể làm để chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực đang tồn tại trên khắp thế giới”.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 16-1-2015)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TP.HCM 15-1-2015