Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bữa trưa tại San Francisco

150817-san-francisco-029_resize

 

Cuốc bộ nhiều nên bụng đói, cho dù ở San Francisco là ban ngày thì ở Saigon là ban đêm. Ngán mấy món Mỹ, tôi tấp vô cửa hàng bách hóa Walgreens trên đường Powell gần khách sạn để tìm đồ ăn bữa trưa đầu tiên trong lần trở lại San Francisco này.

Thôi thì 1 ổ bánh mì thịt bò quay kiểu Ý giá 3.99 USD và 2 trái chuối già giá 1 USD là ấm lòng chiến sĩ rồi. Về khách sạn, pha thêm cà phê hay trà nóng nữa là ổn.

Tôi ngồi nhai bánh mì ăn trưa ở San Francisco khi ở Saigon là 2 giờ sáng.

Thú thật, ở San Francisco, tôi ăn thường không ngon miệng vì đầu óc luôn nghĩ tới những người homeless đứng ngồi đầy các đường phố. Có những đôi nam nữ còn rất trẻ, cô gái rất dễ thương. Có cả một gia đình. Có những thương binh về từ chiến tranh Iraq, Afghanistan,… Có người còn đem cả chó cưng ra ngồi trên vỉa hè. Khác với đệ tử Cái Bang của xứ Việt lắm lời kể lể inh ỏi, những người cơ nhỡ ở Mỹ chỉ đứng hay ngồi lặng lẽ và thậm chí không hề quy lụy. Trước mặt họ là tấm bìa cứng có ghi nhu cầu của mình: người đói, người xin chút tiền làm gì đó,… Tôi luôn cố tránh chụp hình họ. Tôi chẳng phải là dân tuyên truyền chi hết. Tôi không chụp ảnh những người homeless vì tôi không muốn những người Mỹ khác – trong đó có những bạn tôi – nhìn thấy lại chạnh lòng, khó nghĩ. Tôi không chụp những người homeless vì tôi cảm thông họ và sự cảm thông càng xót xa đắng nghét hơn khi tôi gặp những người homeless này ngay trên nước Mỹ – đất nước văn minh và giàu nhất thế giới. Khoảng cách giữa họ và cộng đồng người Mỹ còn lại càng lớn hơn ở đâu hết. Tương phản gay gắt như màn hình TV Ultra HD 4K. Tôi cũng biết phía sau những người homeless Mỹ là vô số những câu chuyện. Nhưng homeless vẫn là homeless, một khi họ đã chấp nhận ra ngoài đường thì họ là những thân phận bên lề xã hội.  Tôi cũng nghèo như họ nên chỉ biết dành cho họ một ánh mắt trìu mến và một nụ cười cảm thông.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(San Francisco 17-8-2015)