Thứ Tư ngày 24 tháng 4 năm 2024

Hậu Charlie Hebdo – quá khích, cực đoan có cả hai phía

europe-police

 

Gần 2 tuần sau khi xảy ra vụ hai tên cực đoan Hồi giáo xông vào tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ngay giữa thủ đô Paris (Pháp) xả súng thảm sát 12 người trưa 7-1-2015, thế giới đang ngày càng nóng bỏng hơn từ cả 2 phía: phản đối và ủng hộ. Điều nguy hiểm là cả hai phía đang có xu hướng quá khích, cực đoan. Và càng tệ hại hơn khi thái độ đối với bạo lực, tội ác và đối với tự do ngôn luận đang bị biến tướng mở rộng tới thái độ đối với Hồi giáo.

Không thể là chuyện bình thường trước cảnh những dòng người xếp hàng dài trước những quầy báo ở Pháp và Anh khi trời chưa kịp sáng giữa mùa đông giá lạnh để đón mua số Charlie Hebdo đầu tiên sau thảm kịch. Số tuần báo phát hành đầu tiên tại Pháp ngày 14-1-2015 được giới thiệu là do “tòa soạn sống sót” thực hiện và công việc bếp núc của tờ báo này được “làm nhờ” tại tòa soạn của báo Liberation. Quả là một tờ báo của những người sống sót khi cả tổng biên tập, phó tổng biên tập và 4 biên tập viên, cây bút sừng sỏ của tờ báo đã bị bắn chết. Một số cây bút khác bị thương nặng. Số lượng bản in được nói là lên tới 5 triệu tờ, một con số khủng khiếp so với số lượng 60.000 bản in bình thường. Tờ báo được rao bán trên mạng eBay với giá hàng trăm bảng Anh, trong khi giá bìa chỉ là 2,3 bảng Anh.

Chiếm trọn trang nhất của số Charlie Hebdo này là tranh vẽ nhà tiên tri Mohammed đang rơi lệ đứng cầm tấm biển ghi “Je Suis Charlie” (tôi là Charlie). Chạy qua nguyên cả trang ngay dưới tên báo là dòng tít: “Tout est Pardonne” (Tất cả được tha thứ). Dù sao cũng là một cái bìa “hiểu sao cũng được”, chỉ sợ nếu ban biên tập mới xử không khéo sẽ như thách thức mà đổ thêm dầu vào lửa.

Chính vì đưa những tranh châm biếm nhà tiên tri Mohammed, nhân vật thiêng liêng của người Hồi giáo, mà Charlie Hebdo đã bị trả giá quá đắt với một cái chết đã được cảnh báo từ lâu. Tuần báo trào phúng này xưa nay không chỉ cười cợt các nhà chính trị, các nguyên thủ quốc gia, mà còn châm biếm cả những nhân vật tôn giáo như Chúa Jesus, đức Giáo hoàng, đức Phật, Thánh Allah, nhà tiên tri Mohammed,… Họ nhân danh tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nhưng bất cứ quyền tự do nào cũng đều có những giới hạn nếu không do luật định thì cũng bởi tự thân nó. Không ai chấp nhận kiểu tự do quá lố, quá trớn làm tổn thương nhân thân và gây tổn hại cho quyền lợi hợp pháp của người khác. Người ta có thể đem một vị tổng thống ra làm trò cười (dĩ nhiên trong khuôn khổ luật pháp cho phép), vì dù sao ông ấy cũng là người trần, nhưng tuyệt đối không được phép đùa giỡn (chứ đừng nói chi là xúc phạm, báng bổ) các nhân vật thiêng liêng mà các tôn giáo kính thờ. Tới thăm Philippines ngày 14-1-2015, đúng ngày tuần báo Charlie Hebdo ra số đầu tiên sau thảm kịch, Đức Giáo hoàng Francis nhấn mạnh rằng: “Người ta không thể chọc tức, xúc phạm tín ngưỡng của người khác, không thể đem tín ngưỡng ra làm trò cười. Mỗi tôn giáo có chân giá trị của mình. Trong tự do ngôn luận có những giới hạn.”

Sự kiện Charlie Hebdo như một giọt nước tràn ly của cả hai phía. Nó như một cú hích làm mọi người yêu hòa bình trên thế giới tay trong tay với nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế, cực đoan, quá khích. Nhưng nó cũng gây hưng phấn cho những phần tử cực đoan, quá khích trong thế giới Hồi giáo hào hứng phát cờ thánh chiến jihad. Vì thế, nếu những người có trách nhiệm và có liên quan không xử lý một cách khéo léo, thế giới sẽ rối loạn với nguy cơ chia rẽ tôn giáo, thậm chí xung đột tôn giáo.

Thực tế là sau vụ Charlie Hebdo, Mỹ và châu Âu đang phải căng mình ra đối phó với những nguy cơ đang gia tăng từ bọn khủng bố và cực đoan Hồi giáo. Ở Bỉ đã xảy ra đọ súng giữa cảnh sát và các tay súng cực đoan ngày 15-1-2015. Các cơ quan tình báo cho biết có khoảng 20 nhóm cực đoan đang ẩn mình ở châu Âu. Không ai tính nổi, nhưng chắc chắn là nhiều, những phần tử cực đoan “sói cô đơn” từng được bọn khủng bố Hồi giáo quốc tế huấn luyện hay tham gia thánh chiến ở Iraq, Libya, Syria,… trở về đang ở đâu đó trong các cộng đồng.

Chưa hết. Vụ những tay súng khủng bố Hồi giáo tấn công giết chết 4 người và bắt giữ hơn 10 con tin tại một siêu thị Do Thái ở Paris ngày 9-1-2015 còn được liên hệ với chủ nghĩa bài Do Thái.

Ngày 18-1-2015, một vụ xung đột giữa những tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo tại làng Sarayian (bang Bihar, Ấn Độ) khiến ít nhất 3 người Hồi giáo bị thiêu chết.

Dường như đã tới lúc cộng đồng quốc tế không còn chịu đựng nổi nữa những hành động tàn ác, máu lạnh của những phần tử cực đoan, quá khích Hồi giáo, như bọn al-Qaeda, IS, Boko Haram,… Nhưng sẽ thật sai lầm và nguy hiểm nếu như thái độ đúng đắn và cần thiết đó bị lợi dụng biến tướng thành chống Hồi giáo, tôn giáo có đông tín đồ thứ hai trên thế giới (khoảng 1,8 tỷ người). Đừng ai để Chiến tranh Thế giới lần thứ ba bùng nổ vì lý do tôn giáo, bởi nó sẽ có tầm hủy diệt hơn chính trị hay quyền lực!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 20-1-2015)

+ Ảnh: Châu Âu trong tình trạng tăng cường an ninh sau vụ tấn công ở Bỉ. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TP.HCM ngày 20-1-2015